Đã hơn 40 năm Bác vào cõi trường sinh. Không khỏi lặng người: Thời gian sao nhanh vậy, bởi ta luôn nghĩ Bác vẫn bên mình. Căn nhà Bác đêm khuya đèn vẫn sáng, trăng vẫn vào cửa sổ đòi thơ, con đường Bác thường qua bước chân Người vẫn ấm, cá vẫn quẫy làn nước ao sóng sánh, gió cùng hàng cây vẫn lao xao đêm đêm đưa Người vào giấc ngủ.
Năm tháng không thể quên, núi sông còn nhớ mãi, khối óc và con tim mỗi người vẫn hằng ngày nhắc nhở:
Biển ngày ấy Bác lên tàu đi tìm đường cứu nước sóng to và gió lớn, đến giờ đây vẫn vật vã chưa thôi - Người thuỷ thủ từng qua ngàn dặm sóng giờ ở đâu, bây giờ ở nơi đâu? Pari cứ mùa đông lại nhớ Bác nung gạch hồng xua đêm dài lạnh cóng, Luân Đôn mỗi khi lạnh nghĩ thương Người đi về trong gió tuyết - Người đấu tranh cho những người cùng khổ, người viết báo, vẽ tranh, làm thợ ảnh và bán báo, người Việt Nam đầu tiên trở thành người cộng sản, giờ ở đâu, bây giờ ở nơi đâu?
Mạc Tư Khoa còn lưu dấu những tháng năm với Bác, quảng trường Hồ Chí Minh mãi mãi mang hình ảnh của Người. Hương Cảng không quên nơi Đảng ra đời, Bác và Luận cương của Người làm ấm lòng dân tộc. Trời Quảng Tây có những lúc như nhói màu rên xiết, đâu nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối, đâu Nam Ninh khi trăng lên Bác chẳng thể hững hờ, đâu Tây Phong Lĩnh non cao ngàn đỉnh trập trùng? Sao nói hết những ngày Bác nóng lòng được trở về Tổ quốc dẫu Tổ quốc có xa đâu - Tổ quốc trong trái tim thao thức của Người.
Hang Pắc Bó ngày Bác về nguồn nước vẫn sinh sôi, hoa biên giới ngạt ngào từ độ ấy. Bác nhen lửa nơi hang sâu giá lạnh, mặt trời đỏ rất gần, chiếc bàn đá chông chênh, đây dòng suối Lênin và kia núi Mác, “hai tay xây dựng một sơn hà”.
Tháng Tám, Ba Đình trời không một gợn mây, lời Tuyên ngôn độc lập bao nhiêu năm vẫn mãi cùng năm tháng, vẫn xanh cùng hàng cây, ngọn cỏ, vẫn ấm từng ngôi nhà, góc phố, xao động khắp quảng trường ngày toàn dân vang lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, giữ lấy nền độc lập.
Việt Bắc, nơi thủ đô gió ngàn Tổ quốc, nơi thiêng liêng rừng núi hoá anh hùng - Con suối nào Bác làm thơ đêm tháng Giêng ngày rằm năm ấy; đêm thu nào mưa rơi Bác thương người chiến sĩ nơi sa trường giá lạnh; ngọn núi nào Người “chống gậy lên non xem trận địa”, đêm trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa Bác chờ tin thắng trận; nơi nào đây việc quân việc nước xong rồi, Bác thong dong “xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”?... Ôi, sự ung dung tự tại, cốt cách thanh cao và trầm tư, điềm tĩnh của Người, phải những lúc chính ta gặp muôn vàn gian khó ta mới thật hiểu Người và ơn Người sâu sắc. Còn gì bằng lúc đất nước ngàn cân treo sợi tóc, còn gì bằng cái chết? Người không chỉ dạy chúng ta nhóm lửa, còn dạy ta cách ủ lửa dưới tro tàn, Người dạy ta cách thổi bùng bão táp và dạy ta giữ biển lặng trời yên.
