Mẹ mất khi người em út còn ẵm ngửa, người chị gái đã chấp nhận mọi vất vả thiệt thòi, thậm chí hy sinh cả hạnh phúc riêng tư để nuôi em khôn lớn. Nào ngờ, vào những năm tháng cuối đời, bà lại phải hầu tòa vì tranh chấp tài sản với chính người em mà bà từng yêu thương còn hơn bản thân mình...
Cạn tình vì đất
Người phụ nữ bất hạnh đó là bà Văn Thị Bé Cần (74 tuổi), nguyên đơn vụ tranh chấp tài sản là nhà đất mà bị đơn là người em trai Văn Dĩ Tám (57 tuổi).
Cạn tình vì quyền sở hữu nhà đất. |
Ngôi nhà tranh chấp rộng 70m2, trước đây là nhà lá tọa lạc trên tổng diện tích sân vườn 190 m2, là tài sản được bà Cần mua từ thời trẻ. Từ khi bà Cần đi lấy chồng thì nhà đó do gia đình ông Tám ở. Cho rằng đó là nhà của mình, ông Tám làm thủ tục công nhận quyền sở hữu. Phát hiện việc này, bà Cần đã phát đơn đề nghị dừng việc cấp sổ đỏ vì đất này là tài sản riêng của bà; ông Tám và vợ con chỉ là người ở nhờ, nếu có thì họ chỉ có công trông nom cải tạo nhà và đất mà thôi. Tranh chấp xảy ra, địa phương hòa giải nhiều lần không thành, cuối cùng bà Cần đành phải đưa đơn đòi nhà ra tòa án.
Tại Tòa, bà Cần trình bày, bà là con gái lớn, cũng là con gái duy nhất của một gia đình Hoa kiều có 6 người con mà ông Tám là út. Cha bà mất khi ông Tám chưa chào đời, ít lâu sau má bà cũng mất vì chứng hậu sản, ông Tám hồi đó mới được 6 tháng tuổi. Bà là chị gái lớn trong nhà nên đảm trách nuôi em.
Bà hơn người em út tới 17 tuổi, nên có người lạ thấy bà đi đâu cũng có thằng cu con nheo nhóc bám theo thì tỏ vẻ ái ngại vì ngỡ bà trót dại có đứa con. Ông Tám quấn chị như sam, đến nỗi nhiều người bảo bà rằng nếu không tách thằng Tám ra thì sợ rằng không lấy được chồng. Biết vậy, nhưng thương em nên bà đành lỡ hẹn với mấy đám đem trầu dạm hỏi chỉ vì mấy người đó không chấp nhận cho bà đèo bòng thêm đứa em trai côi cút.
Một mình bà chắt bóp dành dụm nuôi em, cần cù khai khẩn một thẻo đất hoang, dựng ngôi nhà lá để hai chị em trú ngụ. Mãi đến năm 30 tuổi, bà mới được một người đàn ông góa vợ tới rước về. Từ ngày về làm vợ kế, ngoài trách nhiệm cưu mang nuôi nấng em út, bà Cần lại tảo tần nuôi ba đứa con chồng. Ai cũng thương hại và xót xa cho bà, đẹp người đẹp nết mà số khổ...
Tình thâm sao nỡ?
Từ ngày lấy chồng, bà Cần để lại ngôi nhà lá cho ông Tám sinh sống. Bà Cần không có con, ở vậy nuôi ba người con chồng khôn lớn, dựng vợ gả chồng rồi cho họ ra ở riêng. Ông Tám trưởng thành cũng được bà đứng ra lo cưới vợ. Gia đình ông Tám vẫn sinh sống trên thửa đất mà bà Cần có công cải tạo gây dựng, ngôi nhà tạm lợp lá dừa được ông Tám xây sửa lại khang trang đẹp đẽ hơn.
