Chỉ trong vòng hơn 20 năm, tính từ 1990 trở lại đây, ở Hà Nội đã có tới 21 hồ bị “xóa sổ” và hơn 150ha diện tích mặt nước hồ “bốc hơi”. Chung tay bảo vệ các ao, hồ là cách làm giảm bớt sự ô nhiễm trong không khí, giảm bớt sự ngột ngạt nhất là vào mùa hè.
Ao hồ trước các… nguy cơ
Nhắc tới ao hồ Hà Nội người ta thường nhắc đến hồ Gươm và hồ Tây . Nhưng còn biết bao hồ khác nằm rải rác khắp nơi tạo nên một không gian xanh trời, xanh nước, xanh Thủ đô như Hồ Trúc Bạch, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Ba Mẫu, Hồ Thủ Lệ, Hồ Ngọc Khánh, Hồ Linh Đàm, Hồ Hai Bà Trưng... Nhiều, nhiều lắm. Mỗi hồ mỗi vẻ với vẻ đẹp và truyền thống lịch sử riêng biệt.
“Cảnh quan” Hồ Ba Mẫu |
Cùng các các dòng sông, nhiều ao, hồ ở Hà Nội đang thoi thóp và đứng trước nguy cơ bị dân sống xung quanh đổ rác thải xây dựng, lấn chiếm. Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn địa bàn Thủ đô hiện chỉ còn 111 hồ với tổng diện tích 1.165ha, riêng hồ Tây đã chiếm hơn 500ha (gần 50% diện tích ao hồ). Người Hà Nội vừa là thủ phạm cũng lại chính là nạn nhân của thực trạng ao, hồ mất dần. Chỉ trong vòng hơn 20 năm, tính từ 1990 trở lại đây, ở Hà Nội đã có tới 21 hồ bị “xóa sổ” và hơn 150ha diện tích mặt nước hồ “bốc hơi”.
Trong khi đó nạn ô nhiễm ao, hồ ở Hà Nội đã trên mức báo động. Có tới hơn 90% ao, hồ Hà Nội đang bị ô nhiễm. Đó là kết quả nghiên cứu môi trường của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR). Nhiều cống thải của các hộ gia đình và hàng quán cũng thải thẳng ra hồ không qua xử lý, là nguồn phốt pho và nitrat làm tăng các loại thực vật nổi và tảo. Các loại tảo có vòng đời rất ngắn, khi chết đi sẽ tích tụ dưới đáy hồ ngày một nhiều, làm giảm thể tích hồ.
Mặt khác, quá trình phân hủy tảo cần có một lượng lớn ôxy trong nước, vì vậy sẽ làm giảm lượng ôxy hoà tan trong hồ, gây ảnh hưởng đến các loài động vật thuỷ sinh và tạo ra khí có mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh ao, hồ.
Qua nghiên cứu môi trường của 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ tại 6 quận trung tâm TP Hà Nội chỉ có 6 hồ đạt chất lượng yêu cầu về tiêu chuẩn. Cũng theo đơn vị này có 80% hành lang bờ bị ô nhiễm và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm làm bãi đỗ ôtô, tụ điểm tập kết phế liệu và rác thải. Những hồ lớn như hồ Tây, từ năm 1987 đến nay đã bị “hao” diện tích tới 50ha; hồ Trúc Bạch bị mất gần 1/4 diện tích. Một số hồ giờ chỉ còn nghe tiếng chứ thật ra đã bị xóa sổ! Đó cũng là một phần nguyên nhân cứ đến mùa mưa người dân Hà Nội lại... chạy lụt.
Hiện tượng đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác thường xuyên diễn ra ở các hồ chưa được kè, trong khu vực dân cư. Rác thải xả trực tiếp xuống hồ là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm lòng hồ bị bồi lắng, thu hẹp diện tích sử dụng, giảm khả năng điều hòa thoát nước.
