Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh đang ở mức báo động nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Do đó, tỉnh An Giang đang tích cực triển khai các biện pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô.
Theo báo cáo, An Giang hiện có trên 16.868 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, bao gồm rừng đồi núi và rừng tràm ở đồng bằng. Trong diện tích rừng có nguy cơ cháy ở cấp V là 7.347 ha (chiếm 44,42% tổng diện tích), tập trung nhiều nhất là huyện Tri Tôn có 4.254,30 ha; huyện Tịnh Biên có 2.912 ha; thành phố Châu Đốc có 157,15 ha và huyện Thoại Sơn có 170 ha.
Phó CHủ tịch UBND tỉnh An GIang - ông Trần Anh Thư phát biểu tại hội nghị |
Tại huyện Tri Tôn, địa phương có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh An Giang, công tác phòng chống cháy rừng đang vào giai đoạn cao điểm, huyện đã bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ. Ông Đỗ Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, toàn huyện có trên 8.429 ha rừng, trong đó có hơn 4000 ha rừng đồi núi và đồng bằng có nguy cơ cháy.
Để đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng tốt, ngay từ đầu năm 2019, huyện Tri Tôn đã xây dựng và triển khai 10 phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, tiến hành kiểm tra, gia cố và tích nước ở các hồ chứa nước như Ô Thum, Ô Ta Sóc, Soài Check… với dung tích từ 270.000 - 620.000 m3 phục vụ sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống cháy rừng.
Ông Trần Anh Thư nhấn mạnh: “Mùa khô năm 2019 có khả năng kéo dài, trong điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, nhiệt độ tăng cao (phổ biến từ 35-36 độ C), do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng không được chủ quan, lơ là, nhất là đối với các khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra cháy cao như Núi Cấm, núi Phú Cường, rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Tỉnh đội, rừng tràm Nhơn Hưng”
Chính vì thế, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng website thực hiện cảnh báo cháy rừng trên toàn tỉnh; đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng; tăng thời lượng và số lần tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn, những nơi có đông khách du lịch để du khách cũng như người dân hiểu và tích cực tham gia trong công tác phòng chống cháy rừng.
An Giang cần chủ động nguồn nước cho các rừng tràm tại các địa phương đang ở mức báo động nguy cơ cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) |
Đồng thời, ngành Kiểm lâm tăng cường kiểm tra hiện trường khu vực ven tuyến đường có khách du lịch thường xuyên đi ngang qua rừng; tổ chức nhắc nhở cụm dân cư sống trong rừng, ven rừng cẩn thận trong sử dụng lửa. Đặc biệt, bố trí lực lượng trực tại các khu nghĩa trang để nhắc nhở người dân, hạn chế phát sinh cháy rừng từ hoạt động tảo mộ có sử dụng lửa.
Qua thực tế các vụ cháy rừng, nguyên nhân đều bắt nguồn từ phía các hộ dân sống ở khu vực chân núi và bìa rừng, do đó, về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh An Giang và các địa phương có rừng cần hình thành “vành đai xanh” ở khu vực dưới chân núi và bìa rừng - khu tiếp giáp với dân cư bằng hệ thống vườn cây ăn trái, cây dược liệu hay các hồ nuôi cá,… vừa giúp bà con phát triển kinh tế vừa bảo vệ và phòng, chống cháy rừng hiệu quả.
Với phương châm "4 tại chỗ”, tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, yêu cầu các Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và xã khẩn trương xây dựng và triển khai phương án năm 2019; tổ chức diễn tập, tập huấn kỹ năng về phòng, chống cháy rừng cho lực lượng tham gia phối hợp phòng, chống cháy rừng và người dân ở khu vực có rừng; rà soát trang thiết bị, phương tiên chữa cháy, các bồn, hồ chứa nước để có kế hoạch sửa chữa, mua sắm, chứa nước dự trữ phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng,…