Một vụ án xảy ra, với ba vết thương 4 lần trưng cầu giám định pháp y để xác định tỷ lệ thương tật, nhưng cứ mỗi lần giám định lại cho một kết quả khác .Mới đây sau một ngày làm việc liên tục, Hội đồng xét xử đã phải hoãn phiên tòa, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.
Giấy chứng nhận thương tích bị sửa
Theo hồ sơ vụ án, ông Đào Quốc Hưng ở nhà sát vách với ông Đào Ngọc Ánh tại địa chỉ KP5A, P. Tân Biên, TP. Biên Hòa, Đồng Nai; khoảng 17h 30, ngày 6/12/2009, ông Hưng chạy xe máy về đến nhà thì gặp ông Ánh (chú vợ ông Hưng) cũng vừa về đến trước nhà.
Do trước đây có xích mích nên ông Hưng nhổ nước bọt về phía sau xe của mình. Cho rằng ông Hưng có ý xúc phạm , ông Ánh chửi ông Hưng là “đồ mất dạy”. Ông Hưng phản ứng lại Nghe to tiếng, ông Đào Quang Thiệu và bà Nguyễn Thị Xuân (bố mẹ Hưng) từ trong nhà chạy ra thì ông Ánh chửi: “Ông mất dạy, đẻ thằng con mất dạy”. Nghe vậy, ông Ánh dùng tay đấm vào mặt ông Thiệu.
Ông Thiệu bị đánh bầm hai tay, mắt trái sưng húp. Thấy bố bị đánh, Hưng chạy vào nhà lấy một cây tuýp sắt (tay cầm máy cắt sắt) đánh nhiều cái vào người ông Ánh gây thương tích ở vùng đầu, trán và khuỷu tay ông Ánh. Được mọi người can ngăn , nhưng ông Ánh vẫn chạy vào nhà ông Thiệu để đấm vào mặt bà Xuân. Hai bên đến bệnh viện Thống Nhất chữa trị.
Về phần mình, sau khi sự việc xảy ra, bà Xuân dẫn Hưng sang nhà xin lỗi ông Ánh. Sự việc tưởng đã khép lại, bất ngờ ông Ánh được Công an TP. Biên Hòa cho đi giám định và Tổ chức pháp y Đồng Nai đã kết luận vết thương trên trán trái ông Ánh (dài 5cm) là 41%, hai vết thương trên đầu, mỗi vết thương là 1%, tổng cộng 43%. Thấy kết quả giám định có điều bất thường nên VKSND TP.
Biên Hòa yêu cầu Công an Biên Hòa hỏi lại Tổ chức giám định pháp y Đồng Nai về kết quả thì được trả lời là giám định chính xác. Từ kết quả này, Công an TP. Biên Hòa ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Đào Quốc Hưng 3 tháng về tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 104 BLHS.
Thấy tỷ lệ thương tật ông Ánh cao đến mức vô lý nên trong trại giam, ông Hưng đã xin được giám định lại. Sau đó, Công an TP. Biên Hòa trưng cầu giám định tại Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an và cho ra kết quả là 16,67% .
Thấy kết quả không thống nhất, Cơ quan công an tiếp tục cho đi giám định lần thứ 3 tại Viện Pháp y Quốc gia (phân viện phía Nam) thì kết quả là 11%. Từ kết quả này, Công an TP. Biên Hòa đã ra kết luận điều tra và đề nghị VKSND TP. Biên Hòa truy tố Đào Quốc Hưng ra tòa về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 điều 104 BLHS (do dùng hung khí nguy hiểm).
Thế nhưng thật bất ngờ, khi tiếp xúc hồ sơ vụ án, Luật sư bào chữa cho Đào Quốc Hưng phát hiện Giấy chứng nhận thương tích của ông Đào Ngọc Ánh được các tổ chức giám định đã bị sửa chữa vết thương trên trán từ 3cm lên thành 5cm.
Sau khi nhận được khiếu nại Luật sư, các cơ quan tố tụng TP. Biên Hòa tiến hành xác minh và sự thật đúng như vậy: Hồ sơ lưu của bệnh viện Thống Nhất xác nhận thương tích trên trán ông Ánh thật sự chỉ có 3cm. Với tình tiết mới này, Các cơ quan tố tụng TP. Biên Hòa lại trưng cầu giám định lại. Tổ chức giám định pháp y Đồng Nai lần này cho kết quả 11% (trong đó vết thương trên trán 8%, 2 vết thương trên đầu lên 3%). Chính vì hai vết thương trên đầu đột ngột tăng lên nên kết quả giám định này tiếp tục bị Luật sư của ông Hưng phát hiện 2/3 thành viên của Hội đồng giám định lần này là những vị đã giám định cho ra kết quả 43% ở lần đầu tiên.
