Phát biểu tại cuộc họp báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, sáng nay, 26/9, ông Nguyễn Mạnh Cường – Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam – cho biết, bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm rất khả quan và sáng sủa, không những với Việt Nam mà còn với cả khu vực.
Trong nửa đầu năm 20218, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,1%; cao hơn đáng kể so với mức 5,8% cùng kỳ năm 2017. “Điều quan trọng là chất lượng tăng trưởng này rất toàn diện, ở hầu hết tất cả các ngành quan trọng”, ông Cường cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, trong nửa đầu năm 2018, thu nhập tăng đã nâng mức tăng trưởng tiêu dùng tư nhân lên 7,2% so với 7,0% của năm trước.
Đầu tư tư nhân vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng cao và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh (FDI). Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,7% trong 6 tháng đầu năm so với 14,4% của năm trước.
Hầu hết các ngành kinh tế trọng yếu tiếp tục đạt kết quả vững chắc. Sản lượng nông nghiệp và các ngành kinh tế liên quan tăng trưởng 3,9% trong 6 tháng đầu năm nay, so với 2,7% trong nửa đầu năm 2017.
Sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay tăng 9,3%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13% do sự tăng trưởng ấn tượng trong các ngành xuất khẩu như viễn thông, điện tử và dệt may.
Một điểm sáng nữa là chương trình củng cố tài khoá của chính phủ tiếp tục tiến triển trong nửa đầu năm nay. Thu ngân sách tăng 15,7% trong 6 tháng đầu năm, đạt mức tương đương 28,7% trên GDP. Trong khi đó, chi tiêu tăng ở mức thấp hơn là 11,4%, một phần nhờ vào sự hợp lý hóa chi tiêu, mặc dù vẫn thấp hơn so với kế hoạch ban đầu.
Báo cáo của ADB nhấn mạnh việc ngân sách trong nửa đầu năm đạt được thặng dư bằng 0,1% GDP, ngược lại với kết quả thâm hụt gần 1,0% một năm trước đó. Nỗ lực kiềm chế thâm hụt ngân sách đã giúp giảm tỷ lệ nợ công so với GDP xuống còn 58,5% vào cuối tháng 6 năm 2018 so với 63,7% vào đầu năm 2017.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dễ ảnh hưởng bởi những thách thức trong và ngoài nước.
Trong đó, tăng trưởng chậm lại ở Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc có thể làm giảm cơ hội xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nguy cơ mâu thuẫn thương mại leo thang trên toàn thế giới đe dọa phá vỡ chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu mà Việt Nam đang hội nhập rất sâu.
Các đợt lũ lụt nặng nề vào tháng 7 và tháng 8 có thể làm suy yếu nông nghiệp, trong khi các mỏ khoảng sản đã khai thác nhiều năm có thể sẽ bị giảm sản lượng khai thác.
Do vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm nay của Việt Nam được ADB điều chỉnh giảm từ 7,1% trong Báo cáo ADO 2018 xuống 6,9%. Mức dự báo tăng trưởng cho năm 2019 được giữ nguyên ở mức 6.8%.
Đồng thời, ADB cũng dự báo lạm phát được điều chỉnh tăng từ 3,7% lên 4,0% cho năm 2018 và từ 4,0% lên 4,5% cho năm 2019.