Chiếc xe second-hand mà bạn định mua có thể vẫn đang hoạt động bình thường, nhưng hãy xem xét thật kỹ trước khi quyết định. Có những dấu hiệu bất thường rất nhỏ cũng đủ để bạn nhận ra nguy cơ có thể xảy ra với chiếc xe trong tương lai.
Ám ảnh khi mua xe cũ – P2: Xe bị thủy kích
Giải tỏa ám ảnh khi mua xe cũ (P1)
Trong 2 số báo trước, Autonet đã đề cập đến kinh nghiệm xem xét và nhận ra một chiếc xe đã từng bị tai nạn nặng (phần 1) và xe bị thủy kích (phần 2). Ngoài 2 trường hợp trên, những chiếc xe cũ có thể có những hư hỏng tự nhiên do thời gian, lỗi sản xuất hoặc chủ cũ của xe khai thác quá triệt để (như xe taxi, xe dự án, xe nghiệp vụ…).
Trong khi đó, do tâm lý muốn bán với giá cao, các chủ xe thường tút tát lại ít nhiều khiến cho cái “mã” của xe trông sáng sủa hơn, thậm chí là cài đặt lại thông số trên đồng hồ công-tơ-mét. Điều đó có nghĩa là mỗi người đi mua xe cũ cần hết sức cảnh giác với hình thức của xe.
Trò chuyện với Autonet, lái xe của một hãng taxi nổi tiếng ở Việt Nam chia sẻ: “Công ty tôi hầu như không bao giờ mất chi phí để sửa chữa đại tu xe. Chẳng hạn như loại xe này (lúc đó chúng tôi đang ngồi trên chiếc Daewoo Matiz) cứ sau 3 năm, xe chạy khoảng 25 - 30 vạn là công ty cho thanh lý. Nói chung thì máy móc khá tàn và cần đại tu toàn bộ, nhưng trông hình thức bề ngoài thì còn khá mới nên bán vẫn được giá”.
Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện về số phận của những chiếc xe phục vụ kinh doanh và bị khai thác đến “sức tàn lực kiệt” rồi bị thải loại. Vậy khi mua xe cũ cần chú ý những điểm gì?
Màu của khí xả
Bình thường, khi động cơ còn tốt thì khí xả không màu, hoặc có chút màu trắng giống như hơi nước nếu xe để lâu không nổ máy và đuôi ống xả sạch. Còn nếu có khói thì cần phân biệt 2 màu khói: khói đen và khói xanh.
Màu khói có thể cho biết bệnh của động cơ |
Nếu nổ máy mà có màu khói đen, có thể kèm theo tiếng ống xả thoát không đều và có mùi xăng sống thì đó là biểu hiện của việc động cơ “ăn” nhiên liệu. Nhiên liệu vào trong xi-lanh nhưng không cháy hết và bị đẩy ra ngoài. Nguyên nhân có thể là do bầu lọc gió bẩn, do bỏ máy hoặc cũng có thể do chất lượng xăng kém…
Còn nếu đuôi ống xả ướt nhầy và đóng cặn dầu, kết hợp với khói màu xanh thì nghĩa là xe đã bị “ăn” dầu. Nguyên nhân có thể là do xi-lanh bị mòn nhiều, trầy xước hoặc hở xéc măng. Nếu hiện tượng này xảy ra thì có thể kết hợp kiểm tra trong khi máy đang nổ bằng cách mở nắp đổ dầu máy ra. Nếu động cơ bị hở xéc-măng và ăn dầu thì thường đi kèm với hiện tượng hơi màu xanh (bản chất là hỗn hợp nhiên liệu trong xi-lanh bị đẩy xuống bụng máy) thổi phì ra miệng đổ dầu.
Tiếng nổ của động cơ
Quá trình khởi động xe sẽ cho biết hệ thống khởi động làm việc ra sao. Hãy lắng nghe xem tiếng đề có tức thì không, hay bị trượt và kêu xé rồi mới nổ. Khi nổ ga-răng-ty, gần như tất cả các động cơ ôtô kể cả rất cũ đều rất êm và không để lộ khiếm khuyết bên trong của nó. Chính vì vậy, nếu muốn “bắt bệnh” của xe thì cần phải tăng ga đột ngột.
Nếu dây cua-roa bị chai sẽ có tiếng rít, và hết sau khoảng 30 giây đến 1 phút. Quạt làm mát phải êm và không có tiếng kêu gằn (do bị sát cốt). Hệ thống két nước làm mát phải còn nguyên bản. Nếu xe từng bị hỏng két nước và chế lại, nắp két nước có thể sẽ không còn khớp, gioăng chặn vào miệng két nước không được khít. Van hồi nước có thể bị hỏng và nước làm mát chỉ ra bình phụ mà không hồi lại được khi máy nguội. Khi đó, động cơ sẽ luôn bị thiếu nước làm mát, gây nóng máy và trào nước ở bình phụ…
Một động cơ quá cũ có thể phát ra nhiều tiếng kêu lạ khi tăng ga đột ngột và cũng đòi hỏi người có kinh nghiệm mới phân biệt được nó phát ra từ đâu. Đó có thể là tiếng vỗ của bạc xi-lanh, tiếng cọc cọc của ắc piston bị lỏng, tiếng của bạc cam… Có những âm thanh “lành tính” như tiếng do dàn cò kêu thì có thể căn chỉnh lại sẽ hết, nhưng có những tiếng kêu “ác tính” thì chỉ có cách thay thế phụ tùng mới hết được.
