Sát hại bạo tàn đúng ngày giỗ cha
Nhận thấy bị cáo đã không còn khả năng giáo dục và cải tạo được nữa nên Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tuyên phạt Chu Mạnh Thắng (SN 1975, trú ở ngõ 1, phố Khâm Thiên, phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) tử hình về tội “Giết người”.
Nguồn cơn liên quan đến hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng này của Thắng diễn ra từ 7 năm trước. Đó là một ngày cuối tháng 9 năm 2009, Chu Mạnh Thắng tổ chức cúng giỗ cha tại nhà riêng. Có mặt tại đám giỗ, ngoài những người thân thích trong gia đình Thắng còn có anh Nguyễn Quốc Bảo (SN 1991), trú cùng phố Khâm Thiên.
Sau khi ăn giỗ xong, tối cùng ngày, anh Bảo nhờ Hoàng Đăng Sơn đưa sang nhà hàng xóm xin lại đôi giày. Nhưng tại đây, ông hàng xóm cho rằng không biết và từ chối thì bất chợt con nuôi ông là anh Trần Quang Thảo “tiện” nhắc lại khoản nợ giữa họ làm không khí đôi bên bỗng nhiên trở nên phức tạp.
Không xin được giày lại bị nhắc nợ, Sơn cùng Bảo quay về nhà Thắng và rủ mọi người đi uống cà phê, trong đó có cả Chu Mạnh Toàn. Trong khi mọi người rủ nhau đi bộ phía trước thì Thắng giắt dao nhọn vào người đi phía sau theo… thói quen(?!).
Ra tới mặt phố Khâm Thiên, thấy anh Thảo và bạn bè đang ngồi xôm tụ nên Sơn tiếp tục đi vào xin lại đôi giày cho Bảo nhưng vẫn không được. Sự việc này dẫn đến hệ lụy đôi bên cãi chửi nhau. Đúng lúc đó, Thắng tiến tới và xông vào quán phở đánh nhóm anh Thảo loạn xạ.
Cơn bực dọc vì không lấy được đôi giày như được đà hả hê, thay vì can ngăn hành vi côn đồ của người thân, Sơn và Toàn cũng lập tức dùng cốc chén, bát đĩa có sẵn ở quán tấn công anh Thảo cùng nhóm bạn. Thậm chí một số người đến can ngăn cũng bị anh em, cậu cháu Thắng “đánh lây”.
Cũng bất ngờ không kém do trận đòn “trời ơi” vô cớ, nhiều người trong nhóm Thảo bỏ chạy, riêng Tú bị nhóm của Sơn đuổi kịp. Mặc dù không có mâu thuẫn gì, nhưng Tú lại bị nhóm người trên dùng dao đâm một nhát vào ngực phải. Chưa dừng lại cả ba tên này còn dùng tay, chân đấm đá nhiều nhát vào người anh Tú khiến anh này nằm gục trên vũng máu. Chỉ tới khi đó, Sơn, Toàn, Thắng mới dừng tay và bỏ chạy. Anh Tú được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong trên đường tới bệnh viện.
Về phần cậu cháu Thắng, gây án xong cả ba đều bỏ trốn. Sau một thời gian ngắn, do hồi tâm chuyển ý, Toàn ra đầu thú. Thắng bị Công an quận Đống Đa ra Quyết định truy nã số 40, sau đó ra quyết định tạm đình chỉ điều tra và tách vụ án hình sự đối với Chu Mạnh Thắng, khi nào bắt sẽ xử lý sau.
Và rồi sau gần 6 năm trốn tránh pháp luật, ngày 23/7/2015, đối tượng bị công an quận Tây Hồ yêu cầu kiểm tra hành chính, Thắng xuất trình Giấy chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Hữu Tùng (SN 1981, trú tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Tuy nhiên, cảnh sát đã nhanh chóng xác định Giấy chứng minh nhân dân trên là giả mạo.
Hơn nữa, khi kiểm tra túi xách mà Thắng mang theo, cảnh sát còn tìm thấy 1 con dao găm, 1 khẩu súng và 6 viên đạn cùng nhiều thẻ ATM. Thắng liền bị bắt giữ khẩn cấp về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Từ đó, hành vi giết hại anh Tú dã man của Thắng tiếp tục bị phục hồi điều tra và xử lý.
Theo tài liệu của cơ quan công an, trước khi cùng em trai gây ra vụ án trên, Chu Mạnh Thắng đã có tiền án về tội cướp tài sản. Quá trình trốn truy nã với tên giả Nguyễn Hữu Tùng, Thắng lang bạt khắp nơi. Khi ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, rồi ngang nhiên trở về Hà Nội làm nghề “xe ôm” …
Phiên toà có 2 án tử
Bị thẩm vấn tại tòa, Thắng hoàn toàn thừa nhận cùng đồng bọn vô cớ giết hại nạn nhân như cáo trạng truy tố. Trên cơ sở ấy và xét thấy bị cáo đã mất hết nhân tính nên Hội đồng xét xử sơ thẩm Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đi đến quyết định áp dụng mức án cao nhất là loại bỏ Chu Mạnh Thắng ra khỏi đời sống xã hội. Cùng đó, Chu Mạnh Toàn, Hoàng Đăng Sơn (em trai ruột và cậu họ Thắng) cũng đã bị Toà án nhân dân Tối cao lần lượt áp dụng 14 năm tù và 20 năm tù giam cùng về tội danh “Giết người”.
