Đây là một nhận định của Đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông) trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 9/11. Theo Đại biểu Tiến, một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giữa tháng 3 năm nay, một trong những lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID là thông tin truyền thông, số doanh nghiệp chịu tác động chiếm tới 96%.
Đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông). Ảnh: TTXVN |
Nhiều tờ báo phải cắt giảm, thậm chí tạm ngừng việc sản xuất báo giấy, bởi dịch bệnh, nhưng vượt lên mọi khó khăn, thách thức, các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Phóng viên, nhà báo không quản ngại hiểm nguy, đưa tin kịp thời, nhanh nhạy về tình hình phòng, chống dịch bệnh đến đông đảo công chúng.
Bên cạnh đó, trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19, chúng ta còn phải đối mặt với một loại dịch bệnh khác với tốc độ lây lan nhanh không kém là tin giả, thông tin sai sự thật. Trong bối cảnh đó, báo chí là lực lượng tích cực, góp phần vạch trần tin giả, cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh, ổn định đời sống và tâm lý cho người dân, đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Nhắc lại một số vấn đề cần quan tâm trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Đại biểu Tiến cũng đồng tình với 1 kiến nghị của Ủy ban Xã hội liên quan đến đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thông tin xấu độc, thường xuyên cập nhật, nâng cấp phần mềm quản lý thông tin về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cùng với giải pháp thống nhất trong các chính sách, văn bản, biện pháp chống dịch, Đại biểu Đoàn Đắk Nông cũng kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin để báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót đảm bảo cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (Đoàn Nghệ An) tán thành với ý kiến của đại biểu Phạm Nam Tiến là trong báo cáo của Chính phủ cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông, một lĩnh vực đã trở thành nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, là liều thuốc tinh thần bảo đảm sức chống chịu lâu dài của nhân dân đi qua đại dịch.
Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (Đoàn Nghệ An). Ảnh: TTXVN |
Nhằm khẳng định thêm tầm quan trọng và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thông tin truyền thông, Đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như cho phục hồi kinh tế. Các thông điệp do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đưa ra cần phải được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp và không nên xuất hiện một cách ngẫu hứng hay đến từ những ý tưởng đề xuất mang tính phong trào.
Bên cạnh đó, theo Đại biểu Phương, các sản phẩm thông tin giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi gia đình, mọi người dân trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm thông tin này rất đa dạng, được phát tràn lan trên các nền tảng số xuyên quốc gia, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu sản xuất các chương trình giải trí và phim trên các kênh truyền hình trong nước.
Để khắc phục tình trạng trên, Đại biểu cho rằng cần quan tâm đầu tư cho công nghiệp văn hóa và truyền thông đại chúng, với định hướng chiến lược rõ ràng giúp nâng cao chất lượng phim và các sản phẩm giải trí, phổ biến trên các kênh truyền hình trong nước và hướng tới xuất khẩu.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"