Nguồn khoáng sản phong phú thu hút đầu tư
Theo kết quả công tác điều tra địa chất tại tỉnh Bắc Kạn, hiện toàn tỉnh có trên 270 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 24 loại khoáng sản được chia thành 5 nhóm: Khoáng sản nhiên liệu; khoáng sản kim loại có khoáng chất công nghiệp (đá vôi xi măng, sét xi măng, đá vôi trắng, dolomit, pyrit, barit, graphit và thạch anh tinh thể, đá ốp lát); vật liệu xây dựng thông thường khá phổ biến như đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; đất sét làm gạch, ngói; cát, sỏi.
Trong đó, tiềm năng về khoáng sản kim loại gồm: quặng sắt, sắt – mangan... dự báo khoảng hơn 15 triệu tấn. Nhiều nhất là khoáng sản chì - kẽm, có 77 mỏ và điểm khoáng sản tập trung chủ yếu ở các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, trữ lượng khoảng 4 triệu tấn. Antimon chủ yếu là các điểm quặng với trữ lượng không lớn, tập trung ở huyện Chợ Mới và huyện Na Rì. Thiếc tại Bắc Kạn cũng được dự báo có trữ lượng khoảng trên 2.300 tấn. Ngoài ra, nguồn khoáng sản quý hiếm tại tỉnh Bắc Kạn còn phải kể đến là vàng. Toàn tỉnh hiện có 17 mỏ và điểm quặng, trong đó có 7 điểm mỏ vàng gốc và 10 điểm vàng sa khoáng với tổng trữ lượng dự báo khoảng 30 - 50 tấn.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn còn có các khoáng sản phi kim loại khác như: sét gạch ngói tại huyện Ba Bể; sét xi măng ở huyện Chợ Mới; đá vôi trắng ở các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông và Ba Bể; graphit ở các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Ba Bể. Trên địa bàn tỉnh cũng phát hiện đá quý và nửa đá quý như hạt đá quý rubi và saphia sa khoáng hoặc gốc.
Với nguồn khoáng sản phong phú, giàu tiềm năng, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã thu hút được nhiều dự án đầu tư để phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và sản xuất nguyên vật liệu xây dựng. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản với tổng số vốn đăng ký trên 354,86 tỷ đồng.
Ông Hoàng Thanh Oai – Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 10 dự án Nhà máy chế biến khoáng sản, trong đó 05 nhà máy đang hoạt động, 03 nhà máy đang tạm dừng hoạt động và 02 dự án đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng.Tuy nhiên, trong năm những năm qua, thị trường khoáng sản trong khu vực và thế giới giảm sâu do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nên cũng phần nào ảnh hưởng lớn đến các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh về lĩnh vực khoảng sản”.
Nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến khoáng sản
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến khoáng sản, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025”. Thông qua đề án, tỉnh Bắc Kạn sẽ đánh giá được tiềm năng khoáng sản trên địa bàn phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, cấp phép. Trong đó chú trọng đến loại khoáng sản là quặng, chì, kẽm cần phải được thăm dò, đánh giá đầy đủ trữ lượng để huy động tối đa, phục vụ cho các nhà máy chế biến sâu tại tỉnh.
Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo môi trường tại các khu vực có hoạt động khoáng sản. Khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò, khai thác, chế biến sâu trên địa bàn tỉnh nhằm gia tăng giá trị khoáng sản. Phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đạt trên 200 tỷ đồng/năm; thu hút khoảng 2.500 lao động.
Bắc Kạn nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản góp phần phát triển kinh tế – xã hội |
Để đạt được mục tiêu này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, không cấp phép các khu vực liên quan khu cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp 38 giấy phép khai thác trong tổng số 48 giấy phép đang còn hiệu lực (10 giấy phép còn lại do Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Ông Hoàng Thanh Oai cho biết thêm: “Để sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững. Trong thời gian tới, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản như: công tác quy hoạch, cấp phép khai thác sử dụng khoáng sản đảm bảo đúng quy định pháp luật, đóng góp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn”.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Sở Công thương tăng cường công tác quản lý và cấp phép khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản, lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện, tiềm lực để khai thác, chế biến tài nguyên, ưu tiên công nghệ chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo ra giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Có thể thấy, với việc sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả đã góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.