Thi công 3 ca, 4 kíp
Theo kế hoạch ban đầu, ba dự án trên sẽ về đích trước 31/12/2022. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (dịch bệnh, báo giá, thiếu vật liệu xây dựng…) nên thời gian hoàn thành lùi đến trước 30/4/2023. “Đây là dự án đã lùi thời gian một lần đến 30/4/2023 và lần này dứt khoát phải quyết tâm hoàn thành đưa vào khai thác” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng hạ quyết tâm khi trực tiếp đến khảo sát, làm việc tại cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây mới đây.
“Tư lệnh” ngành GTVT cho biết, thời gian để hoàn thành hai dự án trên còn rất ít nên trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long và BQLDA 7 phải xây dựng lại phương án thi công. Chia khối lượng thi công theo từng ngày để tính toán phương án thi công cho phù hợp; kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc do nhà thầu gặp phải.
Hai BQLDA được yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện về đảm bảo chất lượng dự án; có chế tài xử lý những nhà thầu chậm tiến độ. Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu phải bố trí đủ nhân lực, máy móc, tài chính tổ chức thi công theo “3 ca, 4 kíp”, đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (GTVT), đến cuối tháng 3/2023, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết thi công đạt gần 80% giá trị hợp đồng. Mặt bằng vướng 1 hộ dân và 2 đường dây hạ thế ảnh hưởng đến thi công cầu vượt, 9 vị trí điện cao thế 500kV.
Còn tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, ngày 6/4, BQLDA cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, đến nay các hạng mục tuyến chính và các nút giao đang dần hoàn thành việc xây dựng, sắp đưa vào nghiệm thu để phục vụ thông xe vào dịp 30/4. Tại một số đoạn đường gom dân sinh, do một thời gian dài bị thiếu đất đắp nên gặp khó khăn, tiến độ không thể đảm bảo như kế hoạch đề ra.
Hiện các nhà thầu đã tập kết thiết bị máy móc sẵn sàng thi công các hạng mục đường gom dân sinh. Cụ thể, hiện 4 gói của dự án tính trung bình đạt trên 90% khối lượng. Tại gói thầu XL-03, XL-04 khối lượng đầu việc phải hoàn thành còn ít khi nhiều đoạn tuyết đang tiến hành sơn kẻ vạch đường, hoàn thành xong các hạng mục an toàn, lưới hàng rào. Với tiến độ như hiện nay, 30/4 tới dự án đủ điều kiện để thông xe.
Sớm đưa tuyến chính vào khai thác
Tại dự án Mai Sơn - QL45, ông Hồ Ngọc Loan - Phó Giám đốc BQLDA Thăng Long cho biết, đến nay cơ bản dự án được thực hiện đúng tiến độ; các hạng mục chính của dự án cơ bản đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành. Tính đến ngày 27/3, sản lượng thi công cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 đạt 89,5% giá trị xây lắp.
Trong đó, sản lượng thi công gói thầu 11-XL đạt hơn 94%; gói 12-XL đạt hơn 90%; gói 13-XL đạt hơn 95%; gói 14-XL đạt hơn 82%. Riêng tuyến chính, phần đường đã thi công móng cấp phối đá dăm đạt hơn 88%; móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng đạt gần 83%; bê tông nhựa rỗng đạt hơn 83%; bê tông nhựa C19 đạt gần 78%; bê tông nhựa C12,5 (lớp bê tông nhựa cuối cùng) đạt gần 70%.
Theo đại diện BQLDA Thăng Long, thời gian qua nhà thầu liên tục thi công 3 ca, 4 kíp, dự án cơ bản đáp ứng kế hoạch thông xe kỹ thuật đoạn từ đầu tuyến đến nút giao Đông Xuân (dài 53,09km). Riêng gói thầu 14-XL còn nhiều khối lượng thi công nhất. Đây là gói thầu gặp nhiều khó khăn khi nhiều đoạn có nền đất yếu. Do đó, nhà thầu được yêu cầu huy động nhân lực, máy móc, tài chính đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo tìm hiểu của PLVN, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án trên phải lùi thời gian thông xe kỹ thuật là do thiếu đất đắp nền nên việc hoàn thành các đường gom, đường dân sinh bị chậm. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2023, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu khoảng 920.000m³ đất nền, dự án Phan Thiết - Dầu Giây thiếu khoảng 620.000m³.
Cuối cùng, sau nhiều thủ tục, đến nay khối lượng vật liệu đất đắp nền trên cơ bản đã được giải quyết. Hiện, các nhà thầu đang dồn lực thực hiện 3 ca, 4 kíp, nỗ lực thông xe kỹ thuật tuyến chính trước 30/4; còn hệ thống đường gom ở một số vị trí sẽ hoàn thành sau.