Án oan Nguyễn Thanh Chấn, khởi tố một thẩm phán đã đủ?

Ngày ông Chấn được tha.
Ngày ông Chấn được tha.
(PLO) - Để ra bản án xác định ông Chấn phạm tội giết người, một mình ông Chiêm, dù với tư cách là chủ tọa phiên tòa cũng không thể tự mình ban hành. Như vậy, ý kiến các thành viên HĐXX phúc thẩm vụ án ông Chấn là những ai và quyết định của họ tại biên bản nghị án như thế nào cũng cần phải được làm rõ. 

Sau khi Cục Điều tra hình sự VKSNDTC ra quyết định khởi tố Hình sự đối với ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên Thẩm phán TANDTC, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng đã có sự thay đổi cơ bản về nhận thức và hành động trong việc giải quyết án oan sai của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn với quyết định này, nhất là về tội danh khởi tố ông Chiêm. 
Người sai phạm phải bị xử lý nghiêm, tuy nhiên dưới góc độ pháp lý,  PLVN xin được đăng ý kiến của Luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM về việc ông Chiêm bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.
LS Đức cho rằng, theo điều luật này, người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm (Khoản 1). Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (Khoản 2).
Xét về khoa học pháp lý, mặt khách quan của tội phạm đó là hành vi không thực hiện (trong khi luật buộc phải thực hiện) hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao dẫn đến việc gây ra hậu quả nghiêm trọng. 
Trường hợp đã làm hết trách nhiệm mà hậu quả vẫn xảy ra thì không phải là thiếu trách nhiệm và không phải là hành vi phạm tội này, dù hậu quả gây ra có rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Lỗi trong trường hợp này là lỗi vô ý, có thể vô ý vì cẩu thả hoặc vô ý do quá tự tin. 
Động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hầu hết trường hợp người phạm tội này đều không có đồng phạm. Chủ thể của tội này là người có chức vụ, quyền hạn. 
Trở lại trường hợp của ông Chiêm, nếu xét qua thì dường như ông Chiêm có các dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng nếu xem xét một cách thận trọng thì thấy rằng việc khởi tố này có điều gì đó chưa ổn về mặt pháp luật. Bởi lẽ:
Thứ nhất: Hoạt động xét xử là hoạt động tư pháp, kết quả của bản án là dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa và để xác định một người có hành vi phạm tội hay không phải dựa trên kết quả nghị án với nguyên tắc tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số (Điều 17 Bộ luật Tố tụng Hình sự). 
Như vậy, để ra bản án xác định ông Chấn phạm tội giết người, phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định ông Chấn phạm tội, một mình ông Chiêm, dù với tư cách là chủ tọa phiên tòa cũng không thể tự mình ban hành quyết định ấy được. Như vậy, ý kiến các thành viên HĐXX phúc thẩm vụ án ông Chấn là những ai và quyết định của họ tại biên bản nghị án như thế nào cũng cần phải được làm rõ. 
Khi trả lời báo chí về việc mình bị khởi tố, ông Chiêm nói rằng HĐXX đã nhất trí là ông Chấn có tội và họ đã làm hết trách nhiệm nhưng không phát hiện được hồ sơ vụ án bị ngụy tạo về chứng cứ. Nếu phát biểu của ông Chiêm là đúng thì được hiểu là cả ba thành viên cùng quyết định ông Chấn có tội. 
Vậy thì về mặt chủ quan, nếu họ thấy rằng hồ sơ vụ án chưa rõ ràng nhưng vẫn quyết định ông Chấn có tội thì lỗi này không phải là lỗi vô ý mà là cố ý. Một khi họ thực hiện hành vi với lỗi cố ý thì không thể phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Việc khởi tố ông Chiêm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” chỉ đúng khi hai thẩm phán thành viên biểu quyết nhất trí nhưng không đọc hồ sơ, không nghiên cứu mà giao ông Chiêm với tư cách chủ tọa phiên tòa toàn quyền quyết định tất cả, họ chỉ bỏ phiếu cho có. Lúc này, hai thẩm phán thành viên trở thành người đồng phạm với ông Chiêm thì mới đảm bảo tính đúng đắn, nghiêm minh của pháp luật. Để xác định họ biểu quyết cho có thì cơ quan tố tụng phải chứng minh, mà việc chứng minh này không phải là dễ. 
Thứ hai: Ông Chiêm và các thành viên HĐXX phúc thẩm nhân danh Nhà nước để đưa ra bản án đối với ông Chấn, có nghĩa là họ đang thực hiện quyền tư pháp. Việc họ ban hành bản án buộc tội ông Chấn trong khi hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn thì hành vi đó có dấu hiệu xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Tư pháp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, tức nhóm tội xâm phạm hoạt động Tư pháp. 
Trong trường hợp cụ thể này, nếu chứng minh ông Chiêm và các thành viên biết rõ hồ sơ vụ án không đủ để buộc tội ông Chấn nhưng vẫn ra bản án thì có dấu hiệu của tội “Ra bản án trái pháp luật” theo Điều 295 Bộ luật Hình sự mới chính xác. Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng phải chứng minh ông Chiêm và hai thẩm phán thành viên HĐXX có lỗi cố ý.
Thứ ba: Khi vụ ông Chấn vừa mới bị phát hiện, đã có nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia pháp luật cho rằng cần phải giải quyết vụ ông Chấn theo thủ tục giám đốc thẩm do có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Thế nhưng người có thẩm quyền của các cơ quan tố tụng ở Trung ương cho rằng việc phát hiện ra ông Chấn bị oan không phải do vi phạm tố tụng mà do hung thủ Lý Nguyễn Chung bị bắt và khai ra hành vi giết người ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang vào năm 2003. 
Chính vì vậy nên vụ án của ông Chấn sau đó đã được giải quyết theo trình tự tái thẩm, tức xuất hiện tình tiết mới (Lý Nguyễn Chung thú tội) làm thay đổi bản chất vụ án ông Chấn. 
Quyết định tái thẩm và ý kiến của người có thẩm quyền của các cơ quan tố tụng ở Trung ương gián tiếp xác định hồ sơ vụ án của ông Chấn đã được CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang ngụy trang một cách rất hoàn hảo, không thể phát hiện ra bất cứ manh mối nào liên quan đến việc ép cung, mớm cung.
Điều đó còn được thể hiện qua việc gần 10 năm ông Chấn liên tục kêu oan nhưng các cơ quan có thẩm quyền đều trả lời việc xét xử của các cấp tòa là đúng, không có căn cứ để xem xét đơn kêu oan của ông. Điều này cho thấy, ông Chiêm và HĐXX phúc thẩm tại thời điểm đó không thể phát hiện ra sự bất thường của hồ sơ vụ án. Nếu vậy thì không thể khởi tố ông về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như quyết định của Cục Điều tra hình sự VKSNDTC./.

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.