[links()]3 triệu đồng là mức giá mà một bác sỹ đã yêu cầu người nhà bệnh nhân phải “cám ơn” sau khi vị này đỡ thành công một ca vượt cạn. Mức giá cám ơn này tương đối đắt đối với bất kỳ một gia đình nào trong điều kiện kinh tế hiện nay (bởi cám ơn phải là tùy tâm người bệnh) nhưng chỉ vì 3 triệu đồng mà người thầy thuốc đã bán rẻ chữ Tâm, đạp lên y đức. Thực tế này đang diễn ra tại một số bệnh viện.
|
Hình minh họa |
Cám ơn sao cho… phải đạo
Chuẩn bị cho việc sinh con, em tôi đăng ký dịch vụ sinh theo yêu cầu (chọn bác sỹ theo yêu cầu) tại một bệnh viện phụ sản của Hà Nội. Sau khi đã mẹ tròn con vuông, chồng em tôi làm phong bì để cám ơn bác sỹ. Mặc dù nghe một số bệnh nhân tư vấn nên làm phong bì 1 triệu đồng nhưng vì chọn bác sỹ đỡ đẻ cho vợ là lãnh đạo của một Khoa trong bệnh viện nên cha cháu bé đã bỏ vào phong bì 2 triệu đồng.
Vậy nhưng, khi vừa cầm phong bì từ tay người nhà bệnh nhân, bác sỹ này không một lời cám ơn cũng chẳng cần ý tứ, bóc luôn ra đếm. Đếm xong, vị “từ mẫu” này chìa phong bì về phía người nhà bệnh nhân, giọng lạnh lùng: “Quy định chung ở đây người ta “đi” 3 triệu lâu rồi em ạ!”. Sau giây lát tẽn tò vì bị chê không hiểu “luật”, em rể của tôi vội móc ví rút thêm 1 triệu nữa cho đủ số tiền mà vị bác sỹ kia yêu cầu.
Câu chuyện trên vừa diễn ra cách đây khoảng một tháng. Và một điều chắc chắn, nó không chỉ mới diễn ra một tháng trước đây mà đã xảy ra từ trước đó rất lâu và sẽ còn tiếp diễn. Bởi qua tìm hiểu, tôi còn được một đứa em họ từng sinh con tại bệnh viện này (cũng đăng ký dịch vụ sinh con theo yêu cầu) than thở về việc nó cũng bị bác sỹ chê tiền cám ơn ít và đòi phải đủ 3 triệu đồng.
Điều khiến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khó chịu hơn đó là việc sau khi đỡ đẻ (hoặc mổ đẻ) cho bệnh nhân, khi bác sỹ này về phòng đã liên tục dùng số điện thoại của mình để nháy vào máy điện thoại của bệnh nhân hoặc của chồng bệnh nhân (chỉ nháy thôi, bởi khi bệnh nhân mở máy thì bác sỹ này không nghe). Biết ý, người nhà bệnh nhân liền cầm phong bì xuống phòng để “cám ơn”. Sau khi thủ tục này hoàn tất, người nhà bệnh nhân mới dứt được “nạn” bị nháy điện thoại.
Những việc cán bộ, viên chức y tế phải làm: có đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh, trong sáng của người thầy thuốc xã hội chủ nghĩa; nghiêm túc thực hiện lời Bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu”; thực hiện khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về, dặn dò chu đáo”... Những việc cán bộ, viên chức y tế không được làm: có hành vi tiêu cực, lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình phục vụ, chăm sóc người bệnh, như: biểu hiện ban ơn, có thái độ, cử chỉ gợi ý nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình người bệnh; cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn đối với người bệnh, gia đình người bệnh... (Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế, ban hành kèm theo Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế) |
Hiện nay, bệnh viện nào cũng có quy định cấm cán bộ, nhân viên y tế nhận tiền, quá biếu của bệnh nhân trước và trong quá trình điều trị. Còn việc bệnh nhân có phong bì biếu bác sỹ sau khi đã điều trị xong thì hầu hết các bệnh viện đều để ngỏ. Có nghĩa là ở một chừng mực nào đấy, người ta hiểu rằng, việc bệnh nhân nhớ đến công ơn của người đã tận tình cứu chữa mình là việc nên làm, hợp với đạo lý và văn hóa của người Việt Nam.
