Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Bệnh viện E hội chẩn từ xa cứu sống ca bệnh phình động mạch chủ bụng.
Bệnh nhân là ông Trần Văn T, ở xã Đồng Kỳ (Yên Thế). Qua thăm khám, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện ông bị phình động mạch chủ bụng hình túi, có huyết khối trong lòng mạch nguy cơ vỡ, đe dọa tính mạng.
Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã liên hệ với kíp bác sĩ đầu ngành về tim mạch của Bệnh viện E. Ngay trong đêm, các bác sĩ của hai bệnh viện đã hội chẩn trực tuyến qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa.
Đánh giá thể trạng bệnh nhân, phương án tối ưu được đưa ra là phẫu thuật thay đoạn phình động mạch chủ bụng. Dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ Bệnh viện E, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Nam, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - Chỉnh hình - Bỏng và các đồng nghiệp đã phẫu thuật cứu sống bệnh nhân.
Ông Trần Văn T bày tỏ: “Nếu phải chuyển lên tuyến trên, có thể tôi sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng trên đường di chuyển. May mắn qua hội chẩn trực tuyến, tôi được cứu sống".
Theo bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã phối hợp với các bệnh viện tuyến trên tổ chức 77 buổi hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa, mang lại những kết quả tích cực.
Bác sĩ chuyên khoa II Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết: "Tại các buổi hội chẩn trực tuyến, các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nhóm bác sĩ trực tiếp tham gia có cơ hội trau dồi, nâng cao chuyên môn. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì đây là giải pháp hiệu quả để bảo đảm phòng, chống dịch và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh".
Còn tại bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, hằng tuần, bệnh viện đều phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương kết nối khám, chữa bệnh từ xa. Ngoài ra, trong tình huống khẩn cấp, kíp trực có thể trao đổi, hội chẩn, nghe tư vấn trực tuyến từ các bác sĩ chuyên khoa phụ sản đầu ngành. Cũng nhờ mô hình này, thời gian qua, bệnh viện đã cứu sống nhiều sản phụ nguy kịch, nhất là một số ca thuyên tắc ối có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
Có thể thấy, mô hình khám, chữa bệnh từ xa đã mang lại hiệu quả đối với các địa phương miền núi, xa các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều địa bàn phong tỏa, khó di chuyển. Với mô hình này, bệnh nhân được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và có ngay phương hướng điều trị phù hợp nhất. Các bác sĩ tuyến dưới được “cọ xát” với những căn bệnh ít gặp hoặc khó phát hiện, được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối.
Hiện tỉnh Bắc Giang có 16 bệnh viện và trung tâm y tế tham gia khám, chữa bệnh từ xa bằng hệ thống. Các cơ sở có hệ thống phòng khám, hội chẩn, phẫu thuật liên thông với các đơn vị tuyến tỉnh, tuyến trung ương, từng bước đặt mục tiêu tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến.
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, trong thời gian tới, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư trang thiết bị, kết nối trực tuyến đồng bộ vào hệ thống khám, chữa bệnh trực tuyến toàn quốc. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bệnh viện đầu ngành tổ chức hội chẩn trực tuyến, nhất là hội chẩn ca bệnh khó, trường hợp đặc biệt để khái quát, hệ thống chuyên môn, nâng cao năng lực điều trị.