Sau hơn 1 năm tích cực điều tra, xác minh tại 6 ngân hàng, 223 doanh nghiệp cùng hàng chục cơ quan, đơn vị trong cả nước, ngày 10-9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố) kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Ngô Bá Phiếu cầm đầu. Bằng những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, mặc dù số vốn của doanh nghiệp chỉ đủ… duy trì tài khoản tại các ngân hàng, nhưng Ngô Bá Phiếu cùng đồng bọn đã lừa phỉnh để 223 doanh nghiệp trên toàn quốc lầm tưởng y có khả năng vay vốn đầu tư tới… 1.100 tỷ đồng, 200 triệu ơ-rô và 54,6495 tỷ USD. Hậu quả, 26 doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố mất trắng vào tay “đại bịp” này hàng chục tỷ đồng.
Chân dung “siêu lừa” Ngô Bá Phiếu
Ngô Bá Phiếu sinh năm 1939, trú quán số 2/15/51, phố Dư Hàng, phường Dư Hàng (quận Lê Chân). Từng có 3 tiền án về các tội trốn đi nước ngoài, đưa hối hộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN với tổng hình phạt 28 năm tù giam, năm 2000, Ngô Bá Phiếu được đặc xá tha tù về địa phương.
Ra tù chưa được 1 năm, tháng 1-2001, Ngô Bá Phiếu thành lập và làm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên XNK Thiên Phú An. Trụ sở công ty thuê tại số 355, đường Văn Cao, phường Đằng Lâm (quận Hải An). Chẳng có tỷ nào, nhưng Phiếu khai báo vốn điều lệ là 50 tỷ đồng và được phép kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động vay vốn tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Ngô Bá Phiếu tự lập ra các công ty thành viên gồm: Công ty TNHH một thành viên XNK Thiên Phú An Hải Yến (Hải Phòng); Công ty TNHH một thành viên XNK Thiên Phú An Thăng Long (Hà Nội); Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên XNK Thiên Phú An tại thành phố Hồ Chí Minh. Với 3 công ty thành viên này, Ngô Bá Phiếu có thể thiết lập mối quan hệ thường xuyên với tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên toàn quốc.
Những người biết Ngô Bá Phiếu thời gian trước đây đều có chung nhận định: đây là một doanh nhân rất thành đạt, mỗi lần đi đâu “doanh nhân” Ngô Bá Phiếu đều “ngự” trên những chiếc ô tô sang trọng, mỗi lời ăn, tiếng nói đều là “quyết định tiền tỷ”.
Những chiêu lừa đảo siêu hạng
Qua nhiều con đường khác nhau, Ngô Bá Phiếu ký kết những hợp đồng khổng lồ với các tập đoàn tài chính, doanh nghiệp nước ngoài. Những hợp đồng điển hình như: Hợp đồng hợp tác đầu tư với ông Bạch Minh Sơn, nội dung sẽ đầu tư 15,9695 tỷ USD cho Thiên Phú An; Hợp đồng hợp tác liên doanh với Nguyễn Đức Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn - dịch vụ tài chính quốc tế WELLSTAR (CHLB Đức) với nội dung sẽ cho Công ty Thiên Phú An vay từ 20 đến 200 triệu ơ-rô để triển khai dự án xử lý rác và từ 100 đến 500 triệu USD để triển khai một dự án xây dựng bệnh viện quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Phiếu còn có hàng chục hợp đồng khác giữa các “đối tác” và công ty Thiên Phú An, các hợp đồng này đều mang những con số đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu USD. Tổng số tiền Ngô Bá Phiếu tạo ra để giới thiệu với các doanh nghiệp là 1.100 tỷ đồng; 200 triệu ơ-rô và 54,6495 tỷ USD.
Sau khi xác minh về các quan hệ và khả năng tài chính của Ngô Bá Phiếu và các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính trên, Cơ quan CSĐT (Công an thành phố) kết luận: Việc ký các hợp đồng tài chính trên chỉ là hình thức, không có khả năng tài chính, có tập đoàn không tồn tại như Tập đoàn tư vấn-dịch vụ tài chính quốc tế WELLSTAR (CHLB Đức), Công ty STAR GROUP HONG KONG…Nhiều cá nhân đứng tên để ký hợp đồng với Ngô Bá Phiếu hiện không rõ ở đâu. Riêng với Bạch Minh Sơn thực chất không có khả năng tài chính đầu tư cho Ngô Bá Phiếu.
