Người phải thi hành án là người nước ngoài đang thụ hình nhưng không có tài sản để thi hành, hồ sơ ủy thác tư pháp gửi đi nhưng không có kết quả hay đơn giản là những giấy tờ tài sản liên quan đến người nước ngoài cần trả lại cho "khổ chủ" trong khi người nước ngoài đã về nước... là những khó khăn mà các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đang gặp phải khiến lượng án tồn ở địa phương có xu hướng tăng.
Nhiều việc không thể ủy thác tư pháp
Luật THADS có 1 điều duy nhất quy định về tương trợ tư pháp về dân sự trong THA (Điều 181). Tuy nhiên vì Luật chưa quy định cụ thể về thủ tục uỷ thác tư pháp quốc tế về THADS cũng như việc xác minh điều kiện THA và thực hiện việc THA tại nước ngoài như thế nào nên các cơ quan THA gặp rất nhiều lúng túng.
Theo ông Phạm Văn Thành, Cục THADS Quảng Nam thì các khó khăn thường gặp là trường hợp người phải THA là người nước ngoài, địa chỉ cư trú đã được ghi cụ thể trong bản án, họ đã chấp hành xong hình phạt tù và đã hồi hương về nước. Tuy nhiên việc xác minh về nhân thân, tài sản của người phải THA ở nước ngoài hiện nay cơ quan THADS không thể thực hiện được, do đó không có cơ sở để hoãn THA theo Điều 48 Luật THADS và cũng không có căn cứ để đình chỉ THA theo Điều 50 của Luật này.
Dạng thứ hai là những bản án, quyết định của Tòa án mà đương sự là người nước ngoài, mà quốc gia nơi người đó mang quốc tịch chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, khiến cho việc ủy thác tư pháp không thể thực hiện được.
Đương sự là người phải thi hành khoản nộp ngân sách nhà nước, chưa thi hành xong phần nghĩa vụ của mình, nhưng hiện tại đã trở về nước và không để lại tài sản gì ở Việt Nam, cơ quan THADS đã thực hiện mọi biện pháp, nhưng việc THA vẫn không có kết quả hoặc có xác ninh được địa chỉ, nhưng không thể tiến hành các thủ tục ủy thác tư pháp được do Việt Nam chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp với nước mà người phải THA là công dân.
Nếu thực hiện việc yêu cầu nước sở tại công nhận và cho thi hành bản án tại nước đó thì hiện nay chưa quy định cơ quan nào có trách nhiệm thực hiện việc này (vì đây là khoản thu cho ngân sách nhà nước).
Ngoài ra, cũng theo ông Thành, có một số tình huống khác, như: trường hợp người nước ngoài phạm tội bị bắt, khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án tuyên vô tội và họ đã hồi hương, nhưng tang vật vụ án mà họ được nhận lại vẫn đang bảo quản tại kho cơ quan điều tra hoặc kho cơ quan THADS rất khó được xử lý vì nhiều lý do.
Bên cạnh đó, vướng mắc mà địa phương gặp phải là những trường hợp đã ủy thác mà không có kết quả hay có kết quả nhưng chưa đúng và đầy đủ thì có phải tiếp tục ủy thác hay không?
Chỉ ủy thác đến lần thứ hai
Với việc sửa đổi Nghị định 58/CP về thủ tục THADS vấn đề tương trợ tư pháp về THADS đã cụ thể hơn. Theo đó dự thảo sửa đổi quy định đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành văn bản giấy tờ đó xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cơ quan ban hành văn bản giấy tờ đó có trụ sở ở nước ngoài thì cơ quan THA có văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp theo điều 181 Luật THADS.
Riêng vấn đề về xử lý kết quả ủy thác tư pháp, Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/CP quy định: trường hợp nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì cơ quan THADS căn cứ vào tài liệu để giải quyết vụ việc nếu xét thấy tài liệu đã đúng và đủ theo nội dung yêu cầu; trường hợp tài liệu, chứng cứ chưa đúng hoặc chưa đủ thì cơ quan THADS tiếp tục ủy thác theo thủ tục chung.
Sau 6 tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì cơ quan THADS đã yêu cầu ủy thác tư pháp căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để giải quyết việc THADS theo thủ tục chung mà không phải tiếp tục yêu cầu ủy thác tư pháp.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết miễn THA đối với khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành do Bộ Tư pháp soạn thảo cũng đang tính đến việc sẽ miễn cho những vụ việc mà người phải THA là người nước ngoài, nhưng quốc gia nơi người đó mang quốc tịch chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt nam khiến cho việc ủy thác không thể thực hiện được. Theo thống kê tính đến ngày 1/7/2009 (ngày Luật THADS có hiệu lực) số việc này còn tồn khoảng trên 120 việc.
Việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án, việc tiếp nhận và xử lý uỷ thác tư pháp về thi hành án của nước ngoài trong quá trình thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp; Cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án phải lập hồ sơ uỷ thác tư pháp theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp. (Điều 181 Luật THADS) |
Việt Hòa