Ở miền tây Nghệ An, đặc biệt là tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, hiện tượng ăn lá ngón để tự tử diễn ra khá phổ biến. Rất nhiều vụ việc đau lòng từ lá ngón, thế nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn vấn nạn này.
Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức công tác tại Đồn Biên phòng Tri Lễ (địa bàn xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong), nơi có bà con dân tộc Thái, H'Mông, Khơ Mú sinh sống. Trình độ dân trí còn hạn chế, cuộc sống nhiều gia đình khó khăn. Vì vậy, nhiều người dân quá túng quẫn hoặc có mâu thuẫn không được giải tỏa đã tìm ăn lá ngón để kết thúc cuộc đời. Không ít người trẻ khi buồn chuyện tình cảm, hoặc vì bị bố mẹ la mắng... đã tìm đến cái chết bằng lá ngón.
Cây lá ngón có chứa hoạt chất cực độc alkaloid |
Công tác tại vùng biên giới hàng chục năm, bác sĩ Lê Anh Đức đã chứng kiến những cái chết thương tâm như thế. Những cái chết không chỉ để lại đau xót cho gia đình, người thân, mà còn gây bàng hoàng, hoang mang trong dư luận về vấn đề tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ.
Phải rơi nước mắt, áy náy khi bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng nguy kịch, không thể cứu chữa, bác sĩ Lê Anh Đức đã ngày đêm mày mò, nghiên cứu và tìm ra bài thuốc giải độc lá ngón.
Bác sĩ Lê Anh Đức chia sẻ: “Cây lá ngón gây chết người là do có chứa hoạt chất cực độc alkaloid. Để cứu nạn nhân thì phải nhanh chóng đào thải được chất độc ra khỏi cơ thể họ bằng cách gây nôn, móc hầu họng. Nhưng cái khó nhất là chất độc alkaloid gây tử vong rất nhanh, nếu cho nạn nhân uống nhiều nước mà chưa kịp đào thải ngay thì cũng không kịp. Qua vài năm tìm hiểu, nghiên cứu, tôi tìm ra bài thuốc giải độc lá ngón dựa vào nước vắt từ cây chuối”.
Cũng theo bác sĩ Đức, bài thuốc này được ông phát hiện từ việc quan sát cách ăn uống của đồng bào dân tộc Mông ở các bản làng vùng cao. Bà con người Mông khi đi rừng, lên núi thường vắt nước từ thân cây chuối rừng để uống. Tài liệu y khoa cũng chỉ ra rằng, nước từ cây chuối có thể đẩy được độc tố ra khỏi cơ thể con người. Từ đó, ý tưởng dùng nước ép từ cây chuối cho những người ăn lá ngón uống, rồi dùng các thủ thuật gây nôn, đẩy độc tố ra khỏi cơ thể nạn nhân đã được ông nghiên cứu và thử nghiệm thành công.
Nhờ bài thuốc bằng nước thân chuối, từ năm 2018 đến nay, bác sĩ Lê Anh Đức cùng các đồng nghiệp đã cứu chữa được 25 người bị ngộ độc lá ngón. Bài thuốc này cũng được bác sĩ Đức truyền cho nhiều đồng nghiệp ở địa bàn khác và lan tỏa tới bà con các vùng biên giới, giúp cứu được nhiều người ăn phải cây độc.
Trải qua 25 năm phục vụ trong quân ngũ, trong đó hơn 20 năm công tác tại các địa bàn biên giới khó khăn như xã Keng Đu, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), xã Tri Lễ (huyện Quế Phong)..., Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp, bác sĩ Lê Anh Đức luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn. Bác sĩ Đức cũng tự mình học ngôn ngữ của đồng bào để phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và đồng đội được tốt hơn.
Luôn miệt mài, không quản nắng mưa, ngày đêm đi từng bản, đến từng nhà để khám bệnh, cấp thuốc, vận động bà con ăn uống, sinh hoạt giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để phòng tránh dịch bệnh, nhân viên quân y Lê Anh Đức đã trở thành tấm gương sáng về bác sĩ biên phòng hết lòng vì Nhân dân.