Anh Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm 1 thuộc NTT Group – cho biết: “Khi một chiếc xe ôtô đã chạy khoảng trên 25 vạn km thì thường phải đại tu và thay thế rất nhiều thứ, chi phí sẽ rất lớn. Có thể phải thay toàn bộ piston, ắc piston, bạc, biên, căn chỉnh dơ dọc trục cơ, gioăng phớt, doa đóng lại xi-lanh, nếu trục cam kém sẽ phải thay trục cam, thay con đội thủy lực…”.
Hệ thống điện, điều hòa, điều khiển
Bên cạnh việc bắt bệnh của động cơ qua màu khói và tiếng nổ, khi mua xe cũ cũng phải nhìn kỹ các tiểu tiết như dây cao áp có bị rạn gãy hở điện hoặc mobil đánh lửa bị nứt hay không. Khi điện cao áp bị rò, máy có thể vẫn nổ bình thường lúc còn nguội, nhưng nóng lên là bị rung giật, thậm chí là chết máy giữa chừng.
Dây cao áp phải còn nguyên vẹn, không bị rạn nứt |
Liên quan đến điều hòa, ống dẫn ga điều hòa phải còn nguyên vẹn, đường nối không bị rạn hay phồng lên, điều hòa phải làm mát nhanh và sâu, không có mùi hôi.
Về hệ thống điều khiển, quá trình đánh lái có thể bộc lộ một số bệnh. Với các xe có trợ lực lái, lực đánh lái phải nhẹ và êm. Nếu bị nặng và có tiếng kêu è è thì nghĩa là hệ thống đã bị hao dầu trợ lực và bị lọt không khí. Nguyên nhân có thể là hỏng tuy ô dẫn dầu trợ lực, hỏng bơm hoặc nặng hơn nữa là hỏng thước lái.
Ly hợp và hộp số
Với cả xe số sàn và số tự động, quá trình vào số phải dứt khoát, êm và không bị kêu. Trên xe số sàn, hộp số lâu năm còn có thể có hiện tượng trượt số. Khi đạp côn để chuyển số thì cảm giác chân côn phải êm, không phát tiếng kêu và không bị òa ga. Nếu òa ga thì nghĩa là xe đó có thể đã bị lỗi hệ thống điều khiển ga-răng-ty hay hiểu đơn giản là lỗi vị trí bướm ga.
Trong quá trình đi thử, xe tăng tốc phải êm, nhả côn không bị giật. Nếu nhả côn từ từ mà vẫn bị giật thì côn bám không đều hoặc côn đã bị chai. Nếu xe số tự động mà bị giật thì có thể có nhiều nguyên nhân như hỏng/lỗi van điều khiển, dầu không đúng chủng loại, dầu bị đóng nhiều cặn, hoặc mức dầu bên trong hộp số không chuẩn…
Hoạt động của phanh
Cách kiểm tra phanh hiệu quả nhất là đạp chân phanh rồi khởi động máy. Ban đầu, cảm giác chân phanh sẽ hơi cứng, nhưng ngay khi động cơ nổ thì chân phanh sẽ bị tụt xuống. Còn nếu chân phanh luôn luôn có cảm giác cứng, thì nghĩa là hệ thống phanh đã có vấn đề.
Hệ thống phanh luôn đòi hỏi chuyên gia kỹ thuật kiểm tra tại gara |
Nguyên nhân gây nên cảm giác cứng ở chân phanh có thể xuất phát từ sự cố ở bầu trợ lực, mà hậu quả là lực phanh rất nặng, rất nguy hiểm nếu lái xe đạp không đủ lực khiến phanh không ăn. Tiếp đó, bộ chia dầu tổng phanh không đều, dẫn đến hiệu quả phanh không tối ưu giữa các bánh xe. Phanh cứng, không hiệu quả cũng có thể do má phanh bị trơ, không bám, hoặc do đĩa phanh.
Cũng có những trường hợp chân phanh cảm giác nhẹ như bị hẫng. Đó có thể là do cupen tổng phanh bị méo, sứt, do rò rỉ tuy ô dẫn dầu của hệ thống phanh hoặc cũng có thể do hỏng cupen phanh tại từng bánh xe, dẫn đến dầu phanh bị hao dần, mềm chân phanh và phanh không ăn.
Nếu xe được trang bị hệ thống phanh ABS thì có thể kết hợp kiểm tra trên bảng táp-lô (bật chìa khóa điện, đèn ABS sẽ sáng trong vài giây rồi tắt) và phanh gấp ở tốc độ cao trên 60km/h (xe không bị giật khực khực và không bị cháy lốp khi đạp phanh hết sức).
Đèn báo trên bảng táp lô cũng là cơ sở để theo dõi nhiều hệ thống quan trọng khác của xe như động cơ, hệ thống điện, túi khí, áp suất dầu, dầu phanh…
Câu chuyện về chiếc xe cũ quả thật là muôn hình vạn trạng. Nếu nói là không may cho những ai mua phải chiếc xe quá tàn thì cũng không hẳn đúng, bởi nếu những chiếc xe như vậy mà được bán rẻ bèo thì vẫn có thể mua, rồi đổ vào đó một khoản tiền để đại tu, làm lại toàn bộ. Hơn nữa, việc mua xe cũ nhiều khi còn phụ thuộc vào mục đích cũng như khả năng tài chính của người sử dụng. Vấn đề quan trọng chỉ là xem xét cẩn thận trước khi quyết định mà thôi.
Bài viết được thực hiện với sự hợp tác của Xưởng dịch vụ Ôtô Nam Trường Thành (NTT AUTO). Trung tâm sửa chữa số 1: Ngã 3 Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Văn Huyên – Cầu Giấy – Hà Nội. Trung tâm sửa chữa số 2: Số 106 Lê Trọng Tấn, La Khê, Hà Đông, Hà Nội. Website: www.nttgroup.com.vn |