Người đòi nợ cùng gánh tội cướp với người đi đòi cho dù việc làm duy nhất của họ là… nhờ đòi nợ.
Ngày 1/2/2013, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên án đối với 22 bị cáo trong vụ án “cướp tài sản” gây tranh cãi được Tòa xét xử trong 10 ngày qua. Kết thúc phiên tòa, 23 bị cáo đã bị buộc tội với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Bản án sơ thẩm gây tranh cãi nhất là việc buộc tội đối với các bị cáo vốn là chủ nợ bị chậm nợ nên phải ủy quyền cho ông Hoàng Hữu Thảo đứng ra đòi.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thùy Linh, người có khoản nợ hơn 3,2 tỷ đồng đã nhờ Hoàng Hữu Thảo đứng ra đòi đã khai: kể từ khi đến hạn trả nợ, anh Hoàng Công Sơn đã không trả nợ. Linh đã nhiều lần đến đòi nhưng không được. Thậm chí, việc kiện ra tòa án cũng không được. Bị cáo Linh cũng cho biết, đã nhờ đến “công an” để đòi tiền đối với anh Sơn nhưng cũng chỉ đòi được 10 triệu đồng.
Vì thế, Linh đã nhờ Hoàng Hữu Thảo đòi nợ và bằng việc gây áp lực buộc anh Sơn phải trả nợ. Với cách làm của Hoàng Hữu Thảo, không chỉ Thảo và những người cùng đi đã bị truy tố về tội cướp tài sản mà bản thân chủ nợ là Nguyễn Thùy Linh cũng mang tội cướp.
Theo anh Hoàng Công Sơn, bị hại của vụ án thì khi anh Sơn gặp Linh thì Linh bảo anh Sơn là đã nhờ Hoàng Hữu Thảo đòi nợ nhưng anh Sơn nói “chỉ nợ Linh thì trả chị Linh còn không trả ai cả” liền bị Hoàng Hữu Thảo đánh. Lúc này Linh đã can ngăn Thảo cùng một số thanh niên đi cùng không đánh anh Sơn. Song, kết quả của việc can ngăn này cũng như việc ủy quyền đòi nợ là một bản án 3 năm tù cho hưởng án treo về tội cướp tài sản.
Cũng giống như Nguyễn Thùy Linh, bà Vi Thị Phòng có khoản nợ gần 1,4 tỷ đồng mà vợ chồng bà Vi Thị Hoạt chưa trả. Khi bà Hoạt nhiều lần không đòi được khoản nợ trên đã nói chuyện với Hoàng Hữu Thảo và Thảo nói sẽ đòi được nợ. Vì vậy, bà Phòng đã ủy quyền cho Thảo đứng ra đòi khoản tiền mà bà Hoạt đang nợ. Bà Phòng còn viết giấy và bảo Thảo đòi nợ và nếu Thảo làm sai pháp luật thì tự chịu
Khi đến gặp bà Hoạt để đòi tiền, bà Hoạt bảo Thảo chờ phải chờ đi lấy tiền để trả bà Phòng. Khi bà Hoạt đồng ý gán nợ bằng ngôi nhà, bà Phòng còn phải thống nhất với vợ chồng bà Hoạt để giải chấp ngôi nhà và gọi người góp thêm 500 triệu đồng cho vợ chồng bà Hoạt để giải chấp ngôi nhà đang thế chấp và đối trừ ngôi nhà với khoản nợ 2 tỷ đồng.
Nhưng khi mọi việc xong xuôi thì vợ chồng bà Hoạt đổi ý dẫn đến việc Hoàng Hữu Thảo đã đánh và buộc ông Hoạt, yêu cầu phải giao giấy tờ nhà đất. Vì thế, Thảo bị truy tố về tội “cướp nhà” của vợ chồng bà Hoạt. Điều chớ trêu là bà Vy Thị Phòng cũng bị truy tố về tội cướp tài sản trong vai trò đồng phạm với Hoàng Hữu Thảo.
