Khác với các Ngân hàng thương mại ngồi một chỗ “chọn mặt gửi vàng”, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) quyết tâm đưa nguồn vốn đến với đồng bào nghèo, năm 2010 NHCSXH chi nhánh Lâm Đồng đã được toàn ngành bầu chọn là đơn vị dẫn đầu toàn quốc, năm 2011 là đơn vị dẫn đầu khu vực Tây Nguyên…
Bà con xã Lạc Xuân (Đơn Dương) đến điểm giao dịch nhận tiền vay. |
Những con số biết nói
Một buổi sáng tháng 4/2012, trong cái lạnh se se của đất trời Đà Lạt, chúng tôi ghé thăm NHCSXH chi nhánh Lâm Đồng.
Anh Võ Văn Thanh- Phó Giám đốc - vui mừng cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã triển khai đầy đủ 9 chương trình: Cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh sinh viên, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cho vay hộ nghèo về nhà ở, cho vay thương nhân vùng khó khăn.
Năm 2011 với sự nỗ lực của tập thể anh em và sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức hội và chính quyền các địa phương, hoạt động của NHCSXH Lâm Đồng đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Chỉ tiêu huy động vốn đạt 99,9% kế hoạch; chỉ tiêu dư nợ đạt 99,7%; tỉ lệ thu lãi đạt 101%, hệ số sử dụng vốn đạt 99,6%.”
Triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, ngoài nguồn vốn tăng trưởng được giao, thời gian qua NHCSXH Lâm Đồng còn tập trung thu nợ đến hạn để cho vay quay vòng với doanh số cho vay đạt 579.621 triệu đồng/45.412 khách hàng. Trong đó, cho vay sản xuất kinh doanh 412.352 triệu đồng; cho vay học sinh sinh viên 128.957 triệu đồng; cho vay xuất khẩu lao động 4.082 triệu đồng.
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi, trong năm qua, NHCSXH đã giúp cho 2.019 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho thêm 1.920 lao động; tạo điều kiện cho trên 18.000 em học sinh, sinh viên vay vốn trang trải cho chi phí học tập; giúp cho 120 lao động đi làm việc ở nước ngoài; giúp xây dựng 7.190 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn...
Cùng với nguồn vốn của hỗ trợ của Nhà nước, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho bà con nghèo xây dựng được 442 căn nhà. Từ đó đã góp phần hạ tỉ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 9,1%, giảm 3,5% so với đầu năm 2011; trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn 25,64%, giảm 7% so với đầu năm; cung cấp nước hợp vệ sinh đạt chuẩn đến 80% số hộ ở vùng nông thôn.
Đáng ghi nhận hơn là mạng lưới điểm giao dịch xã của NHCSXH Lâm Đồng đã mở rộng đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh với 148 điểm giao dịch nhằm đưa nguồn vốn đến tận tay người nghèo, chứ không phải ngồi ở Phòng giao dịch mà “trông giỏ bỏ thóc” như các ngân hàng khác.
Đến cuối tháng 3/2012 NHCSXH Lâm Đồng đạt doanh số cho vay là 147.460 triệu đồng/16.942 khách hàng; doanh số thu nợ đạt 130.623 triệu đồng (trong đó thu nợ quá hạn là 4.239 triệu đồng, thu nợ khoanh là 60 triệu đồng); tổng dư nợ đến 31/3/2012 là 1.825.922 triệu đồng với hơn 100.000 khách hàng là dân nghèo và 3.200 tổ tiết kiệm vay vốn (TKVV) ở các thôn, buôn, khu phố mà tổ trưởng là do dân bình xét.
Điển hình
Anh Thanh còn cho biết, ý thức trả nợ của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khi vay vốn cho con đi học ở đây phần lớn là tốt, nhiều trường hợp vừa đến hạn bà con đã tìm gặp tổ trưởng TKVV “xin cho mình hoàn lại cái vốn cũ, cảm ơn cán bộ nhiều lắm!”.
Điển hình là gia đình chị Nai Lim, dân tộc K’ho ở thôn La Boong, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương vay vốn NHCSXH Lâm Đồng cho 4 con ăn học. Hiện 2 cô con gái của chị Nai Lim là Nai Tiên và Nai Diễm đã tốt nghiệp ĐH Tây Nguyên và Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, có việc làm ổn định. Cô con gái tiếp theo là Nai Chi đang học Đại học Ngoại ngữ TP Hồ Chí Minh, cậu con trai út là Ia Câu thì học ĐH Bách khoa. Gia đình chị Nai Lim có mấy sào đất trồng rau không đủ lo cho các con ăn học nên phải vay vốn tổng cộng 64,5 triệu đồng. Đến nay chị đã trả nợ được 15 triệu đồng.
Chị Nai Lim tâm sự: “Bà con cảm ơn Ngân hàng nhiều lắm, nhờ có vốn vay mà các của con mình mới học hành đến nơi, đến chốn. Do vậy, dù khó khăn mình cũng phải thu xếp trả đúng hạn để Ngân hàng giúp cho bà con khác thôi! ”.
Để có nguồn vốn vay quay vòng, công tác thu hồi nợ luôn được NHCSXH Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Khi đến kỳ hạn các Tổ trưởng TKVV thường thông báo trước cho các hộ ít nhất là 1 tháng. Đối với hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, NHCSXH Lâm Đồng còn làm việc với Ban Dân tộc và các cơ quan chức năng để nắm sát đối tượng là học sinh sinh viên đi học để ưu tiên tạo việc cho các em khi ra trường, nhằm giúp gia đình có điều kiện trả nợ đúng hạn. Trong chương trình công tác quý II năm nay, vấn đề tập trung chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ quá hạn được NHCSXH Lâm Đồng xem là “công tác trọng tâm”.
Các Phòng giao dịch sẽ phối hợp với Hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương, Tổ TKVV phân tích nguyên nhân từng trường hợp nợ quá hạn, nợ khó đòi để có biện pháp thu nợ thích hợp.
Chia tay các cán bộ tín dụng NHCSXH Lâm Đồng, trong tôi tràn ngập niềm vui vì các anh chị đã đưa những đồng tiền mồ hôi nước mắt mà nhân dân cả nước chắc chiu, dành dụm đến được với đồng bào nghèo một cách hiệu quả. Mong sao NHCSXH Lâm Đồng sẽ luôn giữ vững danh hiệu là “cánh chim đầu đàn” của khu vực Tây Nguyên.
Phúc Ân