Trong ngày họp cuối cùng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 20 tại Phnom Penh, Campuchia, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã cam kết sẽ thúc đẩy các nỗ lực để giải quyết những tranh chấp tại khu vực lãnh hải chồng lấn ở biển Đông.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 20. Ảnh: Phnompenh Post |
Theo TTXVN, tại phiên họp hẹp và Lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 20 diễn ra hôm qua (4/4), các nhà lãnh đạo cho rằng ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển chung ở khu vực, đồng thời phát huy vai trò trung tâm ở khu vực vì các mục tiêu trên, nhất là trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng tác động trực tiếp đến Hiệp hội.
Theo đó, ASEAN cần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử, phát huy vai trò và tác dụng của các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh vì hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Bên cạnh đó, ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên trong khu vực, kể cả các vấn đề an ninh phi truyền thống, đóng góp vào củng cố môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực.
Về vấn đề biển Đông, hãng tin AFP cho hay, tại phiên bế mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC, ASEAN cần thống nhất về các thành tố trong Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), làm cơ sở để ASEAN trao đổi với Trung Quốc.
Lãnh đạo của 10 nước ASEAN đã “tái khẳng định tầm quan trọng” của bản DOC trong việc cam kết thúc đẩy hòa bình và hiểu biết tại khu vực xảy ra tranh chấp. “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả và đầy đủ DOC dựa trên các hướng dẫn thực hiện DOC” – một tuyên bố chung cuối hội nghị 2 ngày khẳng định.
Tại phiên họp hẹp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu về các nội dung trọng tâm của Hội nghị và có những đề xuất quan trọng, tập trung vào các vấn đề khu vực cùng quan tâm như: biển Đông; hợp tác tiểu vùng, trong đó có Tiểu vùng sông Mekong; tăng cường vai trò của ASEAN ứng phó với các thách thức đang đặt ra như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh biển, đề nghị ASEAN sớm xây dựng một Tuyên bố về an ninh nguồn nước ở khu vực; về tăng cường các quan hệ đối ngoại của ASEAN và Đối thoại toàn cầu ASEAN. |
Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 3/4 nói rằng đã có sự “bất đồng lớn” trong việc có nên mời Trung Quốc tham gia vào việc soạn thảo COC – được xem là giải pháp nhằm ngăn chặn những căng thẳng leo thang trong khu vực vùng biển có tranh chấp. Campuchia – với tư cách là chủ tịch ASEAN trong năm 2012 - muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình soạn thảo COC trong khi các nước khác cho rằng ASEAN cần soạn thảo bộ quy tắc này trước khi đàm phán với Bắc Kinh.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong cuộc họp báo bế mạc hội nghị hôm qua đã bác bỏ những báo cáo về những rạn nứt trong quá trình đàm phán và phủ nhận việc đẩy vấn đề biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh. “Một số người có thể nghĩ rằng giữa ASEAN và Trung Quốc có những bất đồng về quan điểm. Đây là một suy nghĩ sai lầm” – ông Hun Sen nói và cho biết thêm rằng tất cả các bên đều cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Cũng trong phiên họp hôm qua, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đã kêu gọi các nước phương Tây dỡ bỏ cấm vận với Myanmar và kêu gọi kiềm chế trên bán đảo Triều Tiên khi Triều Tiên chuẩn bị cho vụ phóng tên lửa gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực. “Chúng tôi thúc giục tất cả các bên liên quan tự kiềm chế và không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến leo thang căn thẳng trên bán đảo Triều Tiên” - lãnh đạo các nước ASEAN trong tuyên bố chung viết. Bên cạnh đó, giới chức lãnh đạo ASEAN cũng kêu gọi sớm nối lại những cuộc đàm phán 6 bên “vì lợi ích hòa bình, an ninh và ổn định” trên bán đảo.
Minh Ngọc (Theo AFP, TTXVN)