Để tạo lòng tin với các doanh nghiệp hòng chiếm đoạt tài sản, Ngô Bá Phiếu luôn thủ sẵn trong cặp thư bảo lãnh của Ngân hàng CP thương mại quốc tế chi nhánh Hà Nội. Theo thư bảo lãnh này, tại tài khoản Thiên Phú An có số vốn 100 tỷ đồng. Thực chất, văn bản đã hết hiệu lực từ 27-8-2008, nhưng Ngô Bá Phiếu vẫn sử dụng như một thứ bùa hộ mệnh để che đậy khả năng tài chính rỗng tuếch của mình.
Để tạo lòng tin đối với doanh nghiệp, Phiếu tìm cách đăng quảng cáo, khuếch trương công ty của mình trên một số tờ báo và tạp chí như: báo Thanh tra, báo Pháp luật Việt Nam, tạp chí Kinh tế và dự báo, tạp chí Dạy và học ngày nay, tạp chí Thương mại, báo Bảo vệ pháp luật... Y còn mưu mẹo cho các doanh nghiệp xem cả thư gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ảnh chụp chung với ông Bạch Minh Sơn, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc BASOWNN.HK GROUP LIMITED-
Với những thủ đoạn tinh vi trên, Ngô Bá Phiếu lừa phỉnh nhiều doanh nghiệp về khả năng tài chính dồi dào của mình. Các doanh nghiệp đang cần vốn đầu tư nườm nượp tìm đến Ngô Bá Phiếu để nhờ cậy, ký hợp đồng. Từ khi thành lập công ty đến ngày 22-9-2009, Ngô Bá Phiếu ký hợp đồng với 223 doanh nghiệp trong cả nước với nội dung đầu tư vốn cho dự án các doanh nghiệp này 343,353 tỷ đồng; 100 triệu ơ-rô và 30,85 tỷ USD. (Thực tế chưa có doanh nghiệp nào nhận được tiền đầu tư của Ngô Bá Phiếu). Trong quá trình khám xét các nơi ở, làm việc của Ngô Bá Phiếu, cơ quan CSĐT (Công an thành phố) thu giữ một lượng hồ sơ, giấy tờ khổng lồ, phải chở bằng... 1 chiếc xe tải loại nhỏ.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, tùy từng doanh nghiệp, Ngô Bá Phiếu giới thiệu về khả năng nguồn tài chính và quan hệ nêu trên. Về thủ tục, Phiếu ký hợp đồng đầu tư hoặc cho vay tài chính, kiểm tra dự án sau đó ký phụ lục hợp đồng với nội dung: doanh nghiệp cần đầu tư vốn (hoặc vay vốn) phải chi trước cho Ngô Bá Phiếu số tiền theo tỷ lệ % của hợp đồng chính thức để Phiếu làm phí bảo lãnh (còn gọi là vốn đối ứng). Tuy chưa có doanh nghiệp nào nhận được vốn đầu tư của Ngô Bá Phiếu, nhưng hắn đã nhận tiền vốn đối ứng của 26 doanh nghiệp với số tiền 15,655 tỷ đồng, trong đó hắn và đồng bọn chiếm đoạt của 25 doanh nghiệp số tiền 9,696 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nộp tiền vốn đối ứng cho Ngô Bá Phiếu có nguy cơ mất trắng vì toàn bộ số tiền đó, Ngô Bá Phiếu đã tiêu hết, không có khả năng trả nợ.
Vụ án "siêu lừa" Ngô Bá Phiếu cảnh báo các doanh nghiệp cần thận trọng khi ký kết các hợp đồng đầu tư tài chính với các đối tác. Vụ án Ngô Bá Phiếu cùng “hội chứng” hàng trăm doanh nghiệp “ma” trong thời gian qua đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra công tác quản lý và hoạt động tài chính của các doanh nghiệp.
Việt Hòa