Không ai có thể nói chắc 100% rằng một đôi sẽ hạnh phúc mãi mãi hay sớm muộn là ly hôn. Nhưng các nhà khoa học xã hội đã đưa ra cơ sở để dự báo được các đôi có nhiều nguy cơ chia tay - dựa vào cách họ cãi vã hay tự mô tả về mối quan hệ của mình cũng như trình độ giáo dục và việc làm.
Theo Business Insider, dưới đây là 7 yếu tố dự báo trước ly hôn:
Cưới khi còn tuổi teen hay sau tuổi 32
Thời điểm tốt nhất để kết hôn là khi bạn cảm thấy đã sẵn sàng và lúc bạn tìm được người mình muốn cùng sẻ chia cả quãng đường đời. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, những đôi cưới khi chưa đầy 20 tuổi hay từ giữa độ tuổi 30 trở đi thì dễ ly hôn hơn. Nguy cơ này đặc biệt cao với những đôi tuổi teen.
Theo nghiên cứu do giáo sư Nicholas Wolfinger, Đại học Utah, sau tuổi 32, tỷ lệ ly hôn của bạn sẽ tăng lên 5% mỗi năm. "Với hầu hết mọi người, cuối độ tuổi 20 là thời điểm đẹp nhất để kết hôn", Wolfinger viết trên Institute for Family Studies.
Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí Economic Inquiry năm 2015 cho thấy tỷ lệ ly hôn ở các đôi tăng lên theo khoảng cách tuổi giữa vợ chồng.
Ảnh minh họa:SBS. |
Người chồng không có công việc ổn định
Một nghiên cứu của Harvard công bố trên American Sociological Review cho thấy không phải tình hình tài chính mà là sự phân công lao động sẽ tác động đến khả năng ly dị.
Khi nhà nghiên cứu Alexandra Killewald xem xét các cuộc hôn nhân bắt đầu sau năm 1975, bà thấy những đôi mà người chồng không có công việc toàn thời gian thì khả năng ly hôn là 3,3% trong khi các đôi chồng đi làm ổn định thì tỷ lệ này chỉ là 2,5%.
Tuy nhiên, tình trạng việc làm của người vợ không ảnh hưởng lắm tới khả năng hôn nhân tan vỡ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng mô hình trụ cột gia đình nam giới vẫn còn phổ biến và ảnh hưởng tới độ bền vững của hôn nhân.
Chưa tốt nghiệp trung học
Theo một thống kê tại Mỹ, khả năng kết thúc hôn nhân thấp hơn ở những người có trình độ giáo dục cao hơn và hơn một nửa số cuộc kết hôn của những người chưa học xong trung học chấm dứt bằng ly dị trong khi tỷ lệ này ở những người có trình độ đại học chỉ 30%.
Nhà tâm lý Eli Finkel cho rằng, có thể tình trạng trình độ giáo dục thấp thường dự báo thu nhập hạn chế - điều hay gây nhiều căng thẳng cho cuộc sống gia đình. "Thật khó để có hôn nhân hạnh phúc khi hoàn cảnh sống phải lo cơm áo gạo tiền đầy mệt mỏi nên khả năng chia tay cao cũng không đáng ngạc nhiên", chuyên gia này nhận định.
Thể hiện sự khinh thường bạn đời
John Gottman, một nhà tâm lý tại Đại học Washington, gọi 4 hành vi trong hôn nhân là "tứ kỵ sĩ khải huyền" bởi chúng báo trước khả năng ly hôn đúng một cách đáng sợ: Coi thường, chỉ trích, phòng thủ, lạnh nhạt.
Điều này cũng được đúc rút qua kết quả nghiên cứu mà Gottman thực hiện cùng nhà tâm lý Robert Levenson, Đại học California-Berkeley.
Quá quấn quít khi mới cưới
Nếu bạn chẳng ôm hôn hay cầm tay bạn đời khi mới cưới thì có thể hôn nhân có vấn đề. Nhưng nếu hai người quá quấn nhau thì cũng có khi báo trước điều không tốt.
Nhà tâm lý Ted Huston đã theo sát 168 đôi trong 13 năm, từ lúc họ mới cưới. Trong quá trình nghiên cứu, Huston và nhóm của mình thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với các đôi. Kết quá thú vị là: Các đôi ly hôn sau 7 năm sống chung trở lên hầu hết là quấn như sam khi mới cưới.
Chuyên gia Aviva Patz cũng có nhận định tương tự trên Psychology Today: Các đôi mà hôn nhân bắt đầu bằng hạnh phúc lãng mạn đặc biệt dễ chia tay bởi ngọn lửa tình mãnh liệt đó rất khó duy trì.
Phòng thủ khi xung đột
Khi vợ hay chồng cố gắng trò chuyện với bạn về vấn đề gì đó phức tạp, bạn quay đi hay đóng sầm cửa lại? Nếu đúng, đó là một dấu hiệu nguy hiểm.
Một nghiên cứu năm 2013 công bố trên tạp chí Journal of Marriage and Family, cho thấy những người chồng có hành vi này dễ bị vợ bỏ. Kết luận này dựa trên nghiên cứu với 350 cặp mới cưới sống tại Michigan.
Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy các đôi mà một người hay gây áp lực còn người kia thì đáp lại bằng sự im lặng thường ít hạnh phúc.
Mô tả mối quan hệ theo cách tiêu cực
Năm 1992, Gottan và các nhà nghiên cứu khác tại Đại học Washington đã thực hiện một nghiên cứu trong đó yêu cầu các đôi nói về các khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ của mình. Bằng cách phân tích các cuộc hội thoại, các nhà nghiên cứu có thể dự doán đôi nào sẽ ly dị.
Trong một nghiên cứu công bố năm 2000 trên Journal of Family Psychology, Gottman và cộng sự cũng sử dụng cách này và thấy rằng những đôi nào thể hiện sự thất vọng, tiêu cực về hôn nhân thì sau đó sẽ ly hôn.