Ở góc độ phụ huynh, TS.BS Lan Hải kể câu chuyện: “Trẻ con vốn thật thà, không nói dối và không “nghĩ một đằng nói một nẻo”, nhưng có em lại học được tính ấy từ người lớn. Một bà giáo già phúc hậu muốn luyện học sinh viết chữ đẹp nên nhắc các em về xin cha mẹ mua lọ mực và bút sắt.
Trước một tuần bà nhắc, trước vài ngày lại nhắc và trước một ngày nhắc lần cuối. Vậy mà vẫn có bốn trò mải chơi quên không mang lọ mực và bút sắt đến lớp, bà hỏi lý do quên của từng em thì có một em thưa: “Dạ, sáng nay mẹ con vội quá quên không mang ạ”.
Em đó được bà giáo tha không mắng vì lỗi quên là của mẹ. Cả nhà em biết chuyện khen con tấm tắc rằng con mình khôn hơn các bạn, biết đổ lỗi cho người khác để thoát nạn. Có ông bố không muốn tiếp đoàn vận động ủng hộ bão lụt, sai con ra từ chối khéo. Thằng bé thật thà: “Bố cháu bảo cháu ra nói với các bác là bố đi vắng”, quay vào liền bị bố mắng.
Ở một tình huống khác một thầy giáo đang chạy xe trên đường ngay sau cặp vợ chồng chở đứa con mặc đồng phục học sinh và quàng khăn đỏ, bỗng nghe “bịch! bịch!” và 3 ly chè ăn xong được bà mẹ liệng xuống đường. Thầy chạy lên nhắc: “Sao chị không bỏ vào thùng rác ngay kia ạ?” thì ông chồng quay qua nói lớn: “Uống xong không vứt thì cầm làm đếch gì?”, bà vợ phụ họa: “Đàn ông mà nhiều chuyện thấy ớn”. Thầy choáng váng với câu trả lời của hai “đấng sinh thành” trước mặt đứa con của mình”.
Theo TS.BS Lan Hải thì có một thực tế là trẻ con thường lễ phép và kỷ luật ở lớp, trong khi chính đứa trẻ ấy lúc ở nhà hoặc đi chỗ khác lại không làm được như vậy. Phải chăng ở môi trường khác, các em không được “văn ôn võ luyện” và đang dần học theo cái xấu của người lớn. Hay nói cách khác nhà trường chỉ “dạy được” học sinh, chứ đâu có “được dạy” phụ huynh. Vậy mà nhiều bậc phụ huynh vẫn phê bình nhà trường dạy đạo đức cho học sinh không tốt và đổ lỗi việc con mình kém ngoan là do nhà trường.
Ở góc độ giáo viên, người viết không muốn nhắc đến những mảng tối, chỉ biết rằng nay dư luận xã hội dường như đã quen với những cụm từ “giáo viên mạt sát, chửi bới, hành hung học sinh”; “giảng viên gạ tình sinh viên, đổi tình lấy điểm”; giáo viên vì bệnh thành tích nên chỉ thích đuổi học học sinh thay vì cảm hóa, uốn nắn...
Quay lại với câu chuyện cô giáo quỳ mà mấy ngày nay truyền thông, dư luận xã hội đang thi nhau phân tích ai đúng ai sai. Nhưng dường như trong “cuộc đau phân tích đúng sai” ấy mọi người đã quên mất rằng những đứa trẻ - người trong chuyện và cả những đứa trẻ khác mới chính là nạn nhân và chúng đã, đang và sẽ ở đâu trong câu chuyện này từ nay về sau? Cô giáo phải quỳ, phụ huynh sai đã rõ, nhưng cô giáo cũng không đúng khi ứng xử nghề nghiệp và cũng chính từ cái sự sai và không đúng này mà nguồn cơn của câu chuyện bắt đầu.