Ẩn ngữ hoa đào

“Với một cành hoa, một chút nước, ta có thể gọi về sự cao rộng của sông núi”. Ikennobo Sen’o - bậc thầy của Hoa Đạo trên xứ sở Phù Tang đã nói như thế.

“Với một cành hoa, một chút nước, ta có thể gọi về sự cao rộng của sông núi”. Ikennobo Sen’o - bậc thầy của Hoa Đạo trên xứ sở Phù Tang đã nói như thế.

Thế giới tinh anh cỏ cây sông núi kết tinh lại thành muôn vàn hương sắc, mà ở quê hương Ikennobo Sen’o, hoa đào được xem như là quốc hoa, tên gọi của nó được thi hóa, nhạc hóa thành tên gọi một xứ sở, một đất nước, cũng giống như hoa hồng hay hoa tu-lip ở châu Âu vậy. Ở ta, mà cụ thể là Đà Lạt, cũng từng được mệnh danh là xứ sở hoa đào. Hẳn những ai yêu mến Đà Lạt đều thuộc lòng câu ca: Ai lên xứ hoa đào, dừng chân, mang về một cành hoa...

Nhưng hoa đào Đà Lạt cám dỗ tôi còn là cả một thế giới mà chủ nhân của một vườn đào nổi tiếng trên thành phố cao nguyên này, lúc sinh thời, ông bảo thế giới đó là: Ẩn ngữ hoa đào. Làm sao diễn dịch ra cái thanh âm tiếng chồi non mở từng cuống lá, tiếng nụ chuyển mình nở những cánh hoa hồng phấn, hồng phai, bát ngát mùi hương. Trong cái vườn đào huyền thoại này bây giờ những cành hồng đào, bích đào, liễu đào vẫn thay mặt chủ nhân của nó rực rỡ sắc hoa vào những ngày xuân chào khách muôn phương. Hình như trong cái bầu không khí se lạnh của vườn đào vào một chiều thanh vắng và tràn ngập sương mù, tôi bỗng nghe ra từng bước chân xưa trở về! Chợt nhớ đến cái thứ ẩn ngữ hoa đào, mà sự bí nhiệm của nó có vẻ như suốt đời... bí nhiệm, để ngàn xưa và cho mãi về sau hương sắc hoa đào luôn là đề tài khích lệ tâm hồn nhân loại đi tìm cái đẹp.

Tôi lang thang trong mênh mông vườn đào, hoa hiện hữu đấy mà hoa ngày xưa cũng đấy. Một người làm vườn có tên là Yahagi Mitsuo ở cái làng Yamagata của nước Nhật xa xôi, nghe được cái vườn hoa đào huyền thoại ở Đà Lạt (còn gọi là Thung lũng hoa đào) đã lặn lội đến bằng được để rồi chính anh cũng thành... huyền thoại. Những mầm táo Fuji mà Yahagi Mitsuo mang từ nước Nhật xa xôi đến cấy ghép trong vườn đào này là một tình yêu không biên giới. Hóa ra cỏ cây hoa lá, bằng mật ngôn của mình, đã biết gợi mở cho con người tìm đến với nhau dưới mái nhà chung thiên nhiên tươi xanh.

Nữ thi sĩ Ono no Komach (Nhật Bản), người mà khi nhắc tới, người ta thường mường tượng ra nhan sắc của hoa đào, đã viết: Hoa đào ơi/ Nhan sắc phai rồi/ Hư ảo mà thôi/ Tôi nhìn thăm thẳm/ Mưa rơi trên đời. Từ cổ điển đến tân cổ điển có lẽ lộng lẫy nhất là Shokushi, nàng công chúa xinh đẹp của thiên hoàng Goshirakawa. Một nhà thơ mà Yasunari Kawabata - tác giả của “Phù tang, cái đẹp và tôi”, đồng thời ông là văn hào nhận giải Nobel Văn chương 1968 đã ca ngợi không tiếc lời. Vâng, cả nghìn năm sau vẫn còn dư hương hoa đào của Shokushi: Xa rồi hoa đào/ Tâm tư đã vắng màu sắc... Sau công chúa Shokushi gần hai thế kỷ, cái loài hoa linh thiêng ấy ta lại bắt gặp nơi thiền sư Seigan Shotetsu. Vẫn cái sức vang hưởng của xa vắng, hoặc giả là nhìn mây trắng mà tưởng ra hoa đào. Xuyên suốt ý niệm này gần như trường cửu một ám ảnh, hoặc là hoa đào là thứ hoa thường hằng tuần hoàn trong máu huyết, trở thành một thứ huyết thanh siêu hình nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc Nhật.

