TAND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) mới tuyên án sơ thẩm vụ “Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa bà Phạm Thị Mỹ Hoa và ông Trần Bình Trọng”. Phần xử chia tài sản chung trong vụ án này khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Hình minh họa |
Trước khi chung sống như vợ chồng với ông Trọng, bà Hoa đã kết hôn với ông Đặng Văn Thủ và có với nhau một người con ở Quảng Ngãi. Theo trình bày của bà Hoa, do thời gian sống chung với ông Thủ, hai người “không hợp nhau” nên năm 1995 bà và ông Thủ quyết định tự viết giấy ly hôn rồi “đường ai nấy đi”, mà không ra Tòa.
Sau đó, bà Hoa đem con vào xã Ninh Gia, Đức Trọng làm ăn, đến năm 1997 thì sống như vợ chồng với ông Trọng, một người chưa vợ, nhưng không đăng ký kết hôn, không tổ chức lễ cưới.
“Đường ai nấy đi” vì không hợp nhau
Trong quá trình chung sống, năm 2000 bà Hoa và ông Trọng có với nhau một con gái đặt tên là Phạm Trần Yến Vy. Năm 2008 ông Thủ chết, bà Hoa vẫn sống chung với ông Trọng.
Ông Trọng kể: “Những tháng ngày nghèo khổ nhưng hạnh phúc ấy, vì tin tưởng Hoa nên làm được bao nhiêu tiền tôi đều đưa cho Hoa cất giữ. Năm 2002 chúng tôi quyết định mua diện tích đất 220m2 tại xóm 2, xã Ninh Gia, Đức Trọng của ông Đặng Sĩ Tư với số vàng bỏ ra tổng cộng là 121 chỉ vàng 24K để làm nhà ở lâu dài”. Khi đặt cọc mua đất, ông Trọng và bà Hoa cùng đi mang theo 20 chỉ vàng đến gặp ông Tư và vợ là bà Cao Thị Rân.
Sau khi đếm và nhận đủ số vàng đặt cọc, ông Tư đã viết giấy với nội dung: “Tôi tên Đặng Sĩ Tư và vợ Cao Thị Rân có bán cho vợ chồng Hoa, Trọng 5,5m đất ( tính theo chiều ngang) với giá 22 chỉ/1m2 và vợ chồng cô Hoa, Trọng đặt cọc trước cho tôi 2 cây. Khi nào tách xong sổ vợ chồng cô Hoa chồng đủ ”.
Tờ giấy nói trên bà Hoa giữ và đã giấu nhẹm. Khi đặt cọc mua đất, ông Trọng có yêu cầu ông Tư làm giấy tờ đứng tên “vợ chồng” Hoa, Trọng. Nhưng sau khi ra Giấy CNQSDĐ ông Tư mang đến giao thì chỉ ghi “hộ bà Phạm Thị Mỹ Hoa”, ông Trọng thắc mắc thì ông Tư giải thích “Ủy ban nói ghi “hộ” là đã bao gồm 2 vợ chồng rồi” nên ông Trọng yên tâm .
Năm 2004, bà Hoa lấy tiền nhà góp chung với em gái là Phạm Thị Mỹ Ngọc mua 400m2 đất tại thôn Phú An, Phú Hội và để cho bà Ngọc đứng tên. Đến năm 2009 thì bà Hoa đề nghị tách sổ. Vì tin “vợ” nên ông Trọng viết Hợp đồng với nội dung bà Ngọc tặng cho chị gái là bà Hoa 200m2 đất để khỏi nộp thuế.
Bất ngờ trước phán quyết
Nào ngờ, sau khi mua nhà đất và đứng tên mình đâu vào đấy, ngày 20/4/2011 bà Hoa làm đơn ra TAND huyện Đức Trọng yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng với ông Trọng vì xác định rằng thời gian sống chung giữa bà và ông Trọng không hạnh phúc. Bà yêu cầu được nuôi con chung là cháu Vy, ông Trọng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng; về tài sản chung, bà Hoa cho rằng không có và không yêu cầu Tòa giải quyết.
