Dự kiến trong ít ngày tới, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) sẽ cho công bố chính thức Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2010, chậm hơn đợt công bố năm ngoái khoảng 3 tháng. “Mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% cho năm 2010 có nhiều khả năng đạt được”, báo cáo của CIEM nhận định. Với kịch bản cơ bản, phân tích mô hình kinh tế lượng vĩ mô, CIEM cho rằng GDP năm 2010 có thể tăng ở mức 6,54%; lạm phát trung bình năm tăng 8,54%; xuất khẩu tăng trưởng 18,5%. Trong khi đó, thâm hụt thương mại so với GDP là 9,3%; thâm hụt ngân sách bằng 6,1% GDP. Kịch bản này xảy ra khi kinh tế thế giới phục hồi với mức tăng trưởng GDP giả định khoảng 3,5%; FDI vào Việt Nam tăng khoảng 10% so với năm 2009… và Việt Nam thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, VND được giả định tăng giá danh nghĩa 8% so với USD, trong khi cung tiền tệ tăng ở mức 20% so với năm 2009.
Với kịch bản cơ bản, phân tích mô hình kinh tế lượng vĩ mô, CIEM cho rằng GDP năm 2010 có thể tăng ở mức 6,54%; lạm phát trung bình năm tăng 8,54%; xuất khẩu tăng trưởng 18,5% |
Ở kịch bản cao, GDP tăng ở mức 6,87%; lạm phát tăng lên mức 9,7%; xuất khẩu tăng trưởng 21% nhưng thâm hụt thương mại chiếm tới 10,6% GDP; thâm hụt ngân sách bằng 6,4% GDP. Điểm khác biệt ở kịch bàn này là giả định đối tác thương mại của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cơ hơn ở 4,5% nhưng giá một số mặt hàng trọng yếu không thay đổi so với kịch bản cơ bản. Trong khi đó, giải ngân FDI tăng mạnh ở mức 15% so với năm 2009… “Nếu như ưu tiên chính sách chuyển sang tập trung vì mục tiêu tăng trưởng thì khả năng đầu tư từ ngân sách và cung tiền sẽ tăng cao hơn so với kịch bản cơ bản, giả định tương ứng tăng 12% và 25%”, báo cáo của CIEM đặt vấn đề. Trong khi đó, kịch bản thấp cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 của Việt Nam giảm khoảng 0,24 điểm phần trăm so với dự báo theo kịch bản cơ bản, chỉ đạt 6,3%, với giả định rằng các điều kiện tăng trưởng kinh tế bất lợi hơn. Các kết quả dự báo từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô của CIEM cho thấy, trong năm 2010 nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn năm 2009, nhưng lạm phát vẫn đứng ở mức cao và thâm hụt ngân sách chưa thể giảm xuống mức dưới 5% do tác động từ độ trễ của việc thực thi gói chính sách kích cầu của Chính phủ trước đó, báo cáo bình luận. Tuy nhiên, CIEM cũng lưu ý rằng, nếu như ưu tiên chính sách thay đổi, nghĩa là lựa chọn tốc độ tăng trưởng cao, thì tăng trưởng ở mức 6,8-7% là có thể đạt được nhưng Việt Nam phải đánh đổi bằng mức thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách nhà nước và lạm phát cao hơn.
Theo Anh Quân
VnEconomy
VnEconomy