Ở trong cái vườn hoa đào trên cao nguyên này, chủ nhân của nó cũng như thế, chính ông là người đã làm nên cuộc hôn phối giữa hoa đào Nhật Tân với mai anh đào Đà Lạt để sinh nở ra giống loài hoa đào mới, đấy cũng là một sáng tạo độc đáo trong cuộc lãng du với cái đẹp trên xứ sở ngàn hoa.

Nhưng hoa đào tồn tại trong thế giới Đường thi lại khác, những Thiên thai, những Đào nguyên là xứ sở nuôi dưỡng cái đẹp vĩnh cửu, sức lung linh của nó như nhuốm màu truyền thuyết. Có thể hương sắc hay ẩn ngữ của hoa đào mỗi đất trời một vang vọng, mà Thôi Hộ - đại biểu của Đường thi là một nhân chứng. Chuyện xưa kể rằng: Nhân tiết thanh minh, trên đường du xuân, Thôi Hộ gặp một vườn hoa đào khoe sắc thắm, thi sĩ bước vào thưởng thức hoa, duyên may gặp một người con gái đẹp, hai người biết nhau từ đấy. Vậy rồi thanh minh năm sau, chàng thi sĩ nhớ Đường xưa quay về, ai ngờ vườn hoa đào xưa cửa đóng then cài. Thôi Hộ đề một bài thơ trên cửa rồi ra về, ít ngày sau chàng thi sĩ đa tình quay trở lại. Một cụ già trong vườn đào bước ra chào, và kể lại cho thi sĩ nghe: Con gái của ông nhân đọc bài thơ lưu lại trên cửa đã nhịn ăn mà chết. Lạ lùng là hình hài thân xác vẫn đẹp nguyên vẹn như sắc hoa đào. Thôi Hộ bước vào khấn vái trước thi hài người con gái. Kỳ lạ thay người đẹp phục sinh ngồi dậy nhìn Thôi Hộ mỉm cười. Từ đó họ quấn quít bên nhau và kết duyên thành chồng vợ. Bài thơ “Đề tích sở kiến xứ”, nghĩa là thơ đề vào nơi trống vắng, nơi mà người đẹp kia từng hội ngộ với thi sĩ. Thơ ấy, lời ấy nuôi nấng sắc hương hoa đào như nuôi dưỡng sự sống cho tình yêu “Khứ niên kim nhật thử môn trung. Nhân diện đào hoa tương ánh hồng. Nhân diện bất tri hà xứ thứ? Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Cửa này, năm ngoái, ngày nay. Hoa đào ửng chiếu mặt ai hồng đào. Mặt người giờ đã phương nào? Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông).

Bây giờ gió cuối đông cũng đang dào dạt quanh tôi giữa một vườn đào thanh vắng đến chừng như... vô tận! Cho dù không như Đường thi lộng lẫy những lối Đào nguyên, Thiên thai, nhưng sao cái cảnh trong thơ của thi sĩ Tào Đường lại giống mười mươi hiện thực nơi đây “Đào hoa, lưu thủy y nhiên tại”, nghĩa là: Chỉ còn hoa đào và nước chảy vẫn còn nơi đây. Ngồi bên dòng suối nhỏ giữa vườn đào, sự thanh vắng không phải vì thiếu bàn tay người chăm sóc mà là vì chủ nhân của nó, ông Mười Lời, một nông dân xứ Quảng đã hòa vào đất cao nguyên giá lạnh vào tháng 8-2009, khi mà thương hiệu hoa đào Mười Lời của phố núi Đà Lạt đã sừng sững mỗi độ xuân về. Dường như chạm vào mỗi cành, mỗi lá tôi đều có cảm giác nghe được mùi hương âm thanh. Chủ nhân vườn đào - người xưa ơi! Tôi đang đi tìm cái ẩn ngữ của hoa đào để gieo cấy thêm vào khu vườn này, cho những nụ hồng đào, bích đào, liễu đào kia đẹp lung linh mãi như một truyền thuyết!


Đà Nẵng, Xuân Canh Dần 2010.

NGUYỄN NHÃ TIÊN

- Bản dịch thơ Nhật Bản của Nhật Chiêu được rút từ Thơ ca cổ điển Nhật Bản.

- Đường thi và bản dịch được rút từ Đường thi toàn tập của Trần Trọng Sang.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.