Ngày 20/8/2012 TAND huyện Đức Trọng ra Bản án số 35 với phán quyết: “Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa bà Hoa và Trọng. Giao cho ông Trọng được quyền nuôi con chung là Yến Vy cho đến ngày trưởng thành.” Về tài sản chung xử: Xác định diện tích đất 220m2 tọa lạc tại xóm 2, thôn Đại Ninh và 200m2 đất tại thôn Phú An, xã Phú Hội là tài sản riêng của bà Hoa, nên bà Hoa được nhận toàn bộ.
Xác định khối tài sản chung của bà Hoa và ông Bình chỉ có: Ngôi nhà 85,5m2 mái tôn, một phòng karaoke, một nhà vòm được xây dựng trên diện tích đất 220m2 tại xóm 2, thôn Đại Ninh; 2 xe mô tô đứng tên bà Hoa và một số vật dụng gia đình. Giao cho bà Hoa được quyền sở hữu ngôi nhà, phòng Karaoke, nhà vòm và toàn bộ tài sản.
Giao cho ông Trọng sở hữu một chiếc xe mô tô và được nhận số tiền là 81.964.275 đồng.
Điều khiến dư luận không ít ngạc nhiên là Tòa chỉ dựa vào lời khai của bà Hoa và chứng cứ là giấy viết tay mượn tiền do bà Hoa viết ngày 20/2/2010; tường trình của ông Đặng Văn Phước (anh ông Thủ) trú tại huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi để cho rằng nguồn tiền để mua diện tích 220m2 đất tại thôn Đại Ninh là do bà Hoa vay của ông Phước vào ngày 20/2/2002 nên nó là tài sản riêng của bà Hoa.
Tuy nhiên, thực tế thì gia cảnh của ông Phước cũng hết sức khó khăn. Tại Quyết số 36 ngày 17/12/2007 của TAND huyện Nghĩa Hành, công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Yến và ông Phước về tài sản chung ghi nhận chỉ có 2 chiếc xe máy, 37 con heo thịt mỗi con 30 kg, 1 tủ đứng bằng gỗ, 1 bộ sa lông, không có nhà cửa và đặc biệt là không không hề có khoản tiền 200 triệu đồng đã cho bà Hoa vay.
Chưa kể vì sao ông Phước cho bà Hoa vay 200 triệu đồng từ ngày 20/2/2002 mà đến ngày 20/2/2010, tức là 8 năm sau bà Hoa mới làm giấy mượn tiền và bà Hoa hẹn trả nợ đến năm 2013.
Thử hỏi làm sao ông Phước có thể cho bà Hoa là em dâu đã bỏ em trai mình đi sống chung với người tình vay một số tiền lớn để giúp bà Hoa xây tổ ấm?. Tại sao khi TAND huyện Đức Trọng triệu tập ông Phước vào để đối chất, làm rõ và khi xét xử phân chia tài sản giữa ông Trọng và bà Hoa thì ông Phước làm đơn xin xét xử vắng mặt?.
Trao đổi với PLVN, Luật sư Nguyễn Văn Bửu -Trưởng VPLS Bửu Tín - nhận xét: “Án sơ thẩm xử như vậy là không công bằng do việc xác minh và đánh giá chứng cứ thiếu khách quan và không toàn diện. Mặt khác, việc chia tài sản là sở hữu chung hợp nhất của bà Hoa và ông Trọng như vậy là không phù hợp với khoản 2, Điều 217 Bộ luật Dân sự”.
Dư luận cho rằng, TAND tỉnh Lâm Đồng cần sớm điều tra, làm rõ những khuất tất nói trên để có một bản án phúc thẩm sắp tới công bằng, thấu tình, đạt lý.
Nhóm PV Đà Lạt