Sau sự cố tàu tự hành đâm va vào cầu xe lửa Tam Bạc, những người có trách nhiệm không khỏi lo ngại trước những vi phạm trên toàn tuyến ảnh hưởng tới việc chạy tàu của ngành đường sắt.
Hành lang đường sắt từ cảng Hoàng Diệu đi cảng Chùa Vẽ bị chiếm dụng Ảnh: Nhật Lệ |
11 điểm giao cắt và gần 200 đường ngang
Tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng chạy qua thành phố Cảng dài 25km đi qua 25 xã, phường của các quận, huyện: Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng, An Dương. Trong đó có 2 tuyến nhánh vào cảng Vật Cách và Công ty xăng dầu Khu vực 3, tuyến chính đi vào giữa trung tâm thành phố Hải Phòng. Điều đáng nói là trên tuyến chính có tới 11 điểm giao cắt với đường bộ và gần 200 đường ngang vào các cơ quan, khu dân cư được phép mở và tự mở. Đặc biệt, cầu xe lửa Tam Bạc hiện đang sử dụng chung với đường bộ và liên quan tới hoạt động thủy nội địa trên tuyến sông đào Thượng Lý. Do chưa được đầu tư lớn, các nút giao giữa đường sắt và đường bộ bằng mức, chưa có đường dành riêng cho xe lửa, việc chạy tàu trên tuyến bị ảnh hưởng bởi hoạt động đường bộ và thủy nội địa. Vào thời điểm tàu hỏa hoạt động, nhân viên chốt các đường ngang rất khó khăn khi đẩy chắn tàu để bảo đảm ATGT nói chung và chạy tàu nói riêng. Mặc dù chắn tàu có bánh xe theo từng đoạn để các phương tiện đường bộ thoát nhanh khi tàu hỏa chạy qua, nhưng nhiều nhân viên đường sắt vẫn phải nghe những lời tục tĩu của không ít người khi phải dừng xe máy trước chắn tàu.
Bên cạnh đó, hành lang an toàn đường sắt qua địa phận Hải Phòng hiện còn nhiều vi phạm chưa được giải quyết triệt để, đáng chú ý là đoạn từ cổng 1 Cảng Hải Phòng tới cảng Chùa Vẽ. Ngay trước cổng 3 Cảng Hải Phòng, nhiều năm qua tồn tại dãy hàng quán sát tường cùng cơ sở thu mua gỗ phế liệu bày tràn xuống lòng đường che khuất tầm nhìn của các chủ phương tiện đường bộ khi có tàu hỏa chạy tới. Ở đây không có chắn tàu, mỗi khi tàu hỏa chạy qua đường Lê Thánh Tông, nhân viên chạy tàu phải dùng còi, thậm chí chạy bộ dẫn tàu. Từ cổng 1 Cảng Hải Phòng đến Cảng Chùa Vẽ tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt còn nghiêm trọng hơn. Các cơ sở thu mua phế liệu bày tràn lan từ mép nhà qua đường tàu đến tận lòng đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chạy tàu. Trước cửa Chi cục Hải quan 2, do mặt bằng chật, hàng chục ô-tô của các chủ hàng vào làm thủ tục thường xuyên đậu đỗ trên lòng đường sắt, khiến nhân viên đường sắt phải đi tìm chủ xe, “nhờ bác cho em đi nhờ”(!). Tình trạng trên diễn ra khá lâu, sau những lần ra quân của các lực lượng chức năng, đâu lại đóng đó. Tại hội nghị tổng kết trật tự an toàn giao thông đường sắt, các đại biểu giật mình khi có tới 1000 trường hợp vi phạm bị xử lý, phạt tiền qua kho bạc hơn 100 triệu đồng.
Cải tạo hạ tầng và xử lý nghiêm vi phạm
Trong năm 2010, ngành đường sắt phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương giữ gìn trật tự ATGT đường sắt, bước đầu đạt kết quả nhất định. CSGT thường xuyên bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị đường sắt, các ga, cung đường tuần tra kiểm soát trên tuyến, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm hành lang đường sắt như làm công trình phụ, xây tường rào, làm nhà ở, đổ đất, phế thải xây dựng ra lòng đường sắt. Cơ quan chức năng buộc hàng trăm lượt trường hợp để vật liệu xây dựng hàng hóa, làm lều quán, căng bạt cắt tóc, tháo dỡ, di chuyển ra khỏi phạm vi hành lang đường sắt bảo đảm chạy tàu an toàn.
Song điều đáng nói là, việc xử lý xem ra còn nhẹ tay và chưa thường xuyên, tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt chưa giải quyết triệt để. Bước sang năm 2011, nâng cao hiệu lực phối hợp bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn Hải Phòng, các đơn vị thực hiện hiệu quả Quy chế 2758/QCPH giữa công an, ngành đường sắt và chính quyền địa phương có đường sắt đi qua. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các hộ, khu dân cư sinh sống cạnh đường sắt. Ngành đường sắt sớm cải tạo chắn tàu tại cầu Tam Bạc, chắn ngã sáu Máy Tơ, mở rộng chắn METRO tại km 98+250 đạt độ rộng 100% của đường bộ qua đường sắt (hiện mới chỉ bằng 2/3 chiều ngang đường bộ, khiến tình trạng thắt cổ chai, khi có tàu hoạt động thường xuyên ùn tắc). Ngành đường sắt cũng cần đầu tư chắn có người gác các đường ngang giữa đường sắt và đường bộ tại ngã tư Lê Thánh Tông- Lê Lai. Tiến hành cắm mốc chỉ giới hành lang ATGT đường sắt, sau khi giải tỏa theo Quyết định 1856 của Chính phủ phải đầu tư xây dựng bờ rào hai bên cách đường sắt 3m, phần còn lại làm đường gom dọc hai bên tuyến để tránh tái lấn chiếm, hạn chế các đường ngang tự mở qua đường sắt.
Về lâu dài, cần đầu tư kinh phí xây dựng cầu, đường dành riêng cho đường bộ cạnh cầu xe lửa Tam Bạc hiện tại. Nhất là có phương án ngăn chặn và khống chế khổ thông thuyền dưới các cầu đường sắt để bảo vệ an toàn tuyệt đối hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa tại nút giao thông trọng điểm này.
Tú Anh