Sau sự mãn nguyện vì được mùa, làng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn không giấu nổi sự băn khoăn về Đề án bảo tồn, phát triển đào Nhật Tân tại quận Long Biên mà UBND TP.Hà Nội vừa phê duyệt.
Ảnh: Nông dân làng đào Nhật Tân lo lắng “đặc sản” của họ bị “nhái” thương hiệu. |
Đã được bảo hộ, sao vẫn vi phạm ?
Theo dự án nói trên của UBND TP.Hà Nội, hoa đào Nhật Tân sẽ được trồng tại đất bãi bên kia sông Hồng, trước mắt là 53 ha, đến năm 2020 sẽ mở rộng lên 100 ha. Ngoài ra, tại đây còn xây dựng một nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm hoa đào Nhật Tân.
Sau khi có thông tin về việc khởi động dự án, hầu hết những người dân trồng đào ở làng hoa Nhật Tân đều không đồng tình vì sự bất hợp lý của nó.
Bà Đỗ Thị Mai Lan, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nhật Tân bộc bạch với phóng viên: “Chúng tôi biết dự án này qua báo chí. Nghe rằng, bên Long Biên sẽ trồng đào Nhật Tân, giống của chúng tôi và lấy hẳn tên là “đào Nhật Tân” của Tây Hồ để kinh doanh, giới thiệu. Hay tin này, xã viên ai nấy đều lo lắng. Tại sao lại lấy thương hiệu của chúng tôi đã được nhà nước chứng nhận từ năm 2008 để làm tên sản phẩm của họ? Nếu trồng thì cứ lấy tên đào Long Biên đi. Nhập nhằng như thế chẳng khác nào thương hiệu đào Nhật Tân bị đánh cắp?”.
Như để chứng minh cho sự vô lý đó, Chủ nhiệm Lan cung cấp PLVN Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền Hoa đào Nhật Tân do Cục Sở hữu trí tuệ cấp năm 2008 cho HTX của mình.
Bà Lan cũng khẳng định, đây là “bảo bối” để nói rằng pháp luật đã bảo vệ việc sở hữu nhãn hiệu đối với thương hiệu đào Nhật Tân, và bất kỳ một hành vi sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp Nhật Tân, trong đó có phần chữ “Nhật Tân” cho sản phẩm tương tự đều bị coi là hành xâm phạm quyền, vi phạm pháp luật.
Bà Đỗ Thị Mai Lan. |
Do ý thức được hoa đào Nhật Tân là một “đặc sản” của Nhật Tân của Hà Nội nên từ năm 2008, HTX Nhật Tân đã họp các xã viên làm thủ tục trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền Hoa đào Nhật Tân.
Chính vì thế, khi nghe tin sắp bị mất thương hiệu độc quyền, các xã viên hết sức bất bình. Thay lời các xã viên trồng đào lâu năm, bà Nguyễn Thị Liên (Cụm 4, Nhật Tân), nói: “Quận Long Biên không thể lấy tên đào Nhật Tân vì đã được giấy chứng nhận tên địa danh. Bảo tồn hoa đào Nhật Tân tại quận Long Biên, tôi thấy không hợp lý. Chúng tôi đã gắn bó với tên gọi này từ bao đời nay rồi vì vậy đề nghị thành phố cần xem xét lại.”.
Cũng theo bà Lan, cách đây vài năm, có cán bộ Phòng Kinh tế quận Long Biên về HTX Nhật Tân đề nghị phái một vài xã viên sang Long Biên giúp đỡ kỹ thuật trồng đào, bà đã động viên xã viên có tay nghề đi giúp nhưng mọi người đều từ chối với lý lẽ: “Chúng tôi không bán chất xám, chỉ trồng đào Nhật Tân trên đất Nhật Tân! Khi nào đất hết chúng tôi mới tính đến chuyện truyền bí quyết!”
