Nhiều người bệnh nghèo khổ tại Ấn Độ đang tham gia vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho những loại thuốc do các công ty dược nội địa và nước ngoài phát triển mà không hề hay biết.
5 năm trước, ông Niranjan Lal Pathak chớp ngay “vận may hiếm có” khi được một bác sỹ tại bệnh viện Maharaja Yashwantrao, (Indore, thuộc bang Madhya Pradesh) đề nghị chữa bệnh tim miễn phí cho mà không hề biết rằng thực chất ông đã bị lừa.
Ông Niranjan Lal Pathak. |
Vị bác sỹ sau đó đã ghi tên ông vào một chương trình thử nghiệm đối với một loại thuốc chưa từng được kiểm tra ở người.
“Chúng tôi được thông báo rằng chú của mình sẽ được điều trị dưới một dự án đặc biệt. Bác sỹ nói rằng chúng tôi sẽ không phải tốn một xu nào cả. Điều kiện duy nhất mà chúng tôi phải tuân thủ là không được thăm khám bất kỳ cơ sở nào ở địa phương khi hết thuốc mà phải đến gặp đúng vị bác sỹ đó”, anh Alok Pathak kể lại.
Gia đình ông Lal Pathak mới đệ đơn lên Tòa án tối cao Ấn Độ, tố cáo vị bác sỹ đã cho ông dùng thuốc Atopaxar, do công ty dược phẩm có trụ sở tại Nhật Bản Eisai phát triển và nhằm mục đích điều trị cho các bệnh nhân bị rối loạn lo âu.
Gia đình ông Lal Pathak cáo buộc tác dụng phụ của thuốc đã khiến ông bị mất trí nhớ. “Ông ấy hầu như không nhận ra chúng tôi. Cuộc đời ông coi như đã hết” – anh Alok nói, giọng trùng xuống.
Gia đình ông và tổ chức bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân Swasthya Adhikaar Manch cho biết, ông sẽ không bao giờ đồng ý tham gia vào chương trình thử nghiệm thuốc nếu được biết đó là một loại thuốc chưa qua thử nghiệm.
Thử nghiệm các loại thuốc trên con người là một bước bắt buộc và tốn kém mà các công ty dược phải tiến hành để chứng minh cho các nhà quản lý thấy rằng các loại thuốc của họ không có tác dụng phụ nguy hiểm, từ đó có thể đưa ra thị trường.
Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ ước tính, các công ty sẽ tiết kiệm được đến 60% chi phí khi thử nghiệm loại thuốc mới ở Ấn Độ so với việc tiến hành tại các nước phát triển.
Theo một báo cáo do Công ty nghiên cứu và tư vấn kinh doanh toàn cầu Frost and Sullivan tiến hành, thị trường nghiên cứu lâm sàng tại Ấn Độ đã tăng thêm 12,1% trong giai đoạn 2010 – 2011, với doanh thu đạt khoảng 485 triệu USD. Con số này được dự đoán sẽ chạm mốc 1 tỉ USD vào cuối năm 2016.
Tuy nhiên, đơn kiện được đưa lên Tòa án tối cao Ấn Độ hồi tháng 2/2012 đã phanh phui các sai phạm của các bác sỹ đã bắt tay với các hãng dược. “Một số người sẽ phải chịu trách nhiệm. Con người đang bị đối xử như những con chuột”, thẩm phán Tòa án tối cao Ấn Độ R.M. Lodha nói trong một tuyên bố đưa ra hồi năm ngoái.
Nhà vận động vì quyền của người bệnh Amulya Nidhi cho rằng, việc thiếu các quy định nghiêm ngặt đã khiến nhiều công ty dược tìm đến Ấn Độ và các nước đang phát triển khác để tiến hành các cuộc thử nghiệm những loại thuốc mới.
“Tại châu Âu và Mỹ, pháp luật rất nghiêm ngặt. Ngược lại, các đơn vị quản lý tại Ấn Độ lại hoạt động thiếu sự đồng bộ, các quy định về thử nghiệm thuốc cũng ít nghiêm ngặt hơn” – ông Nidhi nói.
Mới đây nhất, tại bang Madhya Pradesh, 12 bác sỹ hồi năm ngoái chỉ bị phạt 5.000 rupi (106 USD) sau khi bị phát hiện đã tiến hành các thử nghiệm thuốc bất hợp pháp trên trẻ em và người tàn tật.
Minh Ngọc (tổng hợp)