Đẩy mạnh công tác truyền thông
Xuất khẩu lao động có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua XKLĐ, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có việc làm ổn định, thu nhập cao, được nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tiếp thu được những công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc công nghiệp, hình thành nên đội ngũ lao động có trình độ tay nghề chuyên môn cao.
Bà Nguyễn Thị Hà -Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông với XKLĐ |
Trong những năm qua, công tác xuất khẩu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2017, XKLĐ đạt được con số kỷ lục với trên 134 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 28,3% so với kế hoạch năm.
Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công trong lĩnh vực XKLĐ với tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đạt hơn 142 nghìn người, vượt 30% so với kế hoạch, là năm thứ năm liên tiếp có số lượng vượt mức 100.000 lao động. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã được tổng số gần 67 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm 2019. Tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hoạt động XKLĐ đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hàng năm, bình quân khoảng 10% tổng số lao động được giải quyết việc làm của cả nước. Với mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi đi xuất khẩu lao động về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Hiệu quả của chương trình XKLĐ không chỉ được đo, đếm bằng hàng tỷ USD mà người lao động từ hàng chục thị trường ngoài nước gửi về hàng năm, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có đông người đi XKLĐ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê với hệ thống hạ tầng khang trang, cùng với đó là tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao được tôi luyện dài ngày trong môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà -Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội khẳng định những kết quả đạt được nêu trên có một phần đóng góp không nhỏ của công tác truyền thông, trong đó có vai trò nổi bật của các cơ quan báo chí. Bà Hà nói: “Trong nhiều năm qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, các Sở Lao động - TBXH, các Trung tâm DVVL, các doanh nghiệp XKLĐ đều quan tâm, dành nhiều nguồn lực, hợp tác với các cơ quan báo chí nhằm tuyên truyền sâu rộng các nội dung về công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài dưới nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: phóng sự, bài viết chuyên sâu, bài viết phản ánh, , hỏi đáp chính sách, quy định pháp luật... Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội trong tổ chức thực hiện các chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực XKLĐ.”
Bên cạnh những mặt tích cực, thành tựu đáng ghi nhận, công tác truyền thông về xuất khẩu lao động thời gian qua cũng có có những hạn chế. Bà Hà chia sẻ: “Việc tuyên truyền vẫn còn một chiều, chỉ tập trung vào các điểm “nóng”, những vụ việc phát sinh mà chưa chú ý đúng mức đến các vấn đề bức. Nội dung tuyên truyền về xuất khẩu lao động cũng chưa phản ánh sinh động thực tế, hình thức chưa phong phú; chưa có những thông điệp cụ thể. Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động còn thiếu thông tin, khả năng tự liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu lao động là khó khăn; còn có tình trạng doanh nghiệp cần tuyển người thì không có trong khi đó người cần đi xuất khẩu lao động thì không biết ở đâu có nhu cầu để mà đến tuyển nên đã xảy ra các trường người lao động bị kẻ xấu lừa đảo do thiếu thông tin, gây tâm lý hoang mang cho người lao động và xã hội.”
“Từ thực tế nêu trên, tại Hội nghị này, tôi đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến về các vấn đề liên quan, đồng thời đề xuất các giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác truyền thông, làm sao đưa được thông tin về XKLĐ một cách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời đến được với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao nhận thức sâu rộng của xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.” – bà Hà đề nghị.
Doanh nghiệp XKLĐ ứng phó với khủng hoảng truyền thông
Thực tế, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra với doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức bất kỳ lúc nào, nhất là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ tạo nên hàng triệu “nhà báo công dân” như hiện nay.Trong lĩnh vực XKLĐ, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra bất kỳ lúc nào do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan có thể do người lao động bỏ trốn, bị tai nạn lao động, vi phạm pháp luật lao động nước sở tại, ngừng việc tập thể... Khách quan có thể do khủng hoảng kinh tế - chính trị của nước sở tại, do những nguyên nhân bất khả kháng như động đất, sóng thần, hỏa hoạn, khủng bố…Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời và bài bản, sự khủng hoảng ấy có thể gây ra hậu quả khó lường.
Tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi- Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo - Hội Nhà báo Việt Namđưa ra đề xuất với các doanh nghiệp XKLĐ. Theo đó, các doanh nghiệp XKLĐ cần thành lập ban truyền thông, hỗ trợ báo chí trong việc đưa tin và giải quyết khủng hoảng, tránh để xảy ra hiểu lầm dẫn đến lan truyền thông tin tiêu cực.
Theo quan điểm của PGS.TS Lợi: “Trong xử lý khủng hoảng truyền thông, có 3 điều “không nên” doanh nghiệp XKLĐ cần nhớ, đó là: Không im lặng; Không né tránh báo chí; Không cung cấp thông tin chung chung, vòng vo.Do vậy, để xử lý khủng hoảng tốt nhất, Doanh nghiệp cần lên môt lịch trình và có sự chuẩn bị trước.”
Nâng cao nhận thức về XKLĐ
Có thể nói, đề tài về hoạt động XKLĐ là một trong những tuyến đề tài “nóng” trên nhiều mặt báo. Không chỉ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng,nhà nước trong lĩnh vực XKLĐ, biểu dương những địa phương thực hiện tốt công tác XKLĐ, những doanh nghiệp làm ăn tốt, những cách làm hay, những tấm gương người lao động xuất khẩu vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần phát hiện không ít biểu hiện tiêu cực của một số doanh nghiệp và đặc biệt là các đường dây cò mồi, các thành phần lừa đảo, gây thiệt hại cho người lao động.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng – Cục Quản lý lao động ngoài nước phát biểu tại Hội nghị |
Một thực tế, là trong thời gian qua, mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều nỗ lực xây dựng đội ngũ doanh nghiệp XKLĐ vững mạnh, nhưng bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn có tâm, có đạo đức, có trách nhiệm cao với người lao động, thì vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp làm ăn chụp giật, thiếu trách nhiệm, đặt nặng yếu tố lợi nhuận mà xem nhẹ quyền lợi của người lao động.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng – Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua chưa được thường xuyên, sâu rộng, mới chỉ tập trung chủ yếu vào các thời điểm khi có văn bản mới.
Ông Liêm phát biểu tại Hội nghị: “Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả chưa cao chưa đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dân và xã hội. Việc định hướng truyền thông về vấn đề này đối với các cơ quan báo chí chưa được quan tâm đúng mức. Thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thường tập trung vào phản ánh những vụ việc tiêu cực, đôi khi thiếu khách quan, một chiều không gắn với các nội dung của chính sách, pháp luật và thực tiễn hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.”
Để phát huy những điểm sáng, hạn chế những mặt tiêu cực, hệ thống báo chí, truyền thông đã và đang sát cánh với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, làm sao để người lao động có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin chính thống, chính xác về tình hình thị trường lao động, việc làm ngoài nước, đồng thời dư luận xã hội cũng hiểu đúng hơn về những đóng góp của hoạt động XKLĐ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội./.