[links()]Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi cho Dự Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, bổ sung, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Vậy, thu nhập bao nhiêu tiền thì phải đóng thuế TNCN, cách tính thuế thế nào, có đảm bảo công bằng hay không... Bà Nguyễn Thị Cúc -nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam- chia sẻ :
-Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế TNCN sửa đổi lần này tập trung vào 4 nội dung chính: Thứ nhất, sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng và cho cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng.
Thứ hai, sửa đổi biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương tiền công, từ kinh doanh của cá nhân cư trú. Cụ thể, biểu thuế hiện hành có 7 bậc với thuế suất từ 5% đến 35%, biểu thuế sửa đổi bỏ bậc thuế suất bậc 7 là 35%, như vậy biểu thuế mới sẽ giữ nguyên 6 bậc, với thuế suất cao nhất là 30% cho TN trên 52 triệu/đồng/tháng.
Về phạm vi, đối tượng chịu thuế, sửa đổi một số khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công, bổ sung xác định thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản cho phù hợp thực tiễn. Cuối cùng, sửa đổi một số quy định về quản lý thuế, quyết toán thuế.
- Trước đây, xung quanh mức đóng thuế, có người đã ví von rằng, „ăn cơm với rau muống cà pháo thì đóng thuế kiểu gì?”. Trong Dự thảo Luật thuế TNCN sửa đổi lần này, mức giảm trừ gia cảnh được quan tâm như thế nào, thưa bà?
Rất nhiều người hỏi tôi, giảm trừ gia cảnh (GTGC) là gì và con số nào là vừa, hợp lý với tất cả mọi người, với cả ngân sách nhà nước? Giảm trừ gia cảnh không phải là mức quy định cho người nộp thuế và người phụ thuộc đủ tiêu dùng, đủ sống... mà là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú để tính đến hoàn cảnh cụ thể khác nhau của người nộp thuế.
Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần: với người nộp thuế và người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng.
Tôi xin nói rõ, người nộp thuế, người phụ thuộc không phải chỉ tiêu dùng trong giới hạn của mức GTGC, mà sau khi GTGC, giảm trừ khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc, đóng góp từ thiện (nếu có) thì thu nhập còn lại mới nộp thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần từ 5%-35% (theo hiện hành) và 5%-30% (theo dự thảo). Phần thu nhập đó nếu nộp thuế 5%, thì 95% còn lại với GTGC là tổng thu nhập của người nộp thuế. Theo Luật hiện hành, GTGC gồm 4 triệu đồng cho bản thân và 1,6 triệu đồng/người phụ thuộc - được căn cứ vào chính sách tiền lương, GDP trên đầu người hàng năm và mức chi tiêu của đại bộ phận dân chúng.
Ví dụ, một người thu nhập 15 triệu đồng/tháng (đã trừ BHYT, BHXH), kèm 2 người phụ thuộc thì tổng GTGC sẽ là 7,2 triệu đồng (theo Luật hiện hành). Thu nhập tính thuế sẽ là 6,8 triệu đồng; cụ thể, 5 triệu đồngx5% = 250 nghìn, 1,8 triệu đồng x10% = 180 nghìn đồng; tổng tiền thuế phải nộp 430.000 đồng/tháng. Vậy, thu nhập sau thuế là 14.570.000 đồng chứ không phải họ chỉ được chi tiêu trong 7,2 triệu đồng GTGC như một số người hiểu nhầm.
Nếu theo Dự Luật sửa đổi, thì người này sẽ được GTGC tới 10,8 triệu (6 triệu cho bản thân, 4,8 triệu cho hai người phụ thuộc); thu nhập tính thuế chỉ còn 4.200.000 đồng thuế chỉ nộp ở bậc 1 là 4,2 triệux5% = 210 nghìn đồng; thu nhập thực tế của cá nhân này sẽ là 14.790.000 đồng.
- Bộ Tài chính đề xuất lên mức 6 triệu cho bản thân và 2,4 triệu đồng/người phụ thuộc nhưng nhiều người “chẳng bằng lòng”. Có ý kiến cho rằng, nên nâng GTGC lên 9 triệu đồng cho bản thân và 3,6 triệu đồng cho người phụ thuộc. Bà đồng ý hay phản đối đề xuất này? Theo bà, mức GTGC bao nhiêu là vừa?
Việc Bộ Tài chính xây dựng Đề án sửa đổi Luật thuế TNCN là phù hợp với Chiến lược Cải cách và Hiện đại hóa hệ thống thuế. Do đó, giảm điều tiết về thuế TNCN có thể thực hiện theo nhiều cách thức khác nhau. Cụ thể điều chỉnh biểu thuế bao gồm điều chỉnh thuế suất và mức bằng tiền trong từng bậc; điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh và kết hợp mức giảm trừ với điều chỉnh biểu thuế.
