Ước tính ít nhất 9,3 triệu người dân Afghanistan, tương đương với gần 30% dân số nước này cần được hỗ trợ nhân đạo trong năm 2017, tăng 13% so với năm ngoái. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 8/2 lên án vụ đánh bom liều chết tại trụ sở Tòa án Tối cao ở thủ đô Kabul, làm ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương tối 7/2 “là tội ác chống lại loài người và không thể tha thứ”.
Khủng bố gia tăng gây bất ổn
Ngày 7/2, tên khủng bố Abu Bakr Altajiki đã kích hoạt một đai thuốc nổ mang trên người khi các nhân viên Tòa án Tối cao Afghanistan đang rời nhiệm sở vào thời điểm kết thúc ngày làm việc, khiến ít nhất 22 người chết và hơn 40 người bị thương. Hôm sau, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng thừa nhận gây ra vụ tấn công liều chết này. Trước đó, trong tháng 1/2017, một vụ đánh bom kép do các tay súng Taliban tiến hành tại khu nhà Quốc hội ở Kabul đã làm 30 người thiệt mạng và 80 người bị thương.
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nhấn mạnh đây là “một vụ tấn công hèn hạ”, đồng thời cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn đã điện đàm với người đồng cấp Afghanistan Mohammad Atmar nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Chính phủ Afghanistan. Cùng ngày, phái bộ Liên minh Châu Âu (EU) tại Afghanistan lên án vụ tấn công và bày tỏ chia buồn với gia đình các nạn nhân.
Các vụ đánh bom trên diễn ra trong bối cảnh lực lượng Taliban đang tăng cường hoạt động tấn công trên khắp đất nước Afghanistan, bất chấp đã bước sang mùa Đông, thời điểm các cuộc giao tranh thường giảm bớt, cũng như bất chấp những nỗ lực quốc tế thúc đẩy khởi động các cuộc đàm phán hòa bình cho Afghanistan. Những vụ tấn công cũng cho thấy tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng tại Afghanistan, nơi quân đội Afghanistan đang nỗ lực chống phiến quân Taliban cũng như các tay súng thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và IS trong hơn 2 năm qua, sau khi tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại đây.
Người dân chịu thiệt thòi
Có thể nói, 2 năm sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu rút quân khỏi Afghanistan và lực lượng an ninh nước sở tại tiếp quản nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc gia Tây Nam Á này vẫn đang phải vật lộn với tình trạng tham nhũng và bất ổn, trong khi quân đội liên tục là mục tiêu tấn công của phiến quân Taliban.
Trong báo cáo của Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), hiện chưa có sự cải thiện về an ninh tại Afghanistan kể từ khi liên quân rút binh sỹ khỏi quốc gia này và chỉ duy trì quân số đủ để tham gia huấn luyện lực lượng an ninh nước sở tại. Các cuộc tấn công liên tiếp của phiến quân Taliban - lực lượng cực đoan được trang bị đầy đủ vũ khí và có nguồn tài chính dồi dào đã gây tổn thất trong hàng ngũ quân đội Afghanistan. Trong năm 2015, đã có hơn 5.000 cảnh sát Afghanistan thiệt mạng trong các vụ tấn công, đến năm 2016, con số này cao hơn rất nhiều.
Theo Phái đoàn hỗ trợ Afghanistan của Liên Hợp quốc (UNAMA), số dân thường bị thương và chết tại Afghanistan trong năm 2016 tăng cao kỷ lục, với 3.500 người chết và 7.920 người bị thương, tăng 3% so năm 2015. Trong số này có hơn 3.500 trẻ em, tăng 24% so năm 2015 và là số trẻ bị thương và chết cao nhất UNAMA ghi nhận chỉ trong một năm.
Theo thống kê, trong 8 năm kể từ khi Liên Hợp quốc lập báo cáo hàng năm, xung đột tại quốc gia Nam Á này đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.840 dân thường, làm 45.347 người bị thương, trong đó 61% số nạn nhân là do các phần tử chống chính phủ gây ra, chủ yếu là Taliban, song cũng có cả Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Gần 30% dân số cần hỗ trợ nhân đạo
Hồi cuối tháng 1, các tổ chức nhân đạo quốc tế tại Afghanistan đã kêu gọi khoản hỗ trợ trị giá 550 triệu USD cho những người dễ tổn thương nhất tại quốc gia này.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp quốc (OCHA), trong bối cảnh bạo lực gia tăng, kinh tế trì trệ, biến động xã hội, ước tính ít nhất 9,3 triệu người dân Afghanistan, tương đương với gần 30% dân số nước này sẽ cần được hỗ trợ nhân đạo trong năm 2017, tăng 13% so với năm ngoái. Tuyên bố của OCHA nêu rõ theo Kế hoạch Ứng phó nhân đạo năm 2017, ước tính có 5,7 triệu người Afghanistan sẽ tiếp cận được sự hỗ trợ cấp thiết về thực phẩm, y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh trong năm nay.
Kể từ trước khi các chiến dịch quân sự của Mỹ lật đổ chế độ Taliban vào năm 2001, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ nhân đạo cho các vấn đề cấp thiết nhất trong ngắn hạn cũng như phát triển dài hạn. Tuy nhiên, lượng người phải di tản do xung đột tại Afghanistan đã tăng kỷ lục với ít nhất 626.000 người rời bỏ nhà của, lớn hơn nhiều so với con số 70.000 người năm 2010, khi các chiến dịch quân sự quốc tế còn được duy trì. Trong khi đó, số người hồi hương từ các nước láng giềng như Pakistan và Iran cũng tăng mạnh từ 181.000 người vào năm 2015 lên ít nhất 618.000 người năm 2016.
Tình trạng trên đã buộc các tổ chức cứu trợ nhân đạo tại Afghanistan phải yêu cầu hỗ trợ 550 triệu USD để giúp khoảng 5,7 triệu người dân nước này dễ bị tổn thương nhất trong năm 2017, số tiền cao nhất được yêu cầu kể từ năm 2011. Khoản tiền trên cũng sẽ giúp cho những những người dân Afghanistan bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp do thảm họa tự nhiên hay xung đột. Theo tuyên bố của OCHA, tình trạng nghèo đói, thiếu kế sinh nhai, các vấn đề sức khỏe, cơ sở hạ tầng yếu kém đã tạo thêm gánh nặng trong trường hợp xảy ra thảm họa tự nhiên.
Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp quốc, Mark Bowden (Mác Bâu-đơn) cho rằng bạo lực kéo dài đã tạo nên “một vòng luẩn quẩn”, trong đó người dân Afghanistan phải vật lộn giải quyết các vấn đề gốc rễ như kinh tế bất ổn, tiếp cận hạn chế đối với chăm sóc y tế và giáo dục, suy dinh dưỡng. Khoảng 40% dân số đã không thể tiếp cận dịch vụ y tế quốc gia; khoảng 6% dân số, tương đương 1,57 triệu người, cũng bị thiếu lương thực trầm trọng, trong đó có 1 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng. Năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ khoảng 441 triệu USD cho các cơ quan cứu trợ nhằm giúp đỡ những người dân Afghanistan dễ bị tổn thương.