Việc Hoàng Hữu Thảo đánh “con nợ” không hề “bàn bạc” với chủ nợ và bà Vy Thị Phòng hoàn toàn không kiểm soát được việc làm trái pháp luật của người được ủy quyền. Thế nhưng, ại phiên tòa sơ thẩm, VKS đã giữ nguyên cáo trạng và đề nghị Tòa án xử phạt bà Phòng từ 12 đến 13 năm tù giam vì đã “đồng phạm” với Hoàng Hữu Thảo. Tòa án đã xử bà Vy Thị Phòng 12 năm tù giam.
Trong vụ án này, ngoài các chủ nợ “dính” tội cướp tài sản khi ủy quyền cho người khác đi đòi nợ thì nhiều kẻ “ăn theo” khác cũng dính tù tội. Một số bị cáo khai trước tòa là không hề biết gì về việc đi đòi nợ mà chỉ đi theo Hoàng Hữu Thảo; khi xảy ra sự việc thì cũng chỉ đứng quan sát. Nhưng, do là nhóm người mà Thảo gọi đi cùng nên các bị cáo này đều bị kết tội cướp tài sản do họ có vai trò là làm cho con nợ khiếp sợ mà phải trả nợ. Những vấn đề nổi cộm của vụ án này cần được cấp phúc thẩm xem xét một cách thấu đáo để không làm oan người vô tội.
Việc xác định đồng phạm trong vụ án này đang gây tranh cãi trong giới luật sư. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Cường để làm rõ hơn các tình tiết gây tranh cãi của vụ án.
Thưa Luật sư, trường hợp chủ nợ cùng người được ủy quyền đi đòi nợ mà người được ủy quyền dùng vũ lực đối với người có nợ thì theo ông chủ nợ có phạm tội hay không?
- Trong vụ án này, cần phải làm rõ ý thức chủ quan của người có hành vi cướp tài sản và người có hành vi đồng phạm cướp tài sản. Nếu xác định hành vi của bị cáo Hoàng Hữu Thảo là hành vi cướp tài sản thì cần xem xét các chủ nợ và những người đi theo có cùng cố ý thực hiện hành vi cướp của Hoàng Hữu Thảo hay không.
Theo Điều 20, đồng phạm là hành vi cùng cố ý thực hiện tội phạm. Những người đồng phạm có cùng mục đích, hiểu được ý nhau và phân công thực hiện tội phạm. Trong các trường hợp trên, việc xác định chủ nợ là đồng phạm là khiên cưỡng. Vì, các chủ nợ không có bàn bạc với Hoàng Hữu Thảo về việc dùng vũ lực với chủ nợ mà những hành vi đánh người đang nợ là hành vi mang tính đột xuất của Thảo. Bản thân chủ nợ còn đứng ra can ngăn Thảo không cho đánh người bị nợ. Do đó, trường hợp này nếu xác định hành vi của Thảo là cướp tài sản thì những chủ nợ cũng không cùng ý chí, không cùng cố ý thực hiện hành vi đánh người đang nợ tiền để buộc họ trả nợ. Vì vậy, quy kết là đồng phạm là không phù hợp.
Nhưng các cơ quan tố tụng cho rằng, chủ nợ là người hưởng tài sản từ việc dùng vũ lực của Thảo vì thế họ phải chịu trách nhiệm hình sự. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Trong vụ việc này, chủ nợ chỉ đi đòi nợ chứ họ không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực ngay lập tức đối với con nợ. Do đó, họ không cướp tài sản.
Việc Hoàng Hữu Thảo đánh con nợ và buộc con nợ trả tiền cho chủ nợ, nếu sai thì Hoàng Hữu Thảo phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nói cách khác, người được ủy quyền làm sai thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dựa trên nguyên tắc “lỗi”, người ủy quyền không thể chịu trách nhiệm đối với lỗi của người khác gây ra, kể cả lỗi đó là lỗi của người được ủy quyền. Do đó, tôi cho rằng việc kết luận các chủ nợ là “đồng phạm” mà không dựa trên cơ sở xác định lỗi của họ là không khách quan, không đúng pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Bình Minh