Lào Cai là một trong 9 tỉnh trên cả nước bị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch UBATGT quốc gia nghiêm khắc phê bình khi để tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm. Báo PLVN đã trao đổi với Đại tá Nguyễn Thiện Tuấn – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Lào Cai - xung quanh vấn đề này. Ông Tuấn cho biết:
Nhiều đoạn tuyến cua khuất, dốc, hẹp nhưng không có gương chiếu cầu, biển báo và miệng rãnh thoát nước quá rộng |
Thiếu đồng bộ trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
- 6 tháng đầu năm 2013, đối với đường bộ, Lào Cai xảy ra 122 vụ TNGT làm 44 người chết, 152 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2012, giảm 52 vụ, giảm 81 người bị thương và tăng 4 người chết tương đương với 10%. Thiệt hại ước tính trên 1,2 tỷ đồng. Đối với đường sắt, xảy ra 2 vụ làm 1 người chết, tăng 1 vụ so với cùng kỳ; thiệt hại tài sản gồm 1 đầu máy, 1 toa tàu và 7m đường ray. Có tới 80% là do ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân còn nhiều hạn chế, chưa hình thành được ý thức tự giác chấp hành luật giao thông.
Bên cạnh đó, Lào Cai có 9 km đường cấp II (chiếm 2%), 311 km đường cấp IV (chiếm 34%), còn lại là đường cấp V, cấp VI và cấp A (giao thông nông thôn). Qua nhiều năm khai thác, các tuyến đường này đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được đầu tư sửa chữa dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn và ùn tắc cục bộ nhất là vào mùa mưa lũ. Trong khi đó, lượng phương tiện cũng như mật độ phương tiện lớn, phương tiện chở quá trọng tải rất nhiều. Đặc biệt là tuyến Quốc lộ 70, nối từ Yên Bái đi cửa khầu Lào Cai là tuyến đường có nhiều điểm đen về TNGT nhất.
Ông có thể nói rõ hơn về tuyến quốc lộ này và tình hình TNGT ở đây?
Đại tá Nguyễn Thiện Tuấn |
- Quốc lộ 70 có điểm đầu tại Đoan Hùng – Phú Thọ, đi qua huyện Bảo Yên, Bảo Thắng và điểm cuối Cầu Hồ Kiều II, thành phố Lào Cai, tổng chiều dài 198km; đoạn qua tỉnh Lào Cai có chiều dài 89km nhưng có tới 43 điểm đen về TNGT. Quốc lộ 70, đoạn trên địa bàn tỉnh Lào Cai được khôi phục, nâng cấp mặt đường và hoàn thành đưa và khai thác năm 2008 với quy mô đường cấp IV miền núi, bán kính đường cong bằng và độ dốc dọc, chiều rộng nền đường 7,5m, chiều rộng mặt đường 6,5m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm; hiện trạng đường đã xuống cấp nghiêm trọng, do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến trong những năm qua. Đến nay tuyến đường không đáp ứng nhu cầu giao thông, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT gia tăng trong 6 tháng đầu năm.
Nếu yêu cầu hạ tải sẽ làm hỏng nông sản của dân
Được biết thực trạng xe chở quá trọng tải trên địa bàn diễn ra rất nhiều và có luồng ý kiến cho rằng nguyên nhân là do sự “bảo kê, bật đèn xanh” từ lực lượng CSGT. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
- Theo tôi, không có chuyện lực lượng CSGT bảo kê, bật đèn xanh hay dung túng cho các lái xe chở quá trọng tải thiết kế. Nguyên nhân là do thiếu đồng bộ trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Dọc tuyến Quốc lộ 70, đoạn chạy qua tỉnh Yên Bái đã được đầu tư xây dựng trạm cân, tuy nhiên lại không có trạm hạ tải và đội ngũ nhân viên chuyên hạ tải. Còn trên địa bàn tỉnh Lào Cai thì chưa có trạm cân mà chỉ có cân sách tay. Tuyến Quốc lộ này lại chủ yếu là vận chuyển hàng nông sản từ các tỉnh phía bắc xuất khẩu sang Trung Quốc. Nếu yêu cầu hạ tải mà không có trạm hạ tải, kho bãi đảm bảo chất lượng để bảo quản các mặt hàng đông lạnh sẽ dẫn đến việc hư hỏng hàng hóa của họ. Mà trường hợp ở Hải Dương vừa qua là một bài học đắt giá.
Bên cạnh đó chi phí, cước vận chuyển lớn, nên chủ doanh nghiệp thường yêu cầu, thậm chí bắt ép lái xe phải chở quá tái để bù vào chi phí. Trong khi lực lượng CSGT chốt ở trạm cân Yên Bái chỉ có chức năng xử phạt chứ không yêu cầu hạ tải được, vì thế mà lượng xe quá trọng tải vẫn ùn ùn kéo về Lào Cai.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Mỹ (thực hiện)