Ngày 29/11, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh và các ngành trình tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XI. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh; các thành viên Ban Pháp chế và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Thảo luận về các nội dung trên, các đại biểu tham dự hội nghị cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết và tham gia thảo luận sâu về một số vấn đề trọng tâm. Về công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, các đại biểu cơ bản đồng tình với đánh giá trong năm qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, số phạm pháp hình sự giảm, tuy nhiên tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong công tác xét xử, chất lượng giải quyết tranh chấp dân sự tại một số Tòa án cấp huyện chưa cao, một số trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đúng quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng khiếu kiện của công dân. Về tình hình trật tự an toàn giao thông, số người chết do tai nạn giao thông chưa được kiềm chế do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu, số phương tiện giao thông tăng nhanh, hạ tầng cơ sở kém. Việc phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực thực hiện chậm; trách nhiệm thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức chưa cao đã làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả cải cách hành chính. Về đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, tổng kinh phí để thực hiện để thực hiện toàn diện Đề án mỗi năm là hơn 98 tỷ đồng; trường hợp chỉ đảm bảo nhu cầu cho một số nhiệm vụ chi thiết yếu của Đề án cũng cần một khoản kinh phí ước tính đến hơn 65 tỷ đồng; đây là một khoản kinh phí lớn đối với địa phương. Do đó, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần xác định nội dung ưu tiên để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của tỉnh. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ những số liệu tại một số báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và tờ trình của UBND tỉnh như: số lượng biên chế công chức trong tờ trình, lộ trình chuyển đổi và việc phân bổ biên chế cho 58 trường mầm non thực hiện chuyển đổi sang công lập trong năm 2011; khả năng đáp ứng kinh phí để thực hiện đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và thực hiện nghị quyết về quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở cấp thôn, tổ dân phố; số kinh phí này đã được cân đối hay chưa và có nằm trong kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2011 hay không. Về báo cáo phòng chống tham nhũng, các đại biểu cũng đề nghị cần có những giải pháp cụ thể để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng.
Tại hội nghị thẩm tra, Ban Pháp chế cũng đưa ra một số kiến nghị đối với UBND tỉnh và các ngành: Cần quan tâm nghiên cứu, rà soát, đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp trên các lĩnh vực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ và thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quan tâm đến công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh trên địa bàn; ban hành quy định phân luồng phương tiện giao thông trên tuyến đường tránh và các trục đường nội thị của thành phố Thái Nguyên. Kiểm tra, rà soát lại hoạt động của các Trung tâm giáo dục, chữa bệnh, lao động xã hội trong tỉnh để báo cáo HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh biên chế cho các Trung tâm này. Đề nghị UBND tỉnh căn cứ khả năng ngân sách hàng năm và hỗ trợ của Trung ương để xây dựng định mức phân bổ kinh phí thực hiện đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Đề nghị Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đánh giá lại kết quả giải quyết các kháng nghị của viện kiểm sát cho phù hợp; nghiên cứu đúng quy định pháp luật và thực hiện đúng quy trình việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Hoài Anh