Bài 1: Honda Soichiro - Ông là ai?

Những chiếc ôtô, xe máy mang nhãn hiệu Honda, từ lâu, đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt Nam

Những chiếc ôtô, xe máy mang nhãn hiệu Honda, từ lâu, đã trở nên quá quen thuộc với người dân Việt Nam, nhưng ít ai biết được cha đẻ của nó - Honda Soichiro là ai. Với loạt bài tổng hợp từ cuốn sách “Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”, Autonet hy vọng bạn đọc có được cái nhìn khái quát về cuộc đời nhân vật có đóng góp rất lớn trong việc “cải tiến bước di chuyển của con người”.

Honda Soichiro là ai?

q
Honda Soichiro (1906 - 1991)

Honda Soichiro (1906 - 1991) sinh ra và trưởng thành tại Shizuoka. Ông là nhà kỹ thuật chế tạo ô tô, người sáng lập Công ty Honda. Sau khi tốt nghiệp trung học Jinjou, ông làm thợ học việc tại xưởng sửa chữa ô tô ở phố Hongo (Tokyo). Mặc dù thành công trong ngành sửa chữa ô tô tại Hamamatsu, nhưng ông rất say mê nghiên cứu chế tạo máy móc và mơ ước trở thành nhà chế tạo.

Sau chiến tranh Thế giới lần thứ II, ông sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Honda và đưa ra thị trường loại xe đạp gắn động cơ nhỏ có tên gọi là "Batabata". Năm 1948, ông sáng lập Công ty Honda, liên tục nghiên cứu, chế tạo thành công các loại xe máy như: Dream, Super Cup và trở thành nhà sản xuất xe máy hai bánh hàng đầu Thế giới. Sau đó, tham gia vào lĩnh vực ô tô và sớm triển khai sản xuất tại thị trường Aâu Mỹ. Ông còn nghiên cứu chế tạo loại động cơ CVCC giảm tiết khí thải. Năm 1973, ông thôi giữ chức vụ Giám đốc.

Có thể khẳng định, Honda Soichiro - một người hùng trong kinh doanh là nhân vật điển hình của Nhật Bản thời hậu chiến. Từ những chiếc xe máy, ô tô mang nhãn hiệu Honda được ưa chuộng khắp Thế giới đến robot Ashimo đi được bằng hai chân nổi tiếng hiện nay, cũng như các loại xe đua Thể thức 1 (Formula One)… Tất cả có lẽ không có mặt trên đời nếu không có Honda Soichiro.

Cho đến những năm gần đây, Honda Soichiro vẫn là tên tuổi đại diện cho giới kinh doanh Nhật Bản. Theo bảng điều tra xếp hạng “Nhân vật Kinh tế thế kỉ XX của Nhật Bản” do Thời báo kinh tế Nhật Bản tiến hành vào cuối năm 2000, Honda Soichiro là nhân vật được yêu thích thứ hai sau ông “thần kinh doanh” Matsushita (người sáng lập Công ty điện máy Matsushita National).

Bí quyết để được mọi người yêu mến của ông Honda không chỉ là câu chuyện thành công của một người thợ sửa xe ôtô bình thường xây dựng nên đế chế Honda vĩ đại, mà đằng sau câu chuyện thành công ấy là vô số những tình tiết đầy ắp tình người, rung động mọi trái tim.

Tháng 8/1991, Honda Soichiro qua đời vì bệnh gan, thọ 84 tuổi.

Cậu bé thích máy móc

Bố Honda Soichiro làm nghề thợ rèn, nên tuổi thơ ông gắn liền với tiếng phì phào của ống thổi lò và âm thanh của tiếng đe, tiếng búa. Ngay từ khi chưa được đi học, Honda đã rất thích chơi đùa với máy móc và động cơ. Chỉ cần nhìn máy móc chuyển động, cậu bé cũng đã thấy sung sướng không thể diễn tả được.

Honda nhìn thấy ôtô lần đầu tiên khi đang là một cậu học trò lớp hai. Trên đường về nhà, vừa nghe nói có một chiếc xe ôtô chạy về làng, cậu quên hết mọi việc, phi như bay về để thấy một chiếc xe bọc vải lều bò ọc ạch trên con đường chật hẹp. Cậu hít đầy lồng ngực mùi dầu xe, thứ mùi mà theo Honda là rất đặc biệt và khó tả. Trong cậu chợt nảy ra một ước mơ rất trẻ con “Biết đâu, lúc nào đó mình cũng làm được chiếc xe như thế này”.
Cũng vì thích máy móc và tiếng động cơ mà khi mới 8 tuổi (1914), Honda đã trốn học, trốn nhà, đạp xe 20km đi xem biểu diễn máy bay. Không đủ tiền vé vào cửa, Honda đã trèo lên cây thông để được tận mắt chứng kiến hình ảnh chiếc máy bay Neils Smith cất cánh.

Sau khi tốt nghiệp Trường tiểu học Jinjou, cậu bé Honda tiếp tục học ở Trường trung học Futamata. Vừa tốt nghiệp trung học thì bố Honda đã chuyển từ nghề thợ rèn sang kinh doanh xe đạp. Nhờ đó, cậu có nhiều dịp được đọc những tạp chí “Thế giới ôtô”. Một ngày, Honda tình cờ đọc được mục quảng cáo cần tuyển thợ của “Thương hội Ato” - một xưởng sửa chữa xe ôtô ở Tokyo. Đó là cơ duyên để Honda đến với ngành sửa chữa, cũng như chế tạo xe máy, ôtô sau này.

