Nhiều năm qua, cuộc sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của các hộ dân ở xã Phú Vinh và Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế rơi vào cảnh khó khăn do giếng nước, hồ cá bị khô hạn, phải bỏ hoang.
Thủy điện giành hết mạch nước ngầm?
Theo phản ánh của người dân, giữa năm 2007, thủy điện A Lưới do Công ty CP Thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư khởi công xây dựng ở thượng nguồn sông A Sáp (huyện A Lưới), với công suất 170MW, lượng điện sản xuất trung bình đạt gần 700 triệu kWh/năm.
Từ năm 2010, phía chủ đầu tư cho thi công một con kênh lớn, dài hơn 2km từ xã Hồng Thượng đến xã Phú Vinh (A Lưới) để lấy nước từ hồ chứa sông A Sáp đưa về nhà máy nhằm phát điện. Kể từ khi có con kênh của thủy điện, mạch nước ngầm ở địa bàn bị sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều giếng trơ cạn đáy, ao hồ không có nước…
Ông Hồ Văn Nhật (73 tuổi, thôn Kăn Tôm, xã Hồng Thượng) cho biết, trước đây gia đình ông ở thôn A La, xã Hồng Thái, để nhường đất cho thủy điện A Lưới. Năm 2010, vợ chồng ông và các hộ dân trong thôn chuyển về đây sinh sống.
Ở khu tái định cư (TĐC) mới, không những thiếu đất sản xuất mà đất đai còn khô cằn, không trồng được cây cối khiến cuộc sống rất khó khăn. Để phát triển kinh tế, vợ chồng ông đào hai hồ nuôi cá trong khu vườn nhưng chỉ nuôi được mấy vụ đầu rồi bỏ hoang suốt nhiều năm qua vì hồ không có nước.
Ngoài xã Hồng Thượng, nhiều hộ dân ở thôn Phú Xuân, xã Phú Vinh (huyện A Lưới) sống gần khu vực cửa lấy nước của con kênh dẫn từ hồ thủy điện A Sáp đưa về Nhà máy Thủy điện A Lưới cho biết gia đình cũng xảy ra hiện tượng giếng nước, hồ cá trơ cạn.
Có mặt tại xã Phú Vinh vào một ngày đầu tháng 8/2019, chúng tôi chứng kiến nhiều giếng nước trơ đáy, nhiều diện tích hoa màu, hồ cá cũng bỏ hoang. Người dân nơi đây không có việc làm đành phải sang các xã lân cận làm thuê.
Giếng nước của người dân bỏ hoang vì khô cạn. |
Ông Phạm Lao (68 tuổi, trú thôn Phú Xuân) bức xúc: “Tôi đào giếng từ năm 2008, sâu 11m. Trước những năm 2010-2011, dù trời có hạn đỉnh điểm, giếng nước vẫn còn mực nước trên 2m. Tuy nhiên khi nhà máy thủy điện làm kênh dẫn, khoét hầm nhận nước sâu xuống mấy chục mét nên đã giành hết mạch nước ngầm; vì thế hồ cá, giếng mới bị khô cạn như vậy”.
Chủ đầu tư thủy điện nói gì?
Theo ông Nguyễn Thanh Điền, cán bộ UBND xã Phú Vinh, quá trình thực hiện dự án thủy điện A Lưới, đơn vị thi công xây dựng con kênh lớn dài hơn 2km kéo dài từ Hồng Thượng về Phú Vinh để lấy nước từ hồ chứa sông A Sáp đưa về nhà máy phát điện.
Hạng mục tuyến kênh của thủy điện A Lưới gây sụt giảm mạch nước ngầm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục hộ dân khi có nhiều héc ta đất sản xuất bị khô hạn, thiếu nước, giếng nước đều khô cạn trơ đáy.
Dẫn chúng tôi đến suối A Co, thôn Phú Thành, hiện đã cạn khô, lòng suối trơ đá sỏi, ông Điền lo lắng: “Trước đây, con suối này quanh năm đầy nước, là nguồn nước tưới cho hàng chục héc ta hoa màu và cây lâm nghiệp của người dân địa phương, thì nay khô hạn, không có nước. Người dân trồng keo lá tràm ven bờ suối, nhưng vì thiếu nước nên cây cũng còi cọc, phát triển chậm”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới xác nhận, tình trạng mạch nước ngầm ở xã Phú Vinh và Hồng Thượng sụt giảm, nhiều giếng nước cạn đáy, nước mặt và ao hồ không có nước. Tình trạng này kéo theo nhiều diện tích hoa màu, ruộng vườn, hồ cá bị bỏ hoang nhiều năm và người dân cũng mất công ăn việc làm...
UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan và qua tiến hành khảo sát cho thấy kết quả hiện tượng sụt giảm mực nước ngầm xảy ra từ năm 2010. Nguyên nhân chính là do thủy điện A Lưới gây ra.
Bởi trước khi các hạng mục dự án thủy điện thi công thì địa bàn huyện chưa ghi nhận hiện tượng này. Tuy nhiên, phía đại diện Công ty CP Thủy điện miền Trung lại cho rằng, phải có cơ sở khoa học xác định nguyên nhân sụt giảm nước mặt và nước ngầm là do thủy điện gây ra thì mới có phương án đền bù.
“Xác định tính cấp bách của sự việc, UBND tỉnh vừa cho phép thực hiện đề tài đột xuất, cấp thiết với mục tiêu xác định nguyên nhân mất nước mặt và sụt giảm tầng nước ngầm tại địa phương. Cơ quan được giao thực hiện đề tài là Trường Đại học Nông Lâm Huế.
Đến cuối tháng 7/2019, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thông qua đề tài khoa học này. Địa phương rất mong muốn sớm có cơ sở khoa học để yêu cầu phía chủ đầu tư dự án thủy điện hỗ trợ, đền bù và có giải pháp khắc phục nhằm ổn định cuộc sống cho người dân”, ông Hùng thông tin thêm.