Đá Tàu đội lốt đá Việt
Theo đó, nếu xuất khẩu trực tiếp qua Thổ Nhĩ Kỳ, đá dạng tấm nguồn gốc Trung Quốc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá với mức thuế suất tới 185 USD/tấn. Vì vậy, móc ngoặc với một số thương nhân trong nước, đá dạng tấm Trung Quốc đã được tuồn về một số cửa khẩu cảng Việt Nam dưới hình thức tạm nhập tái xuất, sau đó tìm cách thay đổi xuất xứ thành sản phẩm đá Việt Nam rồi xuất ngược sang Thổ Nhĩ Kỳ để hưởng lợi.
“Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu đá Việt Nam và niềm tin cậy của khách hàng” - Hiệp hội Khai thác và Chế biến đá Bình Định lo ngại.
Vì vậy, từ phía cơ quan trung ương, ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam vừa chính thức đề nghị các cơ quan hữu trách hỗ trợ, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm và có biện pháp ngăn chặn gian lận thương mại, bảo đảm uy tín của Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Đây không phải là lần đầu xảy ra hiện tượng thương nhân Việt Nam cam tâm làm “bình phong” cho doanh nghiệp Trung Quốc để trục lợi và nạn hàng Tàu “đội lốt” hàng Việt để lừa dối người tiêu dùng trong nước và cả các nước thứ ba đã xảy ra tràn lan lâu nay.
Từ năm ngoái, tại Diễn đàn đối thoại cùng Tham tán thương mại do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar đã cảnh báo: "Nếu không có chiến lược bài bản, hàng hóa Việt Nam sẽ đánh mất thương hiệu quốc gia ở thị trường Myanmar". Theo đó, do hàng hóa Việt Nam rất được người tiêu dùng Myanmar ưa chuộng nên đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp Việt Nam gian dối mua hàng Trung Quốc rồi “đội lốt” hàng Việt Nam đánh lừa người tiêu dùng ở Myanmar.
“Hòn đá mà biết nói năng”…
Trở lại câu chuyện đá xây dựng. Theo Hiệp hội Khai thác và Chế biến đá Bình Định, Hiệp hội Đá Thanh Hóa, Hiệp hội Đá Khánh Hòa, ngoài hiện tượng “rửa nguồn” nói trên, một số quy định pháp luật hiện hành dù mới được ban hành nhưng đã trở nên lạc hậu, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đá để chế biến hàng xuất khẩu và cho thị trường trong nước.
Theo các Hiệp hội này, thực tế công nghệ khai thác đá hiện nay tại Việt Nam và đặc biệt là các nước có công nghệ tiên tiến như Italia, Tây Ban Nha, Ấn Độ… đã thay đổi căn bản với việc sử dụng thiết bị khai thác như máy cắt dây kim cương, kích thủy lực… để tạo ra khối đá, thay cho việc nổ mìn, đục đẽo, giúp giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, tiết kiệm chi phí, không gây biến dạng, thay đổi kết cấu của nguyên, vật liệu và thuận lợi cho việc vận chuyển bằng container.
Đá khối được tạo ra sau khi khai thác tại mỏ đá có hình dạng vuông vắn, bề mặt phẳng nhờ sử dụng công nghệ khai thác tốt, thực chất đều là dạng nguyên liệu thô chưa qua chế biến, nhập về làm nguyên liệu chế biến. Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến đá nói chung chủ yếu nhập nguyên liệu dạng này vì nước xuất khẩu khẩu đá nguyên liệu không còn sản xuất và xuất khẩu đá thô, đá đẽo thô.
Trong khi đó, tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng chịu thuế ban hành kèm Thông tư 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013, Bộ Tài chính vẫn chia mặt hàng đá granit (mã hàng 2516) làm 2 loại, gồm: loại thô hoặc đã đẽo thô, thuế suất nhập khẩu là 0% và loại mới chỉ cắt bằng cưa hoặc cách khác, thành khối hoặc tấm hình chữ nhật hoặc hình vuông, thuế suất nhập khẩu là 3%.
Cho nên, nhằm giúp cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện đủ năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu thành phẩm từ thị trường Trung Quốc về Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét điều chỉnh mức thuế suất đối với mã hàng 2516.12.10 từ 3% xuống 0% như trước đây.
“Nếu giữ mức thuế suất như hiện hành sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu đá tấm đã qua chế biến về tiêu thụ và xuất khẩu. Không khuyến khích nhập khẩu đá khối nguyên liệu thô về chế biến, dẫn đến đóng cửa hàng loạt xí nghiệp chế biến đá ở Việt Nam và hàng ngàn công nhân sẽ thất nghiệp” - ông Huynh cho biết.