Làng lên phố, thửa đất của bà nằm trên hai mặt ngõ thoáng, diện tích gần 200m2, có giá bạc tỉ. Cho rằng bà Cần đã đi lấy chồng, nhà chồng khá giả, bản thân bà Cần lại không có con, sợ bà cho các con chồng thừa kế đất đó nên vợ chồng ông Tám bí mật đứng ra kê khai làm thủ tục cấp sổ đỏ cho toàn bộ mảnh đất mà họ đang ở.
Biết chuyện, bà Cần vô cùng tức giận và đau lòng. Bà yêu cầu ông Tám dừng ngay việc làm trái pháp luật và lỗi đạo đó lại nhưng người em trai không nghe, còn hỗn láo với chị. Cực chẳng đã, ở cái tuổi cuối đời, tưởng đắng cay đã nếm trải đủ, thì bà Cần lại phải kiện đòi nhà người em.
Giọng bà Cần nghẹn ngào: “Năm nay tui đã ngoài bảy mươi tuổi, lại chỉ có một thân một mình, đằng nào thì khi nằm xuống nhà này chẳng thuộc về ông Tám. Nhưng ông Tám đã bỏ qua tình ruột thịt, cạn nghĩa quá nên tui đành phải nhờ pháp luật. Chứ chị em ruột thịt ai muốn đưa nhau ra chốn công đường thế này thêm đau lòng; của cải còn làm ra được, còn mua đi bán lại và đổi chác được chứ tình thâm ruột thịt lỡ một lần sứt mẻ là coi như mất”.
Mấy đứa con chồng bà đều khá giả, chúng rất hiểu và thương hoàn cảnh của bà nên bảo "thôi má cho qua đi, để tụi con sắm cho má cái nhà khác to đẹp hơn, khỏi đau đầu tranh giành với con người cạn tàu ráo máng như ông Tám". Nhưng bà uất ức lắm, vì đó là ngôi nhà xây bằng mồ hôi nước mắt thời tuổi trẻ hàn vi của bà, để người ta chiếm đoạt thì sao đành lòng!
“Chế ơi, ngày xưa chế thương tui nhất, thương rứt ruột, sao giờ chế nỡ...” (Chế theo tiếng Hoa kiều nghĩa là chị gái- PV). Tại Tòa, ông Tám còn giả lả ngọt nhạt nói những lời như dao cứa vào lòng bà Cần. Bà đưa tay lau nước mắt: “Mầy thứ hỏi lương tâm mầy xem làm sao mầy nỡ...”.
Ông Tám sượng mặt, không nói được gì tiếp lời chị gái. Sau câu đó, giữa chốn công đường, hai chị em trở thành người của “hai chiến tuyến”, không nhìn mặt nhau.
Sau khi xem xét toàn diện các chứng cứ của vụ án, Tòa xác định nguồn gốc ngôi nhà là do bà Cần khai khẩn, cải tạo đất hoang, sau này được hợp thức hóa. Tuy đó là nơi chung sống của hai chị em bà Cần và ông Tám một thời gian dài nhưng không thể coi là tài sản chung của hai người.
Bởi vì, tại thời điểm khai hoang mảnh đất và xây dựng ngôi nhà lá, ông Tám khi đó mới 6 tuổi, một đứa trẻ nhỏ tuổi như thế đương nhiên sống phụ thuộc hoàn toàn vào người chị gái, không thể có công sức gây dựng khối tài sản. Vì vậy, Tòa chấp nhận đơn đòi nhà của bà Cần, tuyên gia đình ông Tám phải trả lại nhà đất cho người chị ruột.
Được Tòa tuyên thắng kiện nhưng sao nước mắt bà Cần vẫn lã chã rơi. “Chế ơi, ngày xưa chế thương tui rứt ruột...”. Dẫu biết rằng có lẽ từ nay bà sẽ chẳng bao giờ còn được nghe tiếng gọi “chế ơi” thân thương từ người em trai nữa nhưng những lời nói đó cứ như vang vang từ chính tâm can khiến lòng bà đau nhói.
Trên sân Tòa rất vắng, có một bà lão đi như chạy, vừa đi vừa đưa tay quệt vội những dòng nước mắt trên gò má hao gày...
Nguyễn Lê