Ấn Độ tăng cường đối trọng Trung Quốc ở Ấn Độ Dương

Đường băng của Ấn Độ trên quần đảo Andaman and Nicobar. (Ảnh: Reuters)
Đường băng của Ấn Độ trên quần đảo Andaman and Nicobar. (Ảnh: Reuters)
(PLO) - Ấn Độ đang đẩy mạnh xây dựng các tiền đồn chiến lược và mua sắm các thiết bị quốc phòng nhằm đối trọng với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. 
Theo Reuters, đầu tháng 7 này, 4 tàu chiến của Ấn Độ đã lần lượt cập cảng Blair ở quần đảo Andaman and Nicobar của nước này. Trong các cuộc phỏng vấn ở cả New Delhi và cảng Blair, các quan chức quốc phòng Ấn Độ đều xác nhận sự xuất hiện của các tàu chiến nói trên là một phần của kế hoạch chuyển căn cứ quân sự cũ kỹ ở Blair thành một tiền đồn quan sát chiến lược của Ấn Độ, với lực lượng hải quân, không quân và năng lực quân sự đã được tăng cường đáng kể. 
Nằm giữa vịnh Bengal và biển Andaman, quần đảo Andaman and Nicobar gần với Myanmar và Indonesia hơn phần đất liền của Ấn Độ. Quan trọng hơn, chuỗi đảo nhỏ phía Bắc của Ấn Độ này còn nằm ở đầu eo biển Malacca, lối vào Ấn Độ Dương và là nơi Trung Quốc vận chuyển 3/4 lượng dầu của nước này. Giới chức Ấn Độ đều cho rằng vị trí của chuỗi đảo này là tài sản lớn nhất của New Delhi trong việc theo dõi các động thái của Hải quân Trung Quốc.
“Các tuyến vận tải tấp nập nhất của thế giới đều ở ngay phía Nam. Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận chuỗi đảo chiến lược này như một bàn đạp đối với Ấn Độ” – Phó Thống đốc chuỗi đảo A. K. Singh, đồng thời là một cựu chỉ huy quân sự của Ấn Độ nhận định.
Theo các quan chức quốc phòng Ấn Độ, nước này đang xây dựng ở phần đầu và giữa chuỗi đảo Andaman and Nicobar những đường bay có chiều dài lớn hơn nhằm đáp ứng điều kiện hoạt động của các máy bay do thám tầm xa.
Ngoài ra, Ấn Độ dự kiến cũng sẽ tăng gấp đôi số tàu hải quân của nước này đóng trên chuỗi đảo nói trên lên thành 32 tàu trước năm 2022. Ban đầu, các tàu này sẽ bao gồm tàu tuần tra, tàu tấn công nhanh và tàu đổ bộ tương tự như các tàu đang đóng quân ở Andaman and Nicobar. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối cùng của kế hoạch đến năm 2022, các tàu chiến tiền tuyến hiện đại cũng sẽ được đưa đến đóng ở đây. 
Trong một diễn biến khác, Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 14/7 cho hay, Chính phủ nước này đã nhất trí thông qua kế hoạch mua số thiết bị quốc phòng mới trị giá gần 300 tỉ rupee (4,74 tỉ USD). Cho biết sau cuộc gặp của Hội đồng mua sắm quốc phòng Ấn Độ, Người phát ngôn trên thông tin, trong số các thiết bị mà Ấn Độ dự kiến sẽ mua, đơn hàng có giá trị lớn nhất được phê chuẩn là việc mua 428 pháo phòng không L-70 và ZU23 trị giá 169 tỉ rupee. 
Vẫn theo Người phát ngôn trên, trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ mua công nghệ để sản xuất những loại pháo này nhằm phục vụ cho nỗ lực mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Ấn Độ, đồng thời giúp nước này bớt phụ thuộc vào việc mua sắm vũ khí từ nước ngoài. Trong danh sách các thiết bị quốc phòng mà Ấn Độ sẽ mua trong thời gian tới còn có 4 máy bay do thám hàng hải từ Công ty Boeing với tổng giá trị 43,8 tỉ USD. 
Theo Reuters, việc tăng cường mua sắm các thiết bị quốc phòng và đẩy mạnh xây dựng các tiền đồn ở các đảo xa của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh nước này đang tìm cách tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân nhằm đối trọng với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Nhằm phục vụ nỗ lực này, giới chức Ấn Độ đã nhất trí thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn. Các nhà phân tích cho rằng, trong vòng một thập kỷ tới, Ấn Độ dự kiến sẽ chi đến 250 tỉ USD cho chương trình này. 
Cùng với đó, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ. Hồi tháng 6 vừa qua, 2 nước đã nhất trí về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong vòng 10 năm. Trong khuôn khổ hợp tác này, 2 nước dự kiến sẽ đẩy mạnh các cuộc đàm phán về hợp tác trong sản xuất động cơ máy bay và tàu sân bay.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.