Chỉ với một loại củ đơn giản là nghệ trắng, già làng Hồ Văn Hinh (SN 1945, người Pa Cô, trú thôn Kỳ Ơi, xã A Túc, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) có thể giúp người bệnh thoát khỏi căn bệnh nan y hen suyễn.
Củ nghệ trắng (củ Ta-ra-hau-hen theo tiếng Pa Cô) |
“Bảo bối” vùng cao
Theo lời già làng Hồ Văn Hinh bệnh hen suyễn là căn bệnh rất phổ biến đối với các dân tộc vùng cao do điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Đơn cử như nguồn nước ô nhiễm, ăn uống mất vệ sinh hay hút thuốc lá nhiều dẫn đến ho khan lâu ngày cũng có thể biến chứng thành suyễn. Người bị bệnh hen suyễn thường có thể trạng gầy còm, sức lực yếu ớt và đặc biệt rất khó thở.
“Người bị chứng bệnh này thể hiện rõ ở hơi thở khò khè, rất khó chịu đối với những người xung quanh. Không chỉ mệt mỏi, khó thở mà còn kèm theo ho dai dẳng suốt ngày, nhất là về buổi chiều xế”, già làng Hinh nói. Nghiêm trọng hơn, nếu không chữa trị kịp thời bệnh nhân hen suyễn sẽ bị biến chứng thành ho lao (hay còn gọi là bệnh lao) dẫn đến việc sức đề kháng kém đi, người bệnh yếu dần rồi tử vong.
Trong khi điều kiện y tế tại các xã vùng cao như A Túc lại còn nhiều hạn chế nên tỉ lệ người chết vì lao hàng năm rất cao. Thế nhưng với già Hinh thì bệnh suyễn chỉ là “chuyện con ruồi”, xử lý dễ như trở bàn tay.
Ông bật mí từ bao đời nay người Pa ô rất ít khi đến trạm y tế khám chữa bệnh hen suyễn, một phần do tập tục bấy lâu nay, phần chính là do đã tự chế được thuốc “đặc trị”. Hễ ai bị hen suyễn người ta đều trông cậy vào biệt tài của những lang y tốt bụng như già Hinh.
Ông tiết lộ chữa trị bệnh này chỉ cần dùng một loại củ mà dân bản vẫn hay gọi là cây riềng trắng (tiếng Pa Cô là Tara-hau-hen). “Cây riềng trắng có củ gần giống với củ nghệ nhưng màu trắng nên mọi người vẫn gọi là cây nghệ trắng. Củ nghệ trắng có mùi khó ngửi, khó ăn”, già làng Hinh cho hay.
Ông cho biết phương pháp dùng củ nghệ trắng chữa trị hết sức đơn giản: Rửa sạch củ nghệ trắng rồi thái mỏng cho người bệnh ăn. Cũng có thể cầm cả củ ăn dần từng ngày. Mỗi ngày người bệnh phải ăn đều đặn hai bữa vào sáng sớm và trưa, hoặc chiều tối. Tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà “thầy lang chân đất” Hồ Văn Hinh có thể cho người bệnh ăn củ nghệ trắng trong vòng 1 tuần - 1 tháng.
Theo lời già làng này dù người bị bệnh nặng đến mấy chỉ cần ăn củ nghệ trắng tối đã một tháng sẽ khỏi. Già làng Hinh “bật mí” thêm chi tiết củ nghệ trắng sẽ phát huy hết giá trị khi sử dụng ở dạng tươi. “Ngoài ăn tươi, người bệnh có thể giã củ nghệ trắng lấy nước nhỏ vào mũi, họng hoặc luộc chín rồi ăn nếu thấy ngán quá”, ông nói.
Biết phương pháp là vậy nhưng “thầy lang” Hồ Văn Hinh không thể lí giải tại sao củ nghệ trắng lại có tác dụng chữa trị hen suyễn. Ông chỉ biết rằng từ xa xưa ông cha mình đã áp dụng loại củ này và truyền lại cho đời con cháu.
