13 phụ nữ, từ những cô gái trẻ trung xinh đẹp đến bà già 85 tuổi sống trong khu vực thành phố Boston bị giết chết, đa số bị hãm hiếp và xiết cổ bằng quần áo, tất đi trong nhà của họ trước khi chết. Những vụ giết người hàng loạt rùng rợn xảy ra, nhưng hung thủ là ai vẫn còn là ẩn số...
Gã thợ may "hâm dở"
Vào đầu những năm 1960, ở thành phố Cambridge (bang Massachusetts, Mỹ) xuất hiện một “thợ may đo” trạc 30 tuổi hay đi gõ cửa từng nhà và nếu người mở cửa là phụ nữ trẻ, thì anh ta sẽ tự giới thiệu mình được một hãng thời trang gửi tới để đo người cho cô và hỏi các thông tin khác, nếu cô thật sự quan tâm tới đề nghị trở thành người mẫu trình diễn thời trang của hãng với tiền công là 40 USD giờ.
Một số cô gái trẻ đã cho phép anh ta vào nhà để lấy số đo cơ thể các cô. Tuy nhiên, khi chẳng thấy ai mời mình đi trình diễn thời trang, một số đã gọi điện báo cảnh sát.
Albert DeSalvo |
Vào tháng 3/1961 cảnh sát Cambridge bắt được Albert DeSalvo, 29 tuổi, có vài tiền sự về tội đột nhập và ăn cắp tiền, đang tìm cách đột nhập một căn hộ. Bị thẩm vấn, hắn thú nhận chính mình là “thợ may đo” nói trên. Hắn khai đi lừa các cô gái chỉ để chứng tỏ hắn thông minh hơn, mặc dù ít học và không có tài sản gì. Sau 18 tháng ngồi tù, tháng 4/1962 DeSalvo ra tù, tiếp tục kiếm tiền nuôi vợ và hai con.
Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau khi DeSalvo ra tù, tại Boston, thủ phủ bang Massachusetts liên tiếp xảy ra những vụ giết người mà nạn nhân là nữ.
Những xác chết bị bóp cổ
Tối 14/6/1962, khi tới đón mẹ đi dự lễ nhà thờ, con trai của Anna Slesers, một phụ nữ độc thân khá đẹp sống bằng nghề may, phát hiện xác bà nằm trong bồn tắm với sợi dây của chiếc váy bà mặc quấn quanh cổ. Khám nghiệm pháp y cho thấy Anna bị hãm hiếp rồi mới bị xiết cổ. Đồ đạc trong nhà bị xáo trộn tứ tung nhưng những đồ vật có giá trị như đồng hồ bằng vàng và một số đồ trang sức vẫn để nguyên tại chỗ.
Cảnh sát được biết thêm là Anna hầu như không gặp gỡ với bất kỳ người đàn ông nào khác, ngoài con trai mình.
Sau đó vài tuần, Nina Nichols, 68 tuổi, đã bị giết tại căn hộ của bà ở đại lộ Commonwealth, khu Brighton của Boston. Nạn nhân là nhà vật lý trị liệu, một phụ nữ goá chồng đã 20 năm, người đàn ông duy nhất mà bà quen biết là ông anh rể.
Hiện trường vụ án trông giống như một vụ trộm, nhưng hàng nắm tiền sterling bằng bạc sáng lóa trong một ngăn kéo, tiền trong ví, máy quay phim đắt tiền của nạn nhân vẫn còn nguyên. Hung thủ chỉ lục lọi sổ ghi địa chỉ và tập thư của nạn nhân. Xác bà Nichols nằm trên sàn nhà, hai chiếc tất nylon của bà buộc quanh cổ và thắt lại thành hình chiếc nơ. Trước khi giết, thủ phạm đã hãm hiếp bà.
