Chiều nay 1-3, hàng trăm nhà báo đã tới tham dự cuộc họp báo công bố chương trình nghệ thuật ca múa nhạc - hài kịch với chủ đề Văn hóa giao thông. Chương trình do Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với một đơn vị của Bộ GTVT tổ chức nhưng lại thông qua một công ty truyền thông là Công ty Cổ phần Vision One Media.
Ban tổ chức cho biết Chương trình sẽ được biểu diễn tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội vào ngày 11-3.
Ban tổ chức còn "lấp lửng" cho hay Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ tới tham dự buổi biểu diễn này.
Một tình huống giao thông được sân khấu hóa cho các nhà báo xem chiều nay- ảnh GTVT |
Với nội dung: ATGT cho tôi, cho bạn và cho chúng ta được "sân khấu hóa" thông qua các tình huống hài xen lẫn các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Hà Nội, chương trình được giới thiệu như là một cách tiếp cận rất sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông tới người dân, làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.
Hơn 800 vé mời sẽ được gửi tới lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng như đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô. Chương trình còn được truyền hình trực tiếp trên VTV3 từ 21h00 - 22h30 ngày 11- 3.
Buổi biểu diễn có sự tham gia của nhiều ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng như: Trọng Tấn, Phương Anh, Ánh Tuyết… và các gương mặt nghệ sỹ hài quen thuộc của Nhà hát Tuổi trẻ.
Mặc dù chương trình chưa diễn ra nhưng trong thông cáo báo chí phát đi từ cuộc họp báo, chương trình đã "thành công sớm" khi được đánh giá : Đây là một cách làm mới, hưởng ứng có hiệu quả “Năm An toàn Giao thông 2012”.
"Sân khấu hóa" văn hóa giao thông chưa biết hay dở thế nào vì phải chục hôm nữa chúng ta mới đo được hiệu quả, sau khi chương trình nghệ thuật nói trên "mở màn".
Thế nhưng, một câu hỏi mà ai cũng băn khoăn đó là nguồn kinh phí để tổ chức chương trình lấy từ đâu? Nếu từ nguồn xã hội hóa thì là điều đáng khen ngợi còn nếu từ ngân sách nhà nước thì lại là cả một câu chuyện phải được xem xét lại.
Nhất là khi chương trình có "bóng dáng" một công ty truyền thông tham gia.
Hồi Hà Nội làm chương trình 1000 năm Thăng Long, một công ty truyền thông cũng đã sản xuất một chương trình nghệ thuật hoành tráng với chủ đề mỗi tháng một đêm nhạc tại Nhà hát lớn Hà Nội với chủ đề về Thăng Long- Hà Nội yêu dấu.
Khi chương trình bắt đầu chạy, vé thì không bán được, kinh phí tài trợ chỉ xin được nhỏ giọt. Do vậy, xuất hiện được 02 chương trình, tương ứng với 02 tháng thì chương trình biến mất, cũng chẳng để lại dư âm gì.
Nếu sân khấu hóa văn hóa giao thông mà cũng được sản xuất theo motip như thế, sống nhờ kinh phí tài trợ, thì mục đích của nó có đúng như công luận mong đợi hay không?
Anh Phương