Giới chức Ai Cập hôm qua (2/2) tuyên bố quốc tang 3 ngày sau sự kiện bi thảm diễn ra tại một sân vận động ở thành phố miền Bắc Port Said, làm ít nhất 74 người chết và khoảng 1.000 người khác bị thương.
Hiện trường vụ bạo động. Ảnh: AP |
“Người đứng đầu Hội đồng Tối cao của Lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) đã tuyên bố tuyên bố tổ chức quốc tang 3 ngày, bắt đầu từ ngày thứ Năm (2/2) cho đến hết ngày thứ Bảy (5/2)” – một thông cáo của SCAF viết. SCAF cũng cho biết đã thành lập một ủy ban điều tra để “tìm ra sự thật về sự cố đáng tiếc và đưa thủ phạm vụ việc ra trước công lý”.
Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim thì thông báo đã bắt giữ 47 người trong khi việc điều tra, tìm kiếm các đối tượng có liên quan đến vụ bạo lực đẫm máu vẫn đang được tiến hành.
Trước đó, tối 1/2, hàng nghìn cổ động viên al-Masry đã tràn vào sân sau khi đội chủ nhà đánh bại đội al-Ahly – một trong những câu lạc bộ bóng đá hàng đầu Ai Cập đến từ Cairo - với tỉ số 3-1.
Những người này đã đã ném đá, pháo và chai lọ vào các cổ động viên của đội bóng đến từ thủ đô trước khi xông vào tấn công cả cầu thủ và ban huấn luyện viên của al-Ahly. Nhiều người còn trang bị cả dao và gây ra các đám cháy tại sân vận động vốn đang có khoảng 40.000 người tham dự.
Ít nhất 74 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người khác đã bị thương sau vụ bạo động được cho là “thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá Ai Cập”. Nhiều người đã thiệt mạng vì rơi từ khán đài xuống sân cỏ và theo thông báo từ cơ quan y tế, con số tử vong có thể còn tiếp tục tăng lên khi nhiều người đang bị thương nặng.
Các chính trị gia, người hâm mộ và các quan chức bóng đá Ai Cập đã cáo buộc cảnh sát không sử dụng các cổng kiểm soát để phát hiện, ngăn chặn người hâm mộ mang dao hoặc các loại vũ khí khác vào sân.
“Cảnh sát đã mở đường cho những cổ động viên của đội al-Masry tiếp cận chúng tôi. Khi những người hâm mộ đội al-Ahly tìm cách chạy trốn thì lối thoát hiểm vốn thường được mở cuối trận đấu đã bị khóa lại. Họ bị mắc kẹt trong đoạn hành lang có kích thước 6x10m” – một nhân chứng tên Ahmed Gaffar kể lại. Cũng theo ông Gaffar, các nhân viên an ninh chỉ nổ súng để giải tán đám đông những cổ động viên quá khích của đội al-Masry 20 phút sau khi sự cố xảy ra và nhiều người tử vong.
“Cảnh sát chỉ đứng nhìn và xe cứu thương đến trễ. Tôi đã ôm nhiều xác cổ động viên trong tay của mình” – Giám đốc điều hành đội al-Ahly Mamdouh Eid nói. Một cầu thủ của đội al-Ahly thì hoảng hốt nói trên truyền hình: “Đây không phải là trận bóng đá mà là một cuộc chiến tranh và nhiều người đang chết dần trước mặt chúng tôi”.
Tổ chức “Anh em Hồi giáo” – lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn nhất tại Ai Cập - trong khi đó cáo buộc những người ủng hộ cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã gây ra vụ bạo lực sân cỏ nói trên. Mạng của Đảng Tự do và công lý (FJP) dẫn lời nghị sĩ Essam al-Erian khẳng định, những diễn biến tại Port Said đã được lên kế hoạch trước và đó là thông điệp của những người ủng hộ chế độ Hosni Mubarak. “Lý do của thảm kịch này là sự bỏ bê có chủ ý và vắng mặt của quân đội cũng như cảnh sát” – ông al-Erian nói.
Một số thành viên Quốc hội Ai Cập thì cáo buộc chính phủ quân sự của nước này đã cố tình khuấy động tình trạng bất ổn để biện minh cho chiến thuật an ninh mạnh tay của Hội đồng quân sự cầm quyền. Những người này cho biết sẽ yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ từ chức và đe dọa tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với các thành viên chính phủ khác.
Ngay sau vụ bạo động, chính phủ Ai Cập đã triển khai quân đội đến vãn hồi trật tự tại thành phố Port Said. Hai máy bay quân sự đã được điều động tới thành phố này để đưa các cầu thủ và người bị thương ra khỏi khu vực xảy ra bạo động. Ông Mohamed Hussein Tantawi – người đứng đầu SCAF - cho biết tình hình an ninh tại Port Said đã trở lại bình thường.
Thủ tướng Kamal Ganzuri đã quyết định triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp trong ngày 2/2 để thảo luận về thảm kịch trên trong khi Chủ tịch Hạ viện Ai Cập Saad al-Katatni cũng thông báo triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Hạ viện trong ngày. Kênh truyền hình quốc gia Ai Cập thông báo, tất cả các trận đấu trong khuôn khổ giải bóng đá Premier League của nước này đã bị hoãn lại vô thời hạn.
Vụ bạo động tối 1/2 được xem là thảm họa bóng đá đẫm máu nhất kể từ sau vụ giẫm đạp xảy ra trong trận đấu trước vòng loại Cúp Thế giới xảy ra năm 1996 tại thành phố Guatemala, làm 80 người thiệt mạng và 180 người khác bị thương.
Một số ý kiến tỏ ra lo ngại về việc bạo động tiếp tục bùng phát ở Ai Cập có thể sẽ dọa kích động một cuộc khủng hoảng mới trong quá trình chuyển đổi chính trị ở nước này.
Bảo An (theo BBC, AFP)