Vật lộn với nhau trong men rượu, một người bị thương tích hơn 40%, nhưng bởi cơ quan điều tra không chứng minh được cơ chế hình thành vết thương, nên sau 3 lần mở phiên tòa, vẫn phải tuyên trắng án cho nghi phạm.
Bợm nhậu được ăn, được chửi, còn… đánh lộn với chủ nhà.
Chập tối ngày 15/3/2010, anh Lưu Văn Huê (ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) gầy sòng nhậu với một người bạn tại nhà. Một lát sau, “bạn nhậu” Phan Văn Núng (SN 1964) đến nhà, cùng “chén chú chén anh”.
ông Núng sau ngày trắng án |
Sau vài chén khiến người ngất ngây, Núng chửi người bạn của chủ nhà, nên vị khách này tự ái bỏ ra về. Còn lại hai bợm nhậu, vẫn tiếp tục uống rượu một lúc, cũng phát sinh cự cãi. Núng bỏ về nhà cách đó khoảng 80m.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, vào 19h cùng ngày, “bợm nhậu” Núng trở lại đứng trước cửa nhà Huê, lia đèn pin rọi vào mặt chủ nhà. Thấy “chiến hữu” “được đằng chân, lân đằng đầu”, chủ nhà “tiếp chiến”.
Liền sau đó, cả hai lao vào vật nhau. Chủ nhà bị té ngã xuống đất bên hàng rào bằng sống lá dừa nước. Núng tiếp tục ngồi đè lên người “khổ chủ” khoảng hai phút thì hai bà vợ phát hiện, chạy đến can ngăn.
Cuộc vật lộn khiến Lưu Văn Huê bị “gãy kín liên mấu chuyển xương đùi trái, sưng nề vùng mấu chuyển xương đùi trái 3cm x 4cm”, tổ chức giám định pháp y tỉnh xếp tỷ lệ thương tật là 41%.
Theo cơ quan công tố, trong quá trình điều tra ban đầu, bị cáo thừa nhận ôm nạn nhân, và khi té xuống có nằm lên người nạn nhân khoảng hai phút. Vì vậy, truy tố bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích là phù hợp.
Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, ở phiên sơ thẩm, bị cáo bất ngờ phản cung, không nhận tội. Nhưng tòa cho rằng các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ đã được thu thập đúng trình tự thủ tục, đủ yếu tố chứng minh hành vi đã cấu thành tội phạm. Bị cáo đã dùng sức mạnh tác động vào thân thể bị hại gây thương tích 41% nên hành vi đó là cố ý. Tòa tuyên phạt bị cáo hai năm tù giam, buộc bồi thường gần 60 triệu đồng.
“Mê hồn trận” lời khai
Hai tháng sau, trong phiên phúc thẩm, tòa tỉnh nhận định: Lời khai của hai bên còn mâu thuẫn, bất nhất. Thương tích trên người do đâu mà có, do đánh hay té ngã gây nên? Thương tích có trước khi té ngã hay sau té ngã? Cơ chế hình thành vết thương như thế nào, chưa được công an trưng cầu giám định? Vấn đề này công an và viện kiểm sát không chứng minh được, thì chưa làm rõ sự thật khách quan của vụ án, do vậy chưa đủ chứng cứ buộc tội. Tòa hủy án, trả hồ sơ, yêu cầu giải quyết lại.
Trong phiên sơ thẩm lần hai vừa qua, những chứng cứ mới đưa ra khiến cơ quan chức năng… bối rối.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo, quá trình điều tra và điều tra lại, không chứng minh được Núng phạm tội cố ý gây thương tích. Bị cáo cũng không thừa nhận đã gây thương tích, mà do chủ nhà ôm mình nên bị cáo mới vung ra, làm cả hai té ngã.
Trước đó, hồ sơ không có tình tiết nào thể hiện hai bên ôm vật nhau. Khi té ngã, bị cáo hoàn toàn không va chạm gì với “nạn nhân”. Vì vậy, hành vi đó là phản xạ tự nhiên, phòng vệ chính đáng chứ không cố ý gây thương tích.
Trong quá trình thực nghiệm điều tra, việc diễn lại các hành vi của hai bên cũng không thống nhất, hai lời khai, hai hành vi khác nhau. Ban đầu, “nạn nhân” khai té ngã về bên phải, nhưng khi thực nghiệm điều tra lại té ngã về bên trái… Việc liên tục thay đổi lời khai của “nạn nhân” là không thể được, gây bất lợi cho bị cáo.
Phiên sơ thẩm lần hai Núng được trắng án vì cơ quan tố tụng không chứng minh được cơ chế hình thành vết thương tuyên bị cáo không phạm tội cố ý gây thương tích; bác yêu cầu của Lưu Văn Huê về việc yêu cầu bị cáo bồi thường.
Theo Xa lộ pháp luật