Chung tay bảo vệ môi trường
Hiện nay, Hà Nội còn hơn 60 ao, hồ chưa được cải tạo, chiếm khoảng gần 2/3 tổng số hồ của thành phố. Môi trường các hồ này đang ô nhiễm nghiêm trọng. Lại có hồ nước qua nhiều năm lắng cặn, không được nạo vét, dân xung quanh cấy rau muống nên hồ biến thành ruộng. Trước tốc độ xuống cấp nghiêm trọng của các hồ Hà Nội, năm 2009, UBND TP Hà Nội tiến hành thí điểm công tác xử lý ô nhiễm đối với 7 hồ gồm: hồ Quỳnh, hồ Xã Đàn, hồ Ngọc Khánh, hồ Hai Bà Trưng, hồ Ao đình Ngọc Hà, hồ Dài và hồ Kim Liên.
Năm 2010, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội dự kiến tiến hành xử lý ô nhiễm tại 26 hồ lớn trong nội đô để trả lại vẻ đẹp cảnh quan cũng như đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp khu dân cư xung quanh. Cùng với TP. Hà Nội cũng sẽ xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 12 bệnh viện và trung tâm y tế, đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại các khu, cụm, điểm công nghiệp...
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tâm sự: “Lần đầu tiên trở về Hà Nội sau nhiều năm công tác ở Mỹ, tôi nhận ra rằng, Hà Nội thật đẹp với các hồ tự nhiên. Tuy nhiên, những năm gần đây với tốc độ phát triển đô thị một cách chóng mặt, các hồ ở Hà Nội ngày càng bị ô nhiễm nặng và thu hẹp. Đó cũng chính là lý do tôi thành lập Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng với mong muốn kêu gọi, gắn kết các tổ chức, các cá nhân cũng như cộng đồng cùng tham gia bảo vệ các hồ ở Hà Nội”.
Trung tâm CECR cũng mới thành lập trang web “hồ Hà Nội” tại địa chỉ http://www.cecr.vn với mục đích kết nối cộng đồng nhằm gìn giữ và bảo vệ các hồ ở Hà Nội, hỗ trợ sự hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia môi trường, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư quanh hồ. Đây là nơi truy cập thông tin khoa học, giúp tìm hiểu các phương thức truyền thống và hiện đại để bảo vệ hồ, đóng góp các sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm để chung tay bảo vệ, giám sát môi trường xung quanh các hồ.
Bên cạnh trang web “hồ Hà Nội”, CECR còn xây dựng một số bản đồ định vị các hồ trong 6 quận trên bản đồ Hà Nội. Từ bản đồ này sẽ xác định được toàn cảnh hiện trạng các hồ một cách tương đối chính xác, xây dựng các mô hình bảo tồn, du lịch văn hóa liên quan, các con đường sinh thái, du lịch nối liền các hồ lại với nhau, tạo ra những cảnh quan sinh thái đẹp cho Hà Nội.
Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm ở các dòng sông, mặt hồ Hà Nội bước đầu dần được cải thiện. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức đó thì sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng cùng với một lượng kinh phí không nhỏ sẽ thành vô nghĩa.
Cuộc chiến giải cứu các ao, hồ trên địa bàn thành phố và các vùng phụ cận vô cùng tốn kém và phải có sự kết hợp của nhiều ngành chức năng, và dựa vào ý thức người dân. Mỗi người phải ý thức chung, gìn giữ bảo vệ môi trường sống của mình. Tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đang hoạt động sinh sống cạnh ao, hồ phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; bắt buộc 100% các cơ sở mới đầu tư xây dựng phải có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
Nếu mỗi người, mỗi cơ sở, cơ quan chức năng không tự đứng lên, cứu lấy ao, hồ thì nguy cơ ô nhiễm nặng toàn thành phố và các ao hồ sẽ bị bức tử, bị “bốc hơi” là điều không thể tránh khỏi trong ít năm tới.
Sơn Bình