Bảo tồn cần tính yếu tố truyền thống
Trước đó - vào năm 2004, do nhu cầu lấy đất phát triển của thành phố, người Nhật Tân đã phải chuyển đào ra ngoài bãi sông. Mất đất nhưng quyết không mất nghề, các hộ dân đã bè móng, tôn đất cao lên tránh ngập úng để vẫn giữ cho cây đào có lộc, có hoa, có sắc tươi đẹp như đất đồng ngày trước.
Ước chừng đào hiện còn rải rác trong các hộ dân khoảng 1 ha, tập trung chủ yếu ở cụm 3 Nhật Tân. Đất đào ngoài bãi đã khai thác khoảng 46 ha nhưng nếu “hết công suất” có thể có đến 100ha, là đất đất bãi thấp chưa ai dám trồng đào vì sợ ngập úng.
Theo nguyện vọng của các xã viên nơi đây, UBND thành phố nên đầu tư vào cánh đồng đào hiện có để tăng diện tích trồng.
Giấy Chứng nhận do Cục Bản quyền cấp |
“Việc đầu tư không tốn kém vì chúng tôi cơ bản đã có đường điện, đường bê tông đi lại, lại có sẵn kỹ thuật trồng trọt. Chỉ cần có được một nửa kinh phí của dự án hiện tại thì cánh đồng đào của chúng tôi đẹp lắm rồi, không chỉ sẽ “hợp chuẩn” với dự án mà còn là điểm du lịch của thủ đô và hơn hết là phát huy được truyền thống của một làng nghề. Nghe nói Dự án bảo tồn đào chuyền về Long Biên, chúng tôi bất ngờ quá.” - ông Nguyễn Trọng Mẫn, một người trồng đào lâu năm ở cụm 3 Nhật Tân, nói.
Trước những phản ứng của người dân về dự án nói trên của thành phố, ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Long Biên phân trần: “Chúng tôi không phải là lấy thương hiệu, mà năm 2010, thấy cùng là đất bãi mà “bên kia” trồng được, tại sao mình không làm nên đã đi tìm hiểu cách thức đồng thời mời sở Nông nghiệp về khảo sát và họ đã khẳng định vùng bên này trồng được, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, nên được xây dựng đề án. Chúng tôi nghĩ phải làm tốt dự án để chứng tỏ quy hoạch là chính xác”.
Theo Nghệ nhân trồng đào Nguyễn Văn Sửu, thì ông đã thử nghiệm trồng cây hoa đào ở một số nơi, nhưng chỉ có chất đất ở Nhật Tân mới cho bông đào bích cánh to, hoa dày, sắc thắm, nở xoè to và lâu tàn như thế.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa thì khẳng định, muốn bảo tồn đào Nhật Tân trước hết là phải bảo tồn gien. Nếu chỉ chuyển đào sang trồng ở đất bãi Long Biên, sẽ rất bất cập vì không may gặp nước lớn, bao nhiêu công sức của người trồng đào sẽ vô ích. Bởi vậy, dự án nói bảo tồn hoa đào Nhật Tân xem ra chưa thuyết phục được dư luận…
Rõ ràng, việc giữ gìn, bảo tồn là cần thiết nhưng luôn phải tính yếu tố truyền thống, không thể bảo tồn đào Nhật Tân tại nơi không phải là xuất xứ của nó. Nếu làm vậy, không chỉ người Nhật Tân phật ý mà sẽ có biết bao người yêu bích đào, đào phai của Nhật Tân cũng buồn lòng vì đào Nhật Tân loạn thật-giả./.
“Dù văn hoá là luôn biến đổi, là tiếp thu cái mới nhưng có những cái thuộc về truyền thống cần phải giữ. Đặc biệt như làng đào Nhật Tân là thứ truyền thống mà nếu để mất một lần sẽ rất khó khôi phục lại. Hơn nữa, nếu mất đi làng đào Nhật Tân cũng kéo theo nhiều giá trị văn hoá phi vật chất mất theo. Sản phẩm của những nông dân làng đào không phải như củ khoai, hạt lúa... mà nó là sản phẩm văn hoá. Mà sản phẩm văn hoá này lại điển hình cho Thủ đô Hà Nội” - cố Nhà văn Băng Sơn.
Thanh Quý - Tuấn Anh