Nhưng lợi dụng điều này, nhiều nơi, nhiều nhóm bác sỹ đã tự đề ra một quy định ngầm, cho phép mình được nhận những gì và người nhà bệnh nhân phải “cám ơn” bao nhiêu cho “phải đạo”. Bằng chứng là vị bác sỹ tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội đã thẳng thừng trước mặt người nhà bệnh nhân rằng: “quy định chung ở đây người ta đi 3 triệu lâu rồi”.
Vậy quy định này do ai đặt ra?. Tất nhiên không phải do ngành y tế hay bệnh viện này đề ra mà là một “luật ngầm” trái pháp luật và y đức của một bộ phận bác sỹ biến chất, bán rẻ nhân phẩm của người thầy thuốc tự đề ra và các bệnh nhân buộc phải thực hiện.
Xử không nghiêm, quy định… bằng thừa
Câu chuyện sự xuống cấp về mặt y đức của một bộ phận thầy thuốc đã được đào xới không ít lần. Trong nhiều kỳ hợp Quốc hội, nhiều đại biểu từng bức xúc lên tiếng, bởi vậy nó không phải là chuyện mới mẻ, xa lạ với dư luận.
Ngành y tế cũng đã không ít lần ra “cáo trạng” tuyên chiến với tệ nạn này, nhưng mọi chuyện dường như không có biến chuyển mà ngược lại càng biến tướng với nhiều cách thức “moi” tiền bệnh nhân một cách công khai và vô văn hóa hơn.
Ngay từ năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế. Một trong những việc cán bộ, viên chức y tế không được làm đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đó là có hành vi tiêu cực, lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình phục vụ, chăm sóc người bệnh, như: biểu hiện ban ơn, có thái độ, cử chỉ gợi ý nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình người bệnh. Vậy nhưng, hiện nay trong nhiều trường hợp, bác sỹ sau khi đã hoàn tất (hoặc hoàn tất một phần) việc chữa trị cho bệnh nhân đã nói thẳng với người nhà bệnh nhân về số tiền mình đáng được “cám ơn” chứ không cần úp mở hay “gợi ý” gì nữa.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Y tế đề ra các Quy tắc ứng xử cho các cán bộ, nhân viên của ngành mình nhưng không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giám sát xem các đơn vị cấp dưới thực hiện ra sao, không xử lý nghiêm những vị lương y khoác áo từ mẫu có hành vi đi ngược lại lời thề Hyppocrates nên cũng giống như hiện tượng đánh trống bỏ dùi.
Tất nhiên, trong số những người vận chiếc Blu trắng, không hiếm người cả đời chưa từng nhận một chiếc phong bì của bất kỳ bệnh nhân nào. Một giám đốc của một bệnh viện lớn tại Hà Nội đã tự hào với tôi như vậy, tuy nhiên ông cũng đã thừa nhận: “Chuyện phong bì trong ngành y, nói ra thật xấu hổ và nhục nhã. Đó chẳng qua chỉ là con sâu làm rầu nồi canh”.
Nói như vậy, vị giám đốc này đã biết được hiện tượng phong bì đã làm xói mòn lòng tin của người bệnh với người thầy thuốc như thế nào và đây là một thực tế vẫn đang diễn ra.
Vấn đề là làm làm sao để gạt bỏ những “hạt sạn” hay “con sâu” kia ra khỏi đội ngũ của những lương y chân chính mới là câu chuyện mà dư luận quan tâm. Bởi những quy định về y đức của người thầy thuốc thì có thừa, cái thiếu ở đây là cơ chế giám sát và việc áp dụng chế tài xử phạt.
Đức Duy