Vì vậy, ông Hưng và Luật sư tiếp tục khiếu nại, cho rằng: Việc giám định lại nhưng với đa số thành viên đã tham gia hội đồng giám định lần đầu là vi phạm khoản 2 điều 159 BLTTHS. Thế nhưng khiếu nại của Luật sư và ông Hưng bị bác bỏ với lý do, “việc giám định này không phải giám định lại mà là “giám định lại theo thủ tục ban đầu”(?!) Cơ quan Công an TP. Biên Hòa còn cho biết, việc “giám định lại theo thủ tục ban đầu” là dựa vào tinh thần cuộc họp liên ngành giữa Công an – kiểm sát – tòa án.
Đến căn cứ buộc tội thiếu cơ sở
Không đồng ý với cách trả lời này, Đào Quốc Hưng và Luật sư tiếp tục có văn bản đề nghị trưng cầu giám định lại thương tích ông Đào Ngọc Ánh tại Viện pháp y quốc gia nhưng đều bị bác đơn với lý do khiếu nại không có căn cứ.
Ngày 24/12/2012, TAND TP. Biên Hòa mở phiên tòa xét xử vụ án .Hai Luật sư bào chữa cho Đào Quốc Hưng đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn về tính khách quan trong việc giải quyết vụ án này từ các cơ quan chức năng, nhất là từ Tổ chức giám định.
Cụ thể, khi giám định, Tổ chức giám định pháp y Đồng Nai xác định áp dụng phương pháp cộng thẳng tỷ lệ các vết thương trên người ông Ánh để cho kết quả là 11%. Nhưng trong văn bản trả lời cho Cơ quan Công tố, lại cho rằng khi giám định đã áp dụng phương pháp cộng lùi. Còn tại văn bản trả lời cho Luật sư thì Tổ chức giám định này lại khẳng định, dù cộng lùi hay cộng thẳng thì nếu tỷ lệ các vết thương từ 10% trở xuống đều cho kết quả giống nhau(?!) .
Luật sư bào chữa cho Đào Quốc Hưng cho rằng với một chi tiết nhỏ như vậy, nhưng Tổ chức giám định còn trả lời mâu thuẫn, không nhất quán thì có quyền nghi ngờ về tính trung thực, khách quan của kết quả giám định.
Đối với việc “giám định lại” hay “giám định lại theo thủ tục ban đầu”, tại phiên tòa, Công tố viện và Luật sư đã tranh luận gay gắt . Vị công tố cho rằng : “Việc giám định lại theo thủ tục ban đầu” là phù hợp với quy định pháp luật. Luật sư bào chữa cho Hưng lại viện dẫn, BLTTHS quy định thủ tục giám định bao gồm: Giám định lần đầu, giám định lại hoặc giám định bổ sung; Không có quy định nào nói là: “Giám định lại theo thủ tục ban đầu”.
Chính vì vậy, Luật sư cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng đã sáng tạo ra cụm từ “Giám định lại theo thủ tục ban đầu”. “Sự “sáng tạo” này là không đúng luật, vì vậy giám định này không có giá trị pháp lý và cần phải giám định lại” Tranh luận lại với Luật sư, đại diện Công tố cho rằng, việc “giám định lại theo thủ tục ban đầu” là căn cứ vào cuộc họp liên ngành giải quyết án của 3 cơ quan Công an – Viện kiểm sát và Tòa án ( !?).
Ngoài ra, việc xác định vết thương trên trán ông Ánh là do Đào Quốc Hưng gây ra hay do ông Ánh và ông Thiệu giằng co dẫn đến trầy xước ? Vị đại diện VKSND nói: Tổ chức giám định pháp y, cho biết với trình độ hiện tại ở Việt Nam thì không thể giám định được tỷ lệ thương tật của ông Thiệu, vì không xác định được do bị đánh hay do bệnh lý.
Do không xác định được tỷ lệ thương tật nên không xử lý ông Ánh trong vụ án. Luật sư “phản pháo”: Vết thương trên mắt trái ông Thiệu là một phần không tách rời của vụ án. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng tách vết thương ông Thiệu ra khỏi vụ án là không khách quan . Theo Pháp lệnh giám định tư pháp thì cơ quan giám định cao nhất là Viện Pháp y Quốc gia, do đó Luật sư đề nghị trưng cầu giám định tại cơ quan này. Ngoài ra, Luật sư còn chỉ ra những vi phạm về tố tụng của Cơ quan Điều tra và VKS TP. Biên Hòa và đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của Luật sư, tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Trần Tố - Minh Quang