Để phòng chống bệnh lây lan, Trung tâm kêu gọi mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan… tích cực dọn dẹp, loại bỏ những nơi, những vật dụng có thể chứa nước tạo điều kiện cho muỗi có thể đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh.
Khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cao đột ngột, có thể kèm theo nhức đầu, đau sau hốc mắt hoặc có dấu hiệu xuất huyết... nên đi khám tại các bệnh viện, phòng khám để được chẩn đoán và điều trị đúng.
Cùng với SXH, trong 9 tháng năm năm 2019, TP ghi nhận 14.990 ca mắc tay - chân - miệng, trong đó 16% số ca bệnh phải nhập viện điều trị.
Trước diễn biến phức tạp của các bệnh truyền nhiễm, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường hoạt động phòng chống bệnh tay - chân - miệng, đồng thời ký kế hoạch liên tịch phối hợp với ngành giáo dục trong hoạt động phòng chống các bệnh SXH, tay - chân - miệng và sởi trong trường học.
Sở GD&ĐT đã có văn bản khẩn gửi các trường học về tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, SXH và vệ sinh môi trường. Khi học sinh có biểu hiện sốt, nghi dịch bệnh, nhà trường đề nghị phụ huynh theo dõi và đưa đi bệnh viện thăm khám kịp thời, đồng thời cho học sinh nghỉ học để theo dõi, tránh lây cho bạn. Nhà trường nhập sổ theo dõi sức khỏe của học sinh, nắm rõ nguyên nhân nghỉ học do bệnh.
Liên quan bệnh SXH, Kon Tum là địa phương thứ 3, sau Gia Lai và Đắk Lắk có trường hợp tử vong là bệnh nhân 12 tuổi, ngụ TP Kon Tum, có dấu hiệu sốt, mệt mỏi vào ngày 19/9. Người nhà đã đưa bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và một số bệnh viện. Ngày 27/9 bệnh nhân tử vong, chẩn đoán do SXH Dengue nặng ngày thứ 7 có tổn thương gan.
Đến hết ngày 7/10, Kon Tum có 442 ổ dịch SXH ở 10/10 huyện, thành phố với tổng số hơn 1.200 ca mắc. TP Kon Tum có số người mắc nhiều nhất với 647 ca.
Công tác phòng chống SXH của Kon Tum đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh tăng lên do mưa nắng thất thường, rất thuận lợi cho muỗi phát triển. Bên cạnh đó, một số nơi chưa quyết tâm quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống; các hộ gia đình còn nhiều ổ bọ gậy.