Gửi đơn tới Báo Pháp luật Việt Nam, một số người dân thành phố Bắc Ninh đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh sớm xem xét giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân khi họ mua đất dân cư dịch vụ trên địa bàn phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được nhận đất cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất đã mua.
Theo nội dung đơn, tháng 4/2015 người dân thôn Xuân Ổ B, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh được chia đất dân cư dịch vụ 8,3 ha theo Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 04/02/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Cùng thời điểm đó, chính quyền thôn Xuân Ổ B thông báo bán đất phân lô công khai trên loa truyền thanh địa phương, nhiều người yên tâm, tin tưởng tham gia mua đất. Việc mua bán các lô đất được thực hiện theo hình thức gắp thăm, có phiếu thu với đầy đủ chữ ký của Trưởng thôn cùng kế toán, thủ quỹ, mỗi lô đất diện tích từ 80 - 90 m2 có giá 140 triệu đồng.
Phiếu gắp lô đất ở dân cư dịch vụ |
Tháng 10/2016, UBND phường Võ Cường đột nhiên tổ chức họp dân, thành phần gồm những người trước đó đã mua đất do thôn đứng ra bán. Đến lúc này người dân mới được giải thích rằng việc mua bán là bất hợp pháp, UBND phường Võ Cường đề nghị người dân nhận lại số tiền đã nộp trước đấy để mua đất cùng các khoản tiền đã đóng để xây dựng hạ tầng khu đất dân cư dịch vụ.
Không đồng ý với chính quyền, các hộ dân nhất quyết phản đối, không nhận lại tiền. Người dân cho rằng sai phạm nếu có cũng không thuộc về họ, việc mua bán hoàn toàn công khai, giá đất theo giá thị trường. Mặt khác, chính lãnh đạo phường Võ Cường lúc bấy giờ đứng ra ký xác nhận việc mua bán, giờ không thể bắt người dân gánh chịu thiệt hại.
Ngày 26/5/2017, UBND tỉnh Bắc Ninh ra Công văn số 1618/UBND-TNMT, thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đấu giá quyền sử dụng đất đối với các lô đất trên. Lúc này, những người dân mua đất vô cùng bức xúc, gửi đơn tới các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình. Vụ việc từ bấy đến nay chưa được giải quyết, người dân thì chưa được nhận đất để ổn định cuộc sống, trong khi đất dự án thì vẫn để hoang.
Xác nhận của UBND phường Võ Cường cho việc mua bán đất |
Đi sâu tìm hiểu vụ việc, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam được biết:
Thực hiện chính sách đền bù khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của người dân, UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định (số 188/QĐ-UBND ngày 04/02/2013), theo đó, mỗi hộ dân thôn Xuân Ổ B, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh sau khi bị thu hồi 800 m2 đất nông nghiệp trở lên (nhà nước đền bù với mức giá 168 triệu đồng/360 m2) thì được chia 01 lô đất dân cư dịch vụ, diện tích 120 m2. Các hộ dân phải tự bỏ tiền ra để xây dựng hạ tầng, sau đó được quyền chuyển đổi, cấp giấy tờ đất thành đất ở lâu dài. UBND phường Võ Cường thay mặt các hộ dân đứng ra làm chủ đầu tư, đồng thời trực tiếp thu tiền từ các hộ. Việc thu tiền được chia làm 3 đợt.
Xuất phát từ lý do nhiều hộ dân không đủ khả năng đóng các khoản tiền lớn như tiền xây dựng hạ tầng, tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất v.v, sau khi bàn bạc, tất cả các hộ dân thuộc diện được chia đất đã thống nhất, tự nguyện cắt bớt diện tích các lô đất từ 120 m2 xuống còn 80 - 90 m2, nhờ đó dôi ra 46 lô. Các lô đất này được bán với giá 140 triệu đồng/01 lô thông qua chính quyền, số tiền mỗi hộ nhận được từ việc bán đất là 60,3 triệu đồng.
Tất cả các hộ dân đã đóng tiền đợt I (130 triệu đồng), một số đã đóng đợt II (149 triệu đồng) cho UBND phường Võ Cường để xây dựng hạ tầng khu đất.
Một số người dân thôn Xuân Ổ B cho biết, chỉ bằng cách ấy họ mới giữ được mảnh đất cho mình, không phải “bán lúa non” như nhiều trường hợp ở địa phương khác.
Việc người dân tự ý cắt bớt diện tích đất được chia với suy nghĩ không xâm phạm đất công, bán lấy tiền xây dựng hạ tầng, rõ ràng là việc làm trái luật bởi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng của tỉnh cần xem xét, tính đến điều kiện, hoàn cảnh của các hộ dân để giải quyết vụ việc một cách thấu đáo, hợp tình hợp lý, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.