[links()]Theo PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, một trong những nguyên nhân khiến naj VSATTP ở mức báo động chính là bởi sự suy thoái đạo đức và lối sống, trình độ yếu kém của một bộ phận cán bộ quản lý VSATTP các cấp.
|
PGS. TS Trần Đáng |
• Nhiều vụ thực phẩm “bẩn” như thế, chứng tỏ thị trường này đang bị “thả nổi”, còn các nhà quản lý thì “bó tay”?
- Thì đúng là như thế. Lòi ra cái gì, vi phạm cái đó. Nước mắm Chinsu thì chứa phẩm màu E105; mì tôm thì có phẩm màu E102; thịt lợn thì có thuốc tăng trọng, rồi đến gạo giả, ô mai không nguồn gốc… Đến ngay các loại trà uống cũng vậy, nào ai biết họ sử dụng hương liệu tự nhiên hay hóa chất tổng hợp để ướp? các loại mắm tôm, mắm tép cổ truyền, hàng trăm loại rượu, loại bánh dân tộc cũng thế, chúng được sản xuất, chế biến ra sao, quy chuẩn thế nào, không ai hay biết…
• Theo ông, giải pháp quan trọng nào giúp giải quyết tận gốc rễ của vấn đề này? Có ý kiến cho rằng, phải quản lý theo chuỗi sản phẩm (từ sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ). Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Với tư cách của một nhà quản lý thực phẩm lâu năm, tôi cho rằng, thiết lập một hệ thống phân tích nguy cơ để dự đoán được thực phẩm có an toàn không (VD: Rau có hóa chất gì không? Nước uống có bảo đảm chất lượng không?...) là việc làm quan trọng số 1.
Nền móng của hệ thống này đã được xây dựng, nhưng việc tổ chức thực hiện cực kỳ yếu kém, gần như chưa thực hiện được gì cả. Thực tế, khi một thực phẩm nào đó bị cơ quan quản lý thị trường phát hiện mới lấy mẫu kiểm nghiệm, rồi xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để đánh giá. Thanh tra liên ngành về thực phẩm cũng tiến hành kiểm tra theo phong trào, phát hiện ra một vài vụ việc với một số sai phạm vụn vặt, sau đó nhắc nhở, kiểm điểm… rồi đâu lại vào đấy.
Từ trước đến nay chúng ta vẫn quản lý theo chuỗi. Chỉ có điều, phân đoạn bất hợp lý mà thôi. Thực tế, có những sản phẩm cả ba Bộ (Bộ Y tế; Bộ Công thương và Bộ NN & PTNT) đều nhảy vào dẫn đến trường hợp “dở khóc dở cười”. VD: Một bà bán hàng rong nhưng kinh doanh đủ thứ (mấy mớ rau, vài con cá, mấy cân thịt; đôi ba chai dầu ăn…).
Để kiểm tra được gánh hàng rong phải có mặt ba Bộ, mỗi Bộ phải có ít nhất 3 cán bộ thanh, kiểm tra. Tổng cộng sẽ có tới 9 người cùng "thọc vào thúng" bà hàng rong, trong khi đó, tất cả các mặt hàng bà bán này bán đều là thực phẩm. Nên chăng, chỉ cần quy về một mối là giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề.
• Chưa có trường hợp nào vi phạm các quy định trong lĩnh vực VSATTP bị xử lý hình sự vì không chứng minh được hậu quả của việc làm đó. Bởi vậy, sai phạm vẫn nối tiếp sai phạm, còn người dân thì đành phải “sống chung với lũ”. Theo ông, có nên quy định: Người nào có hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng “có khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của người dân” sẽ bị xử lý hình sự?
- Nên quá đi chứ. Thực tế, biết bao nhiêu vụ vi phạm trắng trợn với lỗi vi phạm rất nghiêm trọng nhưng có vụ nào được xử lý nghiêm khắc đâu. Trong khi đó, chỉ cần nhìn vào hành vi vi phạm của họ đã dự đoán được hậu quả rồi. Cụ thể, chỉ cần một đại lý bán sữa giả thôi sẽ có biết bao đứa trẻ ăn vào, rồi bị tiêu chảy, dị ứng, rối loạn nội tiết… Chỉ cần một bếp ăn tập thể chế biến thứa ăn không đảm bảo vệ sinh là hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn công nhân, người ăn bữa cơm đó phải nhập viện cấp cứu, tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng đến kinh tế và nguy hiểm đến tính mạng…
• Xin cám ơn ông!
Lâm Hùng (thực hiện)