Mẫu thuẫn về công nợ, phía đối tác đã cho người đến trụ sở doanh nghiệp “bắt” máy xúc. Văn bản của Công an thị xã Bắc Kạn sau đó nói họ đang giữ máy, trong khi chủ nợ vẫn mặc cả “không trả nợ tôi bán”.
Trụ sở Công ty Xi măng Bắc Kạn |
Chưa thống nhất về công nợ
Đơn kêu cứu của Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn – DATC (gọi tắt là Cty Xi măng Bắc Kạn) gửi Báo Pháp luật Việt Nam cho biết, năm 2010 đến 2011,công ty có thõa thuận thuê nhân công xây dựng với ông Trần Văn Dương (phường Phùng Chí Kiên, thị xã Bắc Kạn) làm một số hạng mục công trình… với tổng trị giá hơn 670 triệu đồng. Ông Dương sau đó đã được thanh toán các lần tổng cộng là 513 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi Cty Xi măng Bắc Kạn có thay đổi nhân sự nên biên bản đối chiếu công nợ giữa ông Dương với doanh nghiệp chưa được thống nhất, vì vậy việc quyết toán không được như ông Dương mong muốn.
Đến tháng 3/2011, Cty Xi măng Bắc Kạn thống nhất số nợ với ông Dương là 195 triệu đồng (theo công văn ngày 12/3/2011). Nhưng từ tháng 4/2011 đến tháng 6/2011, Cty Xi măng Bắc Kạn đã bán xi măng cho ông Dương ba lần và bù trừ vào công nợ với số tiền 38,5 triệu đồng. Số liệu chứng từ của Cty Xi măng Bắc Kạn thể hiện, số tiền trả cho ông Dương còn lại là 156.755.180 đồng. Tuy nhiên, ông Dương không thừa nhận số tiền ba lần lấy hàng nói trên.
Vì không thống nhất được với nhau nên ông Dương đã khởi kiện ra toà án đề nghị giải quyết với số tiền 195.255.180 đồng.
Trong đơn kêu cứu gửi toà soạn, Giám đốc Cty Xi măng Bắc Kạn Đinh Văn Bằng cho biết, trong khi toà án đang tiến hành thủ tục, thì vào ngày 30/12/2011, ông Dương cùng khoảng 10 người kéo đến trụ sở công ty gây rối, sau đó cho người tự ý mở cổng rồi đưa máy xúc hiệu XGMA đi.
Ai giữ tài sản của doanh nghiệp?
Trước sự việc nghiêm trọng này, Cty Xi măng Bắc Kạn đã trình báo sự việc với Công an tỉnh Bắc Kạn, Công an thị xã Bắc Kạn.
Văn bản số 271, ngày 25/4/2012 của Công an thị xã Bắc Kạn trả lời Giám đốc Cty Xi măng Bắc Kạn, khẳng định sự việc ông Dương tự ý lấy máy xúc của doanh nghiệp là có thật.
Theo văn bản này, thì “hành vi của ông Trần Văn Dương nhờ người đấu điện và lái máy xúc ra khỏi Cty Xi măng Bắc Kạn về nhà chưa được sự đồng ý của chủ tài sản, hiện nay công an thị xã Bắc Kạn đã tạm giữ chiếc xe và xem xét xử lý theo đúng quy định”.
Tuy nhiên, Công an thị xã Bắc Kạn cũng khẳng định hành vi của ông Dương không đủ yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135, Bộ luật Hình sự.
Văn bản 271 cho hay, “Trong quá trình trước, trong và sau khi lấy máy xúc lật ra khỏi công ty, hai vợ chồng ông Dương không hề có bất cứ hành động gì đe doạ nhân viên bảo vệ…”.
Khác với những khẳng định từ phía công an nói “đã tiến hành điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ…”, Giám đốc Cty Xi măng Bắc Kạn Đinh Văn Bằng cho biết, trên thực tế kể từ ngày xảy ra vụ việc thì cơ quan công an chưa một lần xuống công ty để làm việc. Người đứng đầu doanh nghiệp xi măng này đặt câu hỏi “phải chăng cơ quan Công an thị xã Bắc Kạn điều tra mà không cần đến địa bàn nơi xảy ra vụ việc?”.
Văn bản 271 của Công an thị xã Bắc Kạn khẳng định chiếc máy xúc do ông Dương đưa ra khỏi Cty Xi măng Bắc Kạn đã “bị tạm giữ” tại trụ sở công an. Thế nhưng, ông Bằng cho biết hiện tại không biết chiếc máy xúc thật sự nằm ở đâu. Bởi, mặc dù tài sản doanh nghiệp đang bị tạm giữ, nhưng trong hai ngày 13 và 27/5/2012, ông Dương đã có văn bản gửi Cty Xi măng Bắc Kạn đề nghị “thanh toán nợ gốc và lãi”, nếu không thanh toán thì ông Dương sẽ “bán chiếc máy xúc lật mà tôi đã giữ”…
Như vậy, nếu khẳng định của ông Dương là đúng, thì hiện tại tài sản cuả Cty Xi măng Bắc Kạn không còn bị tạm giữ như thông tin theo văn bản 271.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục sự việc.
Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn – DATC tiền thân là Công ty xây dựng Thái Nguyên được thành lập vào năm 2002, do hoạt động không hiệu quả và đi đến vực thẳm phá sản nên được Tổng công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp – DATC (Bộ Tài chính) mua lại và tái cơ cấu vào năm 2009. |
Như Trang