Già làng Hồ Văn Hinh |
“Bài thuốc chữa hen suyễn này là tài sản gia truyền của gia đình già đã được lưu truyền hơn 5 đời nay. Cây nghệ trắng đặc biệt chỉ có ở vùng rừng núi chứ đồng bằng hiếm khi nhìn thấy. Từ nhỏ già đã được cha dạy lại như vậy nên bày cách cho bà con dân bản chứ không hiểu yếu tố khoa học, những cái chất có chứa trong củ nghệ trắng là gì”, ông lão bộc bạch.
Một điều già làng Hinh lưu ý người chữa bệnh bằng loại củ này là trong quá trình chữa trị, bệnh nhân hen suyễn phải tuyệt đối kiêng cữ các thức ăn có vị tanh như thịt mèo, thịt dúi, thức ăn có nhiều mỡ lợn... Ông bật mí thêm rằng theo phong tục người Pa Cô, sau khi được chữa trị khỏi bệnh, người nhà bệnh nhân phải tiến hành lễ tạ thần linh gồm một con gà, một cốc rượu và hai cái bát ngay tại gốc cây nghệ đã giúp họ “đuổi được con bệnh ra khỏi cơ thể”.
Lang y xứ núi tốt bụng
Già làng Hinh háo hức dẫn chúng tôi tham quan mấy chậu trồng cây thuốc trong vườn, gương mặt vui vẻ. “Đây là cây thuốc chữa trị chứng trương phì bụng, còn đây là cây chữa độc rắn cắn. Cây này chữa bệnh sởi ở trẻ em, cây này chữa bệnh táo bón. Tất cả cây thuốc này đều giã tươi cho bệnh nhân uống hoặc nhai nhuyễn đắp vào vết thương ...”, già làng Pa Cô vặt từng chiếc lá cây tỉ mỉ hướng dẫn.
Không nhớ rõ đã chữa trị thành công cho bao nhiêu người bệnh nhưng điều đáng quý là ông không bao giờ nhận của ai bất cứ đồng tiền nào. Hỏi tại sao không nhận tiền, ông bộc trực giải thích: “Già không cần tiền. Dân bản ai cũng nghèo khó như nhau, lấy tiền đâu ra. Mình giúp được gì cho bà con thì giúp thôi, không có tiền bạc chi hết”.
Thậm chí có nhiều trường hợp người bệnh không có tiền lên trạm y tế, bệnh viện già Hinh còn móc tiền túi giúp đỡ. Ngoài ra ông cũng thường xuyên vận động dân bản trong vùng nếu đau ốm phải đến cơ sở y tế khám và xin thuốc chứ không được chữa trị bằng các phương pháp mê tín dị đoan.
Bộc bạch chuyện nghề, lang y Hồ Văn Hinh cho hay người bản địa vùng cao thường có nhiều bài thuốc dân gian rất hiệu quả. Tuy nhiên theo tục người Pa Cô, các thầy lang tuyệt đối không được tiết lộ những cây thuốc này. Theo quan niệm truyền thống của họ, nếu thầy lang nào vi phạm sẽ không được “thần linh phò hộ” và bị “mất hết phép thiêng”.
Trở lại với câu chuyện già Hinh bật mí phương pháp chữa bệnh hen suyển cũng vậy. Ông nói lúc trước những người biết cây nghệ trắng thường dùng dao cạo sạch vỏ củ hoặc luộc chín mới cho người bệnh ăn để họ không thể nhận biết đó là loài củ gì. Thế tại sao già lại chỉ cho dân bản cây nghệ trắng chữa bệnh? Ông lão giải thích: “Già được chính quyền dạy rồi, già cũng tham gia cách mạng nên tư tưởng thoải mái rồi, biết việc cứu người là việc tốt chứ không nên giấu diếm như quan niệm của những người trước”.
Bệnh suyễn (Asthama) là bệnh về hô hấp, nghĩa là đường hô hấp bất thình lình bị thu hẹp khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như : Không khí lạnh, vận động cơ thể quá sức hay các kích thích về cảm xúc. Triệu chứng thu hẹp đường hô hấp tạo nên những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho. Giữa những lần lơn cơn suyễn thì người bệnh vẫn bình thường. Hiện nay y học thế giới đang dành sự quan tâm đặc biệt đến bệnh suyễn do mức độ phổ biến của nó. Suyễn được đánh giá là bệnh lí phức tạp ảnh hưởng đến nhiều yếu tố di truyền, phát triển và môi trường. |
Mai Long