Các nhà khoa học Australia đã rút ra được nọc độc của bốn loài bạch tuộc mới phát hiện lần đầu tiên tại Nam Cực và hy vọng độc tố của loài động vật thân mềm này sẽ giúp bào chế các loại thuốc giảm đau, chống dị ứng và điều trị ung thư.
Một trong những loài mới phát hiện được gọi là "bạch tuộc mụn cóc" vì có lớp da xù xì như da cóc.
Một loài bạch tuộc |
Nghiên cứu trên do tiến sĩ Bryan Fry thuộc Đại học Melbourne, Australia chủ trì, với sự công tác của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hamburg và Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy.
Trong khi nọc độc từ lâu đã được coi là một nguồn bào chế dược phẩm đầy tiềm năng, nhưng chỉ mãi gần đây các nhà khoa học mới nhận ra rằng nọc độc của các loài động vật thân mềm như bạch tuộc hay mực... có những tính năng độc nhất vô nhị.
Tiến sĩ Fry cho biết hoạt động của enzyme có trong nọc độc thường bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ, nhưng các enzyme trong nọc độc của bạch tuộc Nam Cực bằng cách này hay cách khác vẫn hoạt động ở dưới 0 độ.
Ông Fry chỉ rõ nọc độc của các loài động vật thân mềm sống tại các vùng nước của Nam Cực đã có những thích nghi đặc biệt, cho phép chúng hoạt động ở nhiệt độ dưới không. Bước tiếp theo của các nhà khoa học là phải tìm ra những thủ thuật hóa sinh nào mà các loài này đã sử dụng.
Cho đến nay, sự phân tích đã tiết lộ rằng nọc độc của bạch tuộc Nam Cực chứ một loạt các độc tố, trong đó có hai độc tố chưa từng được miêu tả trước đây. Một trong số những phát hiện là những protein nhỏ mới có trong nọc độc với các hoạt động rất đáng chú ý, mà có thể sử dụng trong bào chế các loại dược phẩm.
Nghiên cứu trên được công bố sau khi tiến sĩ Fry tiết lộ vào năm ngoái rằng tất cả các loài bạch tuộc đều có nọc độc. Từ đó đến nay, các nhà khoa học đã bắt tay vào nhiệm vụ lớn là thu thập và nghiên cứu các loại nọc độc này để hiểu rõ hơn về cấu trúc của chúng cũng như việc các độc tố này hoạt động như thế nào.
Được biết, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Fry đã đến Nam Cực trong thời gian hơn sáu tuần để bắt hơn 200 con bạch tuộc phục vụ công tác nghiên cứu. Sau đó họ phân loại gien của từng cá thể mẫu nhằm xác định các loài, đồng thời thu thập nọc độc để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Tiến sĩ Fry khẳng định những nọc độc này chưa từng được nghiên cứu trước đây. Có những khác biệt nhỏ cho phép các chất này hoạt động và các nhà khoa học vẫn chưa biết những khác biệt này là gì.
Do vậy, họ tiến hành so sánh nọc độc của bạch tuộc Nam Cực với những enzyme tương tự được rút ra từ các loài khác như bạch tuộc đốm xanh nhiệt đới nhằm "vén" bức màn bí mật trên, qua đó giúp tìm ra bí quyết giúp bào chế các loại thuốc chữa bệnh mới.
Nguồn: Tin tức Online