Trong Dự thảo này Bộ Tài chính chọn phương thức hỗn hợp, kết hợp nâng mức giảm GTGC với giảm thuế suất cao nhất. Theo đó, nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng và cho cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng.
Theo tôi, chỉ bỏ thuế suất cao, mà vẫn giữ nguyên biểu thuế hiện hành và khoảng cách giữa các bậc (mức bằng tiền) là chưa thực sự đảm bảo tính công bằng, bình đẳng. Bởi lẽ, theo số liệu 72,61 % tiền thuế TNCN từ tiền lương tiền công tập trung ở bậc 2 đến bậc 6. Trong khi người nộp thuế bậc 7 được hưởng lợi kép từ việc nâng mức GTGC và bỏ thuế suất cao 35% thì số đông người đóng góp tiền thuế cho NSNN chỉ được hưởng lợi từ việc nâng mức GTGC.
Việc có mức điều tiết thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao vào Việt Nam làm việc, đồng thời tạo rủi ro trong trốn tránh thuế. Áp dụng mức điều tiết phù hợp sẽ góp phần tăng ý thức tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế tốt hơn...
Chúng ta cũng không nên nâng mức GTCG lên mức 9 triệu và 3,6 triệu vì như thế vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa mất đi ý nghĩa của luật TNCN. Bởi lẽ, việc điều chỉnh nâng mức bằng tiền phải vừa đảm bảo bình đẳng giữa các cá nhân có thu nhập chịu thuế vừa không làm xáo trộn nguồn thu NSNN quá nhiều. Khi mức điều tiết giảm sẽ có yếu tố giảm thu thực tế nhưng cũng sẽ có yếu tố tăng thu do mức điều tiết hợp lý, quản lý thuế minh bạch sẽ khuyến khích nhân dân tự nguyện nộp thuế, tăng thu thêm cho NSNN.
- Thay vì nâng mức GTGC lên 9 triệu cho bản thân và 3,6 triệu cho người phụ thuộc, bà đề xuất giãn các bậc thuế bằng tiền giữa các bậc thu nhập chịu thuế - rất có lợi cho người nộp thuế. Xin bà giải thích rõ?
- Theo biểu thuế hiện hành đến 5 triệu đồng thuế suất sẽ là 5% (bậc 1); trên 5-10 triệu đồng thuế suất 10% (bậc 2); trên 10-18 triệu đồng thuế suất 15% (bậc 3); trên 18-32 triệu đồng thuế suất 20% (bậc 4); trên 32-52 triệu đồng thuế suất 25% (bậc 5) và trên 52-80 triệu đồng thuế suất 30% (bậc 6), trên 80 triệu thuế suất 35% (bậc 7). Đơn cử, người có thu nhập tính thuế là 20 triệu đồng thì được tính thuế như: 5 triệu đồngx5% =250 nghìn đồng; 5 triệu đồngx10% = 500 nghìn đồng; 8 triệu đồngx15% = 1,2 triệu đồng; 2 triệu đồngx20% = 400 nghìn đồng; tổng mức thuế phải đóng là 2.350.000 đồng.
Nếu điều chỉnh mức bằng tiền giữa các bậc thuế trong biểu thuế thì người nộp thuế sẽ được lợi. Cụ thể, tôi kiến nghị như sau, biểu thuế: đến 5 triệu đồng thuế suất là 5% (bậc 1); trên 5-13 triệu đồng thuế suất 10% (bậc 2); trên 13-23 triệu đồng thuế suất 15% (bậc 3); trên 23-41 triệu đồng thuế suất 20% (bậc 4); trên 41-67 triệu đồng thuế suất 25% (bậc 5) và trên 67 triệu đồng thuế suất 30% (bậc 6).
Vẫn là người có thu nhập tính thuế là 20 triệu đồng, giờ sẽ được tính như sau: 5 triệu đồngx5% = 250 nghìn, 8 triệu đồng x10% = 800 nghìn đồng, 7 triệu đồngx15% = 1.050.000 đồng; tổng số tiền thuế người này phải nộp sẽ là 2.100.000 đồng.
Thiết nghĩ, thuế là nghĩa vụ của mọi công dân, mỗi người đóng góp một ít sẽ góp phần để chung tay xây dựng đất nước. Mặc dù, Ngân sách Nhà nước đang gặp khó, việc Quốc hội quyết định miễn thuế TNCN cho người có thu nhập tính thuế ở bậc 1, sẽ làm giảm thu ngân sách gần 2.000 tỷ đồng; song nhờ đó, cá nhân có tiền để tiêu dùng, mua sắm nhằm kích cầu, giảm khó khăn cho nhà sản xuất.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Mai Hoa (thực hiện)