Từ tháng 6/1962 cho tới tháng Giêng 1964, tổng cộng có 13 phụ nữ, từ những cô gái trẻ trung xinh đẹp cho đến bà già 85 tuổi sống trong khu vực thành phố Boston bị giết chết, đa số bị hãm hiếp và xiết cổ bằng quần áo, tất đi trong nhà của họ trước khi chết, trong số này nạn nhân cao tuổi nhất do đột quỵ tim, hai người bị đâm bằng dao, một người bị đánh đập.
Trong tất cả các vụ giết người này, không có dấu hiệu nào cho thấy thủ phạm đã phá cửa đột nhập, hẳn hắn quen biết các nạn nhân hoặc hắn đã bằng cách nào đó thuyết phục được họ cho vào nhà.
Sự hoảng sợ lan khắp vùng. Cảnh sát Boston không thể tìm ra chứng cứ trực tiếp nào về kẻ giết người, cho dù họ đã phải mời Paul Gordon, người đàn ông có khả năng kỳ lạ về thần giao cách cảm.
Hai tuần sau khi Mary Sullivan bị giết, vào ngày 17/1/1964, Chưởng lý bang Massachusettes, Edward Brooke, quan chức tư pháp cao nhất ở đây, đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết vụ giết người hàng loạt này. Ông thành lập nhóm điều tra có tên “Văn phòng Điều tra tên bóp cổ”, kết hợp chức năng của tất cả các bộ phận trong cơ quan cảnh sát.
Hai tháng sau khi Ban điều tra được thành lập, Thống đốc bang Massachusetts Peabody treo giải thưởng 10.000 USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin có giá trị trong việc giải quyết vụ án tên bóp cổ Boston.
Sau vụ Mary Sullivan, “Kẻ bóp cổ thành Boston” bỗng im hơi lặng tiếng, mãi cho tới tháng 10 năm đó, một tên tội phạm đột nhập căn hộ của một phụ nữ kê dao vào cổ rồi dùng quần áo của nạn nhân trói gô cô vào thành giường. Hắn vuốt ve khắp người cô rồi hỏi cách ra khỏi khu nhà đó. Trước khi tẩu thoát, hung thủ xin lỗi nạn nhân và dặn cô phải im lặng trong 10 phút.
Tên “ăn cắp vặt” ra oai hùm
Vì không bị bịt mắt nên nạn nhân nhớ rất rõ khuôn mặt của kẻ đột nhập. Lời miêu tả của cô khiến các thám tử điều tra nhớ tới DeSalvo. Khi ảnh của anh ta được gửi đi khắp nước Mỹ, sở cảnh sát Connecticut cho biết họ đang truy lùng một tội phạm tình dục có biệt danh “Kẻ mặc đồ xanh” theo thói quen ăn mặc của hắn khi ra tay.
DeSalvo bị bắt để các nạn nhân của “Kẻ mặc đồ xanh” nhận diện. DeSolva thú nhận đã đột nhập vào khoảng 400 căn nhà và thực hiện vài vụ cưỡng hiếp. Anh ta đã tấn công khoảng 300 phụ nữ ở 4 bang nằm gần nhau. Vì không tin lời khai này nên cảnh sát gởi DeSalvo tới Bệnh viện Bridewater để kiểm tra tâm thần.
Cùng thời gian này, một người đàn ông khác tên George Nassar cũng bị bắt vì tội giết người. Hắn được giam cùng phòng với DeSalvo và trở thành bạn thân của anh ta. Thế rồi vào tháng 3/1965, bất ngờ Albert DeSalvo thú nhận mình là “Kẻ bóp cổ thành Boston”.
Tại Bridgewater, DeSalvo và Nassar bàn bạc về khoản tiền thưởng 10.000 USD cho người cung cấp thông tin phá vụ án “Kẻ bóp cổ”. Tính toán rằng với 11 nạn nhân, nếu nhận tội hai người sẽ có 110.000 USD để chia nhau. DeSalvo và Nassar – một kẻ có chỉ số IQ rất cao - biết, nếu nhận tội, DeSalvo sẽ bị tử hình, nhưng anh ta cũng biết thực tế rằng suốt 17 năm trước đó, bang Massachusetts chưa có ai bị tử hình. Thêm vào đó, họ tin là hoàn toàn có thể thuyết phục các bác sĩ tâm thần và quan tòa rằng anh ta bị thần kinh để thoát khỏi án tử hình.