“Hoàn cảnh thì nhà tôi cũng hoàn cảnh. Con tôi vô tội lại không một chút liên quan mà bị sát hại dã man trong khi chỉ còn 7 ngày nữa là được nhận công tác...” - Tính đến nay, sự việc trôi qua đã 7 năm nhưng phiên xử như khơi lại bao kí ức, bao hi vọng, tương lai đã mất trong gia đình bị hại.
Sự lặng lẽ của họ là minh chứng rõ ràng cho thấy không phải cứ thời gian là có thể xoa dịu hay xoá nhoà; không phải vật chất hay kinh tế là có thể bù đắp lại được nỗi mất mát về con người. Nhưng trong phiên xử ấy, ở một góc phòng, dù có cố gắng đến mấy, tiếng khóc dấm dứt cũng chẳng dễ kìm nén lại… đó là mẹ của Thắng.
Xuất hiện trong phiên tòa, mẹ Thắng cũng có mặt. Bị tai biến, bà khó nhọc chống gậy lê từng bước lên tầng 3 của phòng xét xử. Dưới lớp quần áo thùng thình, nhăn nhúm, thân hình xanh xao, tiều tụy, gầy guộc của bà chỉ còn lại da bọc xương cứ đau đáu, lẩy bẩy từng chập đưa chiếc khăn chẳng còn rõ màu lên thấm bớt nước cho đôi mắt đỡ nhoà…
Nhưng dường như có thấm đến mấy cũng chẳng khiến đôi mắt ấy bớt quầng lên những sầu muộn: “Hai con trai của tôi, một đã chết trong trại giam, con dâu lại đang bị ung thư, mong tòa giảm nhẹ tội cho con tôi”. Vừa nói, thân hình bà run rẩy, phải vịn vào cây gậy. Bà đưa ánh mắt van nài, mong được tha thứ về phía gia đình bị hại.
Nói trong nghẹn ngào, bà cho hay đứa con trai thứ hai của bà cũng đã chết trong trại, con dâu lại đang bị ung thư, tuy Thắng có sống trốn chui trốn lủi thì bà cũng còn có niềm tin, niềm hi vọng để trông cậy. Vì chỉ còn mình Thắng nên bà chỉ biết cầu xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho con mình…
Nghe những lời cầu xin tha thiết của người mẹ bệnh tật thốt ra khó nhọc, không được tròn vành rõ tiếng, đứa con trai tội đồ của bà cũng thẫn thờ quay mặt xuống nói lời xin lỗi với gia đình nạn nhân. Biết lời xin lỗi đã quá muộn màng, Thắng thành khẩn cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội trở về bên gia đình, báo đáp, phụng dưỡng người mẹ già tội nghiệp.
Mười lăm phút nghị án mà tưởng như dài hàng giờ đồng hồ… Những tiếng dấm dứt yếu ớt tựa như vết khứa vào tâm can những người dự khán hôm ấy. Một bên là trông mong đã tắt, một bên là những hi vọng mong manh… tất thảy cứ giăng chặt lấy không gian chật chội của phòng xử. Giá như thói ngông cuồng được tiết chế, giá như hành xử bình tĩnh, có suy xét hơn thì đã không gây ra những hậu quả chấn động kéo dài đến hôm nay. Tất thảy những “giá như” ấy sắp được hồi đáp bằng bản án của pháp luật và cả bản án của lương tri…
Hội đồng xét xử xét thấy hành vi của Thắng hết sức côn đồ và coi thường pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, hơn nữa, trước đó bị cáo phạm tội chưa được xóa án tích không còn khả năng giáo dục và cải tạo được nữa nên Toà án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định tuyên phạt Chu Mạnh Thắng án tử hình về tội “Giết người”.
Án tử đã tuyên, Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà đã ký, bị cáo được giao cho cảnh sát đưa về trại giam chờ thi hành án. Cánh cửa xe chở phạm lạnh lùng khép lại, khép cả những hy vọng mong manh, khép lại luôn quãng thời gian đáng lẽ phải là hưởng thụ, phải là vui vầy của người goá phụ gầy yếu.
Nhìn theo chiếc xe lăn bánh trên nền sân bỏng rãy giữa trưa hè oi nắng, người mất con nín lặng bằng lòng trước kết quả xét xử nhưng cũng gợn chút lăn tăn khi thấy người mẹ già đã từng mất đi một đứa con và sắp mất nốt đứa con trai còn lại đơn độc, lẩy bẩy chống gậy ra về trong vô vọng…/.