Sau khi Nghị án, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định: “Bác yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn Viết đòi Công ty Cà phê Krông Ana phải trả lại 27.527kg cà phê quả tươi và 12,9 triệu đồng... Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty cà phê Krông Ana, buộc ông Phạm Văn Viết phải trả cho Công ty Cà phê Krông Ana 876 kg cà phê quả tươi còn nợ theo Hợp đồng khoán vườn”.
Đây là một trong những nội dung của bản án Phúc thẩm dân sự trong vụ án “Tranh chấp Hợp đồng thuê khoán tài sản” tại Đắk Lắk.
Từ nhận thức pháp luật sai của nguyên đơn
Được sự đồng ý của UBND tỉnh Đắk Lắk (theo Quyết định số 2900/QĐ-UB ngày 5-12-1998), Công ty Cà phê Krông Ana có chủ trương ký Hợp đồng với các hộ dân về việc “Liên kết giao khoán chăm sóc vườn cây cà phê...” trồng từ năm 1988, nằm trên tổng diện tích 2.081,32 ha của công ty này.
Nội dung của hợp đồng là giao khoán cho các hộ dân tự quản lý, chăm sóc vườn cây cà phê, chủ động đầu tư phân bón... để có sản lượng cao; đồng thời nộp sản phẩm cà phê quả tươi cho công ty theo tỷ lệ nhận khoán mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Trụ sở Công ty Cà phê Krông Ana |
Thực hiện kế hoạch nhận khoán này, năm 1993 công ty đã ký Hợp đồng liên kết và giao khoán cho 54 hộ dân nhận chăm sóc cây cà phê. Trong đó, ngày 19/5/1993, hộ ông Phạm Văn Viết đã ký Hợp đồng nhận khoán 1,2 ha đất đã trồng cây cà phê từ năm 1988 tại Đội 6, khu vực 2 của Công ty Cà phê Krông Ana với thời hạn là 5 năm (1993-1997).
Theo thỏa thuận, ông Phạm Văn Viết phải nộp sản lượng cho công ty theo mức khoán 1,2 ha trong 5 năm là 2.243,47 kg cà phê nhân. Hết hạn hợp đồng, hai bên tiếp tục ký phụ kiện hợp đồng. Căn cứ vào phụ kiện hợp đồng tiếp theo, từ năm 1997 đến năm 2006, ông Phạm Văn Viết đã nộp cho Công ty Cà phê Krông Ana tổng cộng 27.527 kg cà phê quả tươi và 12,9 triệu đồng tiền đền bù Nhà máy thủy điện Buôn Kốp.
Thế nhưng, từ năm 2007 đến nay ông Phạm Văn Viết không những không giao nộp sản phẩm cho Công ty Cà phê Krông Ana và cho rằng: “Hợp đồng liên kết nhận khoán ngày 19/5/1993 trước đây là Hợp đồng mua vườn cây cà phê theo phương thức trả chậm trong 5 năm, nên sau khi hợp đồng hết hạn coi như vườn cây cà phê nói trên sẽ thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Văn Viết...”.
Xuất phát từ những nhận thức không đúng này, nên kể từ năm 2007, ông Phạm Văn Viết không giao nộp sản phẩm, đồng thời viết đơn khởi kiện đến TAND huyện Krông Ana đòi Công ty Cà phê Krông Ana phải trả lại cho ông Viết 27.527 kg cà phê quả tươi và 12,9 triệu đồng tiền đền bù Nhà máy thủy điện Buôn Kốp, do Công ty Cà phê Krông Ana thu trái pháp luật từ năm 1997 đến 2006.
Đến phản tố của phía bị đơn
Trên thực tế, nội dung của hợp đồng giữa hai bên là liên kết nhận khoán chăm sóc 1,2 ha cây cà phê có thời hạn 5 năm với Công ty Cà phê Krông Ana, chứ không phải Hợp đồng bán 1,2 ha đất trồng cà phê theo phương thức trả chậm như ông Phạm Văn Viết nhận định.
Do đó, ông Viết chỉ được quyền quản lý chăm sóc, đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu... nhằm làm tăng sản lượng cà phê quả tươi, đồng thời có nghĩa vụ nộp sản phẩm theo định mức khoán hàng năm mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Còn diện tích 1,2 ha đất trồng cây cà phê vẫn thuộc quyền sử dụng của Công ty Cà phê Krông Ana.
Mặt khác, trong quá trình tham gia tố tụng của vụ án, Công ty Cà phê Krông Ana đã gửi đơn đến TAND huyện Krông Ana phản tố toàn bộ nội dung khởi kiện của ông Phạm Văn Viết; kèm theo đơn phản tố là tài liệu chứng minh năm 2007 đến 2008, ông Phạm Văn Viết còn nợ Công ty Cà phê Krông Ana 876 kg cà phê quả tươi. Điều này cũng đã được ông Phạm Văn Viết thừa nhận trong Biên bản đối chiếu công nợ ngày 16/11/2009 được hai bên ký cam kết.
Chính vì vậy, tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/DSST ngày 7/5/2010, TAND huyện Krông Ana đã quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn Viết đòi Công ty Cà phê Krông Ana phải trả 27.527 kg cà phê quả tươi và 12,9 triệu đồng. Đồng thời, án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Cà phê Krông Ana, buộc ông Phạm Văn Viết phải trả cho Công ty Cà phê Krông Ana số lượng nợ khoán vườn cây còn lại năm 2007-2008 là 876 kg cà phê quả tươi.
Không đồng ý với án sơ thẩm, ông Phạm Văn Viết làm đơn kháng cáo. Tại bản án Phúc thẩm dân sự số 134/2010/PTDS ngày 7/9/2010, HĐXX TAND tỉnh Đắk Lắk đã y án sơ thẩm. Đây là một bản án không chỉ thấu tình đạt lý, mà còn có tác dụng rất tốt đến công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm giúp công dân nhận thức đúng đắn về quyền sử dụng tài sản trong các giao dịch dân sự.
Hoài Phong