Quyết định “thú tội” của DeSalvo tới tai luật sư F. Lee Bailey đang bào chữa cho George Nassar. Trong buổi nói chuyện được ghi âm hôm 6/3/1965 DeSalvo thú nhận mình đã giết 13 phụ nữ, trong đó có 1 phụ nữ lớn tuổi đã chết vì đau tim trước khi bị hắn bóp cổ. Luật sư Bailey tin rằng sẽ có cách nào đó cho phép DeSalvo nhận tội mà không bị tử hình.
Cuộn băng được giao cho cảnh sát. DeSalvo bị thẩm vấn về tất cả các vụ giết người. Các điều tra viên kiểm tra lại những chi tiết trong lời khai của DeSalvo. Đến tháng 9/1965 quá trình điều tra hoàn thành với 2.000 trang tài liệu. Những mối nghi ngờ ban đầu rằng DeSalvo chính là sát thủ bóp cổ dần dần được khẳng định là có cơ sở.
Bản điều tra sát thủ bóp cổ ở Boston đã đưa ra kết luận rằng Albert DeSalvo chính là tên bóp cổ.
Tuy nhiên, giới luật sư, nhà báo, bác sĩ tâm lý của nhà tù, kể cả những cảnh sát từng làm việc với DeSalvo, đều khẳng định hắn chỉ có thể là một tên ăn cắp vặt mà thôi. Quả thật là không nhân chứng nào xác nhận được DeSalvo đã có mặt tại nơi xảy ra các vụ giết người, mặc dù anh ta có một khuôn mặt dễ nhớ, đặc biệt là chiếc mũi to.
Cuộc tranh cãi nổ ra. Nếu DeSalvo không phải là “Kẻ Bóp cổ” thì tại sao hắn nhận tội?. Vì tiền thưởng?. Nhưng nếu DeSalvo không giết người thì làm sao một người như hắn - được các chuyên gia đánh giá là có mức trí tuệ dưới trung bình - lại có thể nhớ nổi vô số chi tiết vụn vặt trong các vụ án mà hắn tự nhận là đã thực hiện.
Cuối cùng, DeSalvo cũng phải ra tòa với tư cách là thủ phạm Áo Xanh chứ không phải là “Kẻ bóp cổ”. Lý do rất đơn giản: Chưởng lý Brook đang tranh cử nghị sĩ trước khi ông về hưu, vì thế ông không muốn vụ DeSalvo bị đem ra xử với nhiều tranh cãi bất phân thắng bại. Brook đồ rằng luật sư Bailey ít nhất cũng có thể có được phán quyết của tòa rằng DeSalvo đang trong tình trạng thần kinh không ổn định và không thể bị xét xử.
May mắn thoát chết, nhưng không được lãnh tiền thưởng như dự trù, DeSalvo lãnh án chung thân. Cho đến nay, vẫn chưa thể xác định “Kẻ bóp cổ thành Boston” là ai: DeSalvo, Nassar – như nghi vấn của một số nhân chứng hay là một kẻ nào đó khác.
Tháng 11/1973, Albert DeSalvo bị đâm chết trong thời gian thi hành án tại nhà tù Walpole. Quan chức nhà tù nói hắn bị giết vì liên quan tới chuyện buôn bán ma tuý giữa các phạm nhân. Thế nhưng, cũng có nghi vấn rằng có thể “Kẻ bóp cổ” đã ra tay để chôn vùi vĩnh viễn vụ án, để “Sự thật về cái chết của họ không bao giờ được biết” như một câu trong bài thơ DeSalvo viết khi ngồi tù.
P.V.