Vất vả vào nghề

Từ nhỏ Honda luôn ao ước được làm việc ở xưởng sửa chữa xe ôtô, nên cái tên “Thương hội Ato” đối với cậu rất thu hút. Sau khi gửi thư xin làm thợ học việc ở đây, chẳng bao lâu Honda nhận được thư mời lên Tokyo thử việc. Khó mà diễn tả được sự sung sướng của cậu vì giấc mơ ấp ủ từ lâu nay đã thành sự thật.
Honda chính thức trở thành người giúp việc ở xưởng sữa chữa ôtô của Thương hội Ato. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác với giấc mơ mà cậu hằng ấp ủ. Hết ngày này qua ngày khác, Honda chỉ làm cái việc bồng bế, trông nom đứa nhỏ, con ông chủ. Trên tay Honda thường xuyên chỉ có giẻ lau chùi chứ không phải cờ-lê, mỏ-lết – những dụng cụ sửa chữa mà cậu vẫn thường thấy trong mơ.
Thất vọng và buồn tủi, mấy lần Honda định thu xếp hành lý, đu dây thừng từ tầng một xuống trốn đi nhưng nghĩ đến nét mặt giận dữ của cha và gương mặt mẹ khóc tủi phận ở quê nhà, cậu lại chùn bước. Honda đã chịu đựng tình cảnh đó trong khoảng nửa năm. Vào một ngày, ông chủ lớn tiếng gọi: “Này cậu nhỏ, bỏ em đấy, đến đây giúp tôi một tay”. Lúc đó, Honda thật sự sung sướng. Đó là một ngày tuyết rơi rất lạnh nhưng dường như cậu không biết cái lạnh là gì, trải ngay chiếu lót, chui vào gầm xe dưới mưa rơi để sửa đường dây bị đứt bên trong. Đó là lần đầu tiên Honda sửa xe.

Suốt đời có lẽ Honda không thể nào quên được cảm giác này. Từ đó, ít nhiều ông chủ cũng thấy được khả năng của cậu nên cậu bớt phải trông em và làm nhiều việc như những người thợ khác. Honda đã thực sự học được nhiều điều và hiểu hơn về giá trị cuộc sống trong quãng thời gian này.

Chứng minh năng lực

Honda Soichiro làm “cậu nhỏ giúp việc” khoảng một năm rưỡi. Đến tháng 9-1923, một trận động đất lớn đã xảy ra tại vùng Kanto. Vì trận động đất này, Thương hội Ato bị cháy nên cậu theo cả nhà ông chủ dời đến dưới gầm cầu gần nhà ga Kanda. Mười mấy người thợ của xưởng đã về quê gần hết, chỉ còn Honda và một người thợ đàn anh ở lại với gia đình ông chủ. Ông chủ bắt đầu nhận sửa chữa nhiều xe ôtô bị cháy hư hỏng ở xưởng Shibaura. Trận động đất lại chính là cơ hội để Honda học được kỹ thuật sửa chữa xe.

Honda làm việc ở Thương hội Ato liên tục khoảng sáu năm. Sau này, quãng thời gian đó vẫn còn để lại trong ông nhiều câu chuyện tranh đua, chuyện thất bại buồn vui lẫn lộn. Xuất thân từ một gia đình thợ rèn, có duyên với máy móc, lại thích lăn lộn với máy móc nên khi có cơ hội được học sửa xe ôtô, Honda nắm bắt kỹ thuật rất nhanh và tiến bộ rõ rệt. Ông chủ có lẽ cũng nhận ra Honda là thợ sửa chữa được việc nên từng bước cho cậu cơ hội đi công tác bên ngoài.

Năm 18 tuổi, Honda – lúc này đã trở thành một cậu thanh niên, được lệnh của ông chủ đi công tác ở tỉnh Morioka để sửa xe cứu hoả. Về tuổi tác, Honda vẫn còn trẻ, nhưng sự kiện này đã chứng minh năng lực của cậu. Honda lên xe lửa đến tỉnh Morioka xa xôi với tinh thần phấn chấn. Nhưng vừa đến nơi, cậu nhận thấy mọi người tại đây, kể cả người đội trưởng cứu hoả, tiếp người thợ trẻ với nét mặt nghi ngờ, thắc mắc như có suy nghĩ: “Cậu nhỏ như thế này thì làm được gì!?”.

Khi thấy Honda lần lượt tháo tung máy ra, họ lo lắng không biết cậu có phá hỏng xe của họ hay không nên liên tục hỏi: “Này cậu nhỏ, làm vậy có sao không?”. Honda cứ lẳng lặng tiếp tục công việc trong bầu không khí ngột ngạt như thế. Tới ngày thứ ba, Honda lắp ráp hoàn tất máy móc lại như cũ. Khi khởi động thử động cơ xe thì động cơ xe cứu hoả chạy rất tốt. Ông đội trưởng đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Còn với Honda thì không còn gì vui sướng, đắc ý hơn. Trong ánh mắt của những người coi thường Honda trước đây, giờ đổi ngay sang vẻ thán phục…

(Còn tiếp)

(Tổng hợp từ cuốn sách “Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”. Bản tiếng Nhật: Yume O Chikara Ni. Người dịch: Nguyễn Trí Dũng)

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.