Nỗi lo này được ĐB Đặng Thuần Phong (tỉnh Bến Tre), Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của QH - giãi bày trong phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Ông cho rằng, cử tri, nhân dân cả nước đang rất lo lắng trước 6 vấn đề sau:
Thứ nhất, tại sao dường như chỉ một mình Chính phủ nêu cao hành động kiến tạo và liêm chính?
Thứ hai, là tình trạng tham nhũng nhiều, và lãng phí quá lớn. "Tiền của dân chắt chiu gom góp trong mồ hôi, nước mắt nhưng tham nhũng nhiều, lãng phí lớn là dấu hiệu hết sức đáng báo động" - ông nói.
Thứ ba là xuất hiện dấu hiệu mất cân đối ngân sách, tính ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, hiệu quả đầu tư thấp, nợ công cao. Áp lực trả nợ quá lớn, chi đầu tư phát triển chưa ngang tầm, chi thường xuyên gần 70%, mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng, "làm 1 đồng nhưng xài tới 3 đồng". Người dân hưởng lợi và tạo sinh kế từ kết quả tăng trưởng GDP chưa như mong muốn.
Thứ tư, là thương mại hóa các quan hệ xã hội, đồng tiền đã chi phối nhiều hoạt động. Minh chứng cho tình trạng này là tình trạng "chạy". Trong bụng mẹ là chạy sinh đẻ, học phổ thông các cấp và đại học cũng phải chạy trường, chạy lớp… chạy quy hoạch, chạy chức; vi phạm phạm luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án và thậm chí chạy đến nơi Việt Nam chưa ký kết dẫn độ tội phạm để an thân.
Thứ 5 là tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau dần cạn kiệt. Đất nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả...
"Đừng vì những lợi ích tức thời mà buông bỏ tương lai dân tộc. Tiền có thể nhiều đến đâu cũng không mua lại được môi trường tươi đẹp đã mất"- ông Phong nói.
Thứ 6 là bất an về an toàn cuộc sống. Ăn cơm thì sợ an toàn vệ sinh thực phẩm, bước ra đường thì sợ an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp vì sợ vạ lây...
Đặc biệt, ĐB nhấn mạnh: Mỗi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề mang tính phổ biến.