Đâu những nơi sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng Bác đi thăm, càng đi lại càng nhớ miền Nam nhiều đêm không ngủ. Thư chúc Tết Bác mong ngày sum họp nên miền Nam những lúc cam go, gian khổ đều có Bác bên mình. Ơi cây trái mọi nơi trên đất nước giờ đây đang quy tụ bên Người, hãy ngời sắc phương Nam, hãy đượm màu đất Bắc, những cành hoa phong lan hãy toả hương lan rừng thuở Trường Sơn những đoàn quân ra trận, hàng tre hãy thì thầm những trưa hè nơi thôn Đoài nồng nực, nơi thôn Đông mát rượi gió chiều và cả nữa chốn Trường Sa mặn mòi gió biển. Thuở ấy Bác trồng cây là muốn đời xanh mãi, là muốn đời mãi mãi mùa xuân, ta cảm nhận những lộc nõn của đời Bác chia mọi người dân.
Nhưng dẫu có thế nào thì Bác cũng đi xa, căn nhà Bác chỉ riêng đèn đêm khuya chong mắt thức, trăng bơ vơ một mình ngoài cửa sổ, con đường lạnh bao ngày dài vắng Bác, đàn cá buồn không thấy bóng Người qua, gió rào lên những đêm dài thao thức bên hàng cây lá rũ vặn mình đau. Nên hằng ngày cháu con lặng lẽ đến thăm Người để Bác dẫu đi xa cũng ít nhiều ấm áp, để chiếc mũ bạc màu và đôi dép cao su sau vạn dặm trường chinh được cùng Người yên nghỉ.
Như thể Bác nghỉ ngơi giữa hai mùa chiến dịch. Hôm qua Bác là vị chỉ huy của trăm ngàn trận đánh, hôm nay và mai sau Bác là chân lý, tư tưởng của Người dẫn cháu con suốt chiều dài thế kỷ. Nhìn vào sự nghiệp núi sông ta luôn thấy Bác, mỗi việc chúng ta làm Bác hằng ngày chỉ bảo, chúng ta vui với những thành công, Bác khen là tốt, chúng ta buồn Bác lo nghĩ ngày đêm. Ta đinh ninh: Bác vẫn cùng con cháu hôm nay.
Nhớ đến Bác lòng ta bao trong sáng. Miếng ăn dẫu chưa ngon, nghĩ những ngày Bác cháo bẹ rau măng, ta thấy lòng đỡ đắng. Áo chưa đủ để ngăn cái rét, nghĩ lúc Bác phong phanh áo vải, mà lòng ta ấm lại. Nhớ những ngày hết giặc đói, giặc dốt lại giặc ngoại xâm, ngay vườn hoa Chủ tịch phủ cũng thành nơi trồng sắn, trồng khoai, ta thêm yêu tấc đất tấc vàng. Nhớ Bác lúc mới ra tù tập leo núi, lúc chống gậy lên non xem trận địa, về nông thôn guồng nước, xắn quần vào xưởng thợ, ra đảo xa thăm cuộc sống dân chài, cùng các cháu thiếu nhi vui trăng sáng trung thu, ta đâu ngại đổ mồ hôi, công sức, đâu ngại tới những miền xa lắc cho non sông mỗi ngày thêm giàu đẹp. Đây gió lộng Trường Sa, kia biển khơi sừng sững tháp khoan dầu, đây thủy điện tận chon von nơi suối ngàn mây phủ, kia lòng đất những đường hầm xuyên núi, những thành phố nối nhau, những làng quê trù phú. Nhớ những vần thơ Bác, ta yêu đời biết mấy, tâm hồn ta dạt dào cảm xúc để chấp nhận muôn vàn gian khó và vượt qua những thử thách gian lao.
Bác ơi, chúng con còn bao nhiêu việc phải làm, nhiều con đường chưa xong, nhiều nhà máy vẫn còn dang dở; chúng con cũng nhiều điều chưa tốt và càng chưa được giỏi. Duy nhất điều chúng con sẵn ý chí niềm tin, trong chúng con căng tràn sức mạnh, bởi đã nhập vào tâm can phẩm chất của Người, bởi Bác đã chỉ ra đường hướng tới tương lai./.
Lưu Văn Khuê