Ngày 24.10 năm nay tròn 75 năm kể từ ngày biểu tượng Đế chế Nga - con đại bàng hai đầu trên đỉnh tháp Cứu Thế trong điện Kremly bị phế truất và thay bằng ngôi sao năm cánh tượng trưng cho nước Nga mới, nước Nga xô viết. Đó chỉ là sự bắt đầu, về sau, tất cả những con đại bàng trên đỉnh tháp điện Krmly đều bị tháo xuống để thay bằng các ngôi sao.
Photo: RIA Novosti |
Trên thực tế, thế kỉ XX ở nước Nga trôi qua dưới biểu tượng ngôi sao trên đỉnh tháp điện Kremly - quốc huy của CCCP. Thế nhưng bây giờ đã chuyển sang một thời đại mới, con đại bàng hai đầu - quốc huy truyền thống của nước Nga trước đây đã trở lại. Tuy nhiên, ngôi sao hồng ngọc xô viết vẫn tiếp tục cháy sáng trên nóc Phủ tổng thống trong điện Kremly. Trên đỉnh tháp Cứu Thế và tháp Borovitskaya, ngôi sao năm cánh vẫn hiện diện cùng với bức tranh thánh trên cổng vòm mới tìm lại và phục chế. Chắc là đã đến lúc trả lại cho điện Kremly diện mạo lịch sử của nó, đúng theo yêu cầu của Quỹ "Hoàn trả", thành viên là các linh mục, các nhà khoa học và các nhà lịch sử Nga. Chủ tịch Quỹ, ông Yuri Bondarenko giải thích về quan điểm của họ như sau:
"Mục đích chính của Quỹ là trả lại cho các đường phố và các thành phố nước Nga những tên gọi cổ xưa, khôi phục lại truyền thống lịch sử đã mai một, những biểu tượng, trong đó có con đại bàng hai đầu trên đỉnh tháp điện Kremly. Bởi vì, không chỉ riêng Matxcơva, mà ở Nga nói chung, chúng ta đã sống trong hình mẫu Lenin-Stalin, mà tàn dư của hình mẫu đó vẫn còn rơi rớt đến tận bây giờ. Vấn đề chủ yếu là chấm dứt chính trị hóa và tư tưởng hóa nước Nga".
Không phải tất cả mọi người ở Nga đều tán thành ý tưởng này. Phó tổng giám đốc Bảo tàng Kremly Andrei Batalov cho rằng điều đó sẽ biến Quảng trường Đỏ và Kremly trở thành trớ trêu. "Một bên thì diễn ra những cuộc biểu diễn âm nhạc, đua xe máy ngay trước Nhà thờ Vasili Thiêng Liêng, một bên là Lăng Lê nin, người lật đổ Đế chế Nga", ông Batalov phê phán. Nhưng nhà lịch sử chuyên nghiên cứu về Matxcơva Aleksandr Ysoltsev nói:
"Tôi cho rằng cần phải giữ lại những ngôi sao điện Kremly. Đó không chỉ là biểu tượng của Matxcơva, mà của cả nước Nga. Chính những ngôi sao Kremly, chứ không phải là những con đại bàng hai đầu được người ta biết đến trên thế giới. Hơn nữa, những ngôi sao này rất đẹp và cân đối so với kiến trúc chung của Kremly, có thể gọi chúng là thành công của ý tưởng kiến trúc thần kì. Chúng ta không thấy ngọn đèn thắp bên trong, mà thấy toàn bộ ngôi sao tỏa sáng, nhờ hệ thống kính mờ độc đáo. Những ngôi sao này quay được như chong chóng chỉ hướng gió, nhưng về mặt khí động lực học, nếu có bão lớn thì mái tháp có thể bị bay mất còn ngôi sao vẫn đứng vững".
Quả thật, ông Aleksandr Usoltsev thừa nhận rằng khi khôi phục lại những bức tranh thánh trên cổng vòm của tháp thì những ngôi sao có thể không còn thích hợp về mặt phong cách, nhưng cũng sẽ có người khẳng định là nếu thế thì những con đại bàng cũng sẽ không thích hợp. Người ta đã quen thấy những ngôi sao, và chúng là một phần không thể tách rời của điện Kremly.
Tuy nhiên, thói quen là chuyện lâu ngày mà nên. Khi hỏi những người Matxcơva trẻ tuổi, phố Các Mác, phố Ăng ghen ở đâu, chắc họ chỉ nhún vai. Thế nhưng nếu hỏi các phố đó bằng tên gọi cổ, mới được khôi phục cách đây chưa lâu, thì họ lại biết